Nhạc trẻ: Dễ dãi và hỗn tạp

11:11 | 01/05/2015

739 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lướt qua một vòng các bảng xếp hạng âm nhạc mới thấy hoang mang, giật mình. Gu âm nhạc của giới trẻ giờ quá dễ dãi và hỗn tạp.

Năng lượng Mới số 405

1. Không phải tới bây giờ nhiều bài hát với ca từ sáo rỗng, rập khuôn, ủy mị mới tràn lan trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Nhìn qua bảng xếp hạng âm nhạc trên các trang như zingmp3, nhaccuatui, nhacso… chỉ cần đọc lên tên các tên bài hát cũng đủ làm chúng ta giật mình về tên bài hát: “Anh làm em đau”, “Anh muốn em sống sao”, “Lỗi định mệnh”, “Cứ cho là duyên số”, “Giúp anh trả lời những câu hỏi”…

Không chỉ thế những bài hát nhạc chế bậy bạ tục tĩu như “Phiếu bé ngoan” của Yanbi cũng được cư dân mạng truyền nhau với tốc độ chóng mặt. Một bộ phận giới trẻ khác thì nghiện nhạc Hàn, mê mẩn với từng clip của các nhóm nhạc đẹp như tranh vẽ.

Lướt qua các bảng xếp hạng âm nhạc Việt mới thấy khó để tìm ra những bài hát đi vào lòng người hay những bài ca đi cùng năm tháng. Phần lớn nhạc sĩ trẻ thời nay chỉ sáng tác theo kiểu ăn sổi, phục vụ nhu cầu của thị trường, với kiểu yêu đương “sáng nở tối tàn”, tình tay ba, phản bội, đau khổ, lụy tình… Thực ra những vấn đề này không phải là chuyện mới nhưng với lời lẽ trần trụi, ủy mị của ca từ thời nay khiến các bảng xếp hạng âm nhạc trở thành một thứ dễ dãi, hỗn tạp...

Trên các diễn đàn, một bộ phận giới trẻ cũng cảm thấy hoang mang với dòng nhạc trẻ hiện giờ. Họ cũng nhận thấy sự lai căng, tạp nham và dễ dãi quá mức của dòng nhạc dành cho mình. Ngôn từ vô nghĩa, thậm chí nhố nhăng, bặm trợn. Nghe xong chẳng đọng lại chút gì trong đầu. Một nhận xét thẳng thắn: “Có thể nói rằng trào lưu nhạc trẻ bây giờ lai căng quá trớn. Không thể chấp nhận được. Các ca sĩ trẻ hiện nay cũng đang chạy sô khắp nơi để kiếm tiền. Còn các ca khúc cũng chỉ theo mùa vụ, sớm nổi lên rồi cũng sớm vụt tắt”.

2. Còn những ca khúc đi cùng năm tháng thật đáng buồn khi người trẻ lại bóp méo đi. Chưa đủ khả năng, thiếu sự am hiểu khiến việc phối khí mới cho ca khúc gây thất vọng hoàn toàn với người nghe. Hầu hết các ca khúc cách mạng quen thuộc giờ được phối khí với phong cách hiện đại, mới lạ trở nên rất khó nghe. Không ít ý kiến cho rằng, việc làm mới các ca khúc cách mạng là đối xử “tàn bạo” với bài nguyên bản, lố lăng, lai căng. Bởi những bài hát truyền thống cách mạng cần phải giữ được hồn cốt của nó, như thế thì khi người cất lên tiếng hát mới thấm được cái hồn, cái ý nghĩa cần được truyền tải của bài hát đó… Thông thường bài hát đi được vào lòng người thì ngoài ca từ hay thì còn cần cả giai điệu. Nhưng với cách các bạn trẻ đang làm thì thật khó có thể chấp nhận. “Cô gái Pa Ko” được các bạn sinh viên “thổi hồn” biến thành cô gái da màu đứng uốn éo bên cạnh một chàng trai đeo kính đen đọc rap: “Tiếng chim hót, tiếng chim hót, em đi giữa cây rừng… Yeah…!”. Hay như bài “Bóng cây Kơ-nia”, một bạn sinh viên mặc quần tất rách, áo gi-lê bò nhảy nhót khí thế theo phong cách rock, bên cạnh một bạn chơi ghi-ta. Những đoạn cao trào của bài hát còn được đệm những tiếng hú: “au… au…” nghe thật khó hiểu.

Nhạc sĩ Huy Thục cho rằng, du nhập, học cái mới đều đáng hoan nghênh. Bởi trào lưu phối khí mới các bài hát đi cùng năm tháng, hay những bài hát kinh điển trên thế giới đã có nhiều năm trở lại đây, chứ không phải là một hiện tượng mới. Tuy nhiên, làm gì thì làm, sáng tạo gì thì sáng tạo, học cái “tiên tiến” nhưng chớ coi thường cái “đậm đà bản sắc dân tộc”, phải giữ được cốt cách của bài hát. Tiên tiến nếu không kế thừa được truyền thống thì như vậy có lỗi với những người đi trước, với cha ông. Âm nhạc mang tính thời đại nhưng không có nghĩa là mất gốc. Đó là điều cốt lõi.

3. Nhạc trẻ bây giờ có thể nói là “sớm nở tối tàn”, sáng nghe chiều đã chán. Thế nhưng, điều đáng buồn là không có nhiều nhạc sĩ quan tâm đến câu chuyện này. Với họ chỉ cần bài hát của mình có lượng người nghe cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc đã lấy đó làm mừng. Chưa kể, đã là nhạc thị trường thì không cần đầu tư quá nhiều công sức.

Trả lời báo chí, nhạc sĩ Quốc Trung từng có nhận xét rất thẳng thắn khi được hỏi về môi trường âm nhạc Việt Nam. Anh cho rằng, Việt Nam ta không có môi trường và thị trường cho âm nhạc. “Nghệ sĩ của chúng ta nghèo về sự sáng tạo, về môi trường hoạt động. Chúng ta có quá ít sự chọn lựa cho khán giả, cho giới trẻ… Chúng ta quen thói tư duy về văn hóa nghệ thuật từ thời bao cấp là âm nhạc, nghệ thuật luôn luôn phải cống hiến, nhạc sĩ sáng tác ra thì bỏ lên mạng cho mọi người cùng nghe và như thế là hạnh phúc rồi. Tất cả những sự duy lý trí ấy nó tạo ra những bất cập như sự háo danh, thói chộp giật…”.

Âm nhạc tác động lên mặt xúc cảm và tư tưởng của mỗi con người nên âm nhạc đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ. Âm nhạc có thể đánh thức lương tâm, thức tỉnh một con người nhưng đồng thời nó cũng chính là kẻ đưa đường nhẹ nhàng nhất cho sự băng hoại đạo đức, sự lệch lạc về lối sống. Chính vì thế, nếu cứ để giới trẻ Việt nghe nhạc, yêu nhạc như bây giờ thì e rằng sẽ đến lúc không còn cứu vãn kịp một tâm hồn đẹp.

Thanh Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.