Người sót lại của nghề vẽ truyền thần

11:10 | 03/02/2013

2,912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đơn sắc với hai màu đen trắng lọt trong khu phố buôn bán sầm uất nhất nhì Hà thành, cửa hiệu vẽ truyền thần của họa sĩ già Nguyễn Bảo Nguyên không hề bị những mảng màu đa sắc nuốt gọn. Mà ngược lại, trong con phố cổ ấy, cửa hàng vẽ truyền thần của ông còn nổi lên bởi cái hồn phố cổ dường như tụ hết lại nơi đây, trầm mặc và tao nhã.

Ngã rẽ cuộc đời

Hẹn gặp ông trong một buổi sáng mùa đông nắng ấm, tôi lại thêm hứng khởi vì sự chu đáo của ông, khi được ông xếp cho một chỗ ngồi trong cửa hàng có cả ghế cao, ghế thấp để tiện cho việc ghi chép. Lần đầu tiên gặp ông sau những thông tin đọc được qua nhiều trang báo, trước mặt tôi là ông họa sĩ già thân thiện và hồn hậu. Ông vui vẻ bắt đầu câu chuyện, từ cơ duyên ông rẽ ngang sang nghề vẽ truyền thần. Có lẽ đến với nghề này có cả tất nhiên và ngẫu nhiên. Cái tất nhiên là trong ông có khiếu vẽ từ khi còn bé.

Ngày nhỏ, ông đã rất thích vẽ, thấy chú mình vẽ gì là ông bắt chước, ông thích nặn hình con chó, con mèo, hay cái miếng chặn bếp lò cho bà. Giả sử nếu như ông có làm khoa học, chắc chắn ông vẫn vẽ vì sở thích và để thư giãn nữa. Ông vẫn còn nhớ, lần trước khi chú ông đi Sài Gòn, chú dặn dò: “Nhớ thi vào trường mỹ thuật hoặc kiến trúc nhé”. Nhưng vì cũng có năng khiếu các môn khoa học tự nhiên - lại là ngành thời thượng bấy giờ - ông quyết tâm thi đỗ Khoa Vật lý nguyên tử - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, với ước mơ sau này là một kỹ sư tương lai.

Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên

Nhưng rồi, cuối cùng ông lại trở về với ước mơ và năng khiếu ban đầu là vẽ, sau cái lẽ ngẫu nhiên, bởi một trận ốm thập tử nhất sinh vào mùa hè năm 1960. Bạn bè đi thi, còn ông đang nằm trên giường bệnh, ước mơ thành kỹ sư tương lai đành dang dở. Trong những buồn chán đi dạo vài ba con phố cổ, ông bắt gặp các cụ ngồi vẽ truyền thần, tạt vào xem, rồi định học lỏm, nhưng chẳng ai cho đứng lâu, vốn có chút năng khiếu vẽ từ bé, ông quyết tâm tự học, ông tự kẻ ô vào bức vẽ và mày mò nghiên cứu từ đó.

Nửa thế kỷ vẽ truyền thần

Bắt đầu vào nghề ông mở một cửa hàng nhỏ ở 41 Hàng Bài, rồi sau đó vào Hợp tác xã Truyền thần Hà Nội. Ở đây ông có “đất dụng võ”, kiên trì tự học và say nghề, Nguyễn Bảo Nguyên dần trở thành thợ cả uy tín của hợp tác xã. Mọi người quý mến gọi ông là “họa sĩ”, “nghệ nhân” nhưng ông chỉ tự nhận mình là “thợ vẽ”. Sau đó, hợp tác xã giải thể, ông Nguyên không đành lòng buông nghề, ông gom vốn mở cửa hàng tại 47 Hàng Ngang và tồn tại cho đến tận bây giờ. Ông không nhớ chính xác ngày chuyển về đây, nhưng có một bức hình vẽ một người bạn thân mở hàng cho cửa hàng của ông vào ngày 15-8-1960, đây được coi là cột mốc đáng nhớ của ông. Nói đến đây, ông lôi trong tập lưu trữ ra cho tôi xem bức hình vẽ người bạn được ký tên ngày 15-8-1960 và một bức hình mới gần đây ông ký họa ông bạn già sau mấy chục năm gặp lại.

Nói về nghề, ông Nguyên bảo, đó không chỉ đơn thuần là chép ảnh. Truyền thần là một từ gốc Hán - Việt, có nghĩa là “truyền lại” cái “thần” của người được vẽ. Làm sao mà bức vẽ giống thôi chưa đủ, phải bắt được cái thần thái trong bức hình ấy, làm nó sống động, “như có thể trò chuyện cùng mình”.

Gần nửa thế kỷ làm nghề, ông Nguyên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ chiếc bút vẽ cho đến mực để vẽ. Bút vẽ của ông ban đầu là bút nho, ngòi bút bằng lông sóc, có nét vẽ rất mềm đẹp. Sau một thời gian không còn bút nho loại lông sóc, ông chuyển sang dùng bút tre và đến năm 1970, ông tự sáng tạo ra bút tăm độc đáo. Bút này có cán bút làm bằng đũa, đũa được chẻ làm tư, gắn kết với ngòi bút là cây tăm nhỏ và được buộc bằng các sợi dây thép nhỏ chắc chắn. Bút của ông rất đa dạng, tăm nhọn vẽ nét thanh, cần nét to hơn thì mài đầu tăm ra một chút ít, cần mềm thêm ít bông, còn buộc bông to vào đầu tăm để đánh bóng… Ở đầu đũa còn lại gắn một cục tẩy được vót nhọn, rất tiện lợi để chỉnh sửa những chi tiết nhỏ. Ông dùng một loại mực đặc biệt được lấy từ muội đèn dầu và lốp cao su. Thứ muội này dùng làm mực vừa mịn lại bền màu, rất “ăn” giấy, lại không đen nhánh như mực công nghiệp.

Đến bây giờ, khi không còn dùng thứ mực này nữa, mà chuyển sang bột than hạt cải, ông Nguyên vẫn giữ một hộp nhỏ đựng thứ muội này để thỉnh thoảng lôi ra vẽ cho “đỡ nhớ” và nghiền ngẫm với thứ mực kỳ công này. Ông Nguyên còn chia sẻ, nhờ có những năm học đại học về khoa học tự nhiên mà nghề vẽ của ông cũng thêm tính cẩn thận, khoa học và chính xác hơn. Ông còn bật mí cách sửa ảnh nhờ vào một miếng giấy để bịt một con mắt, con mắt còn lại sẽ bao quát và nhìn ra được những nét vẽ chưa chuẩn.

Chia sẻ về thu nhập của nghề vẽ truyền thần thời kỳ đó, ông cho biết, tháng đầu tiên ông kiếm được 250 đồng, gấp 3-4 lần lương kỹ sư, bác sĩ. Nhưng nhà đông anh em, bố ông chỉ có 60 đồng/tháng, trong khi cả gia đình có tới 12 miệng ăn. Nên mặc dù thời kỳ hưng thịnh nhất của truyền thần, ông cũng không dành dụm được bao nhiêu, tài sản lớn nhất khi ấy của ông là chiếc xe đạp. Còn hiện tại, một bức vẽ của ông được bán với giá 400-500USD, bức chân dung tự họa chính ông có người trả 1.500USD nhưng ông không bán vì có lẽ không biết bao giờ ông mới vẽ lại được một bức như thế.

Khi tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời làm nghề của ông, ông hào hứng “khoe”, ông rước được vợ về cũng nhờ nhiều người uy tín muốn ông dạy cho nghề vẽ truyền thần. Và cô học trò sau gần một năm theo học đã nên duyên với thầy. Còn kỷ niệm với nghề, ông nhớ nhất là lần ông được đặt vẽ mà không có ảnh. Cháu đích tôn 9 đời của dòng họ Vũ Tông Phan là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Đông Tây Vũ Thế Khôi đến nhờ ông phục dựng lại hình ảnh của cụ Vũ Tông Phan - danh nhân văn hóa dân tộc, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ. Không có ảnh mẫu, ông Nguyên chỉ nghe qua lời kể của con cháu, nghe qua các áng thơ của cụ, rồi gặp gỡ và trò chuyện với con cháu của cụ, ông Nguyên dần nắm được cái thần thái, tính cách, ông bắt tay vào vẽ lại cụ trong hình dung và tưởng tượng. Thật bất ngờ khi sự tinh tế, niềm đam mê với nghề và tài năng thực thụ của ông Nguyên đã tái hiện một hình ảnh cụ Vũ Tông Phan - mà cả dòng họ cũng bất ngờ và xúc động vì quá giống với hình ảnh trong tưởng tượng và đúng với thần thái dòng họ Vũ.

Hơn 50 năm làm nghề, với tâm huyết và say nghề, ông Nguyên tự hào với 15 bức tranh truyền thần được trưng bày tại một cuộc triển lãm lớn tại Nhật Bản. Tranh của ông còn được mời tham gia nhiều triển lãm ở Anh, Mỹ…

Con phố Hàng Ngang sầm uất, tôi ngồi cạnh người họa sĩ già ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng trong ông luôn toát lên vẻ điềm tĩnh, cần mẫn và niềm say mê cháy bỏng với từng nét vẽ. Trăn trở về sự mai một của nghề vẽ truyền thần: Xã hội càng văn minh thì những nghề thủ công càng được quý trọng, bởi nó mang tính nghệ thuật, đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ, công phu bằng chính đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, hơn nữa nó có giá trị rất riêng và có yếu tố con người trong đó. Người họa sĩ già còn luôn tin và chắc chắn ở những thế hệ sau ông vẫn sẽ có những con người có tâm với nghề “có một không hai” này.

Thanh Huyền

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.