Ngô Hồng Quang: Kết nối hiện đại cho âm hưởng dân tộc

15:44 | 19/11/2013

1,733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang vốn được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia để làm nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc. Quá trình hoạt động nghệ thuật và những cuộc phối hợp với nhiều nghệ sĩ khác nhau đã dẫn anh đến với xu hướng biểu diễn, sáng tác mới mẻ trong sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại. CD “Song hành” đã ra mắt tại Hà Lan vừa được Hồ Gươm Audio - Video tái bản, phát hành tại Việt Nam là một ví dụ cho hướng đi này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh.

Năng lượng Mới số 275

PV: Duyên cớ nào dẫn anh đến cuộc gặp gỡ trong CD “Song hành” này?

Ngô Hồng Quang: 5 năm trước, tôi được mời sang Hà Lan biểu diễn trong cuộc kỷ niệm 40 năm Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam. Tại đây tôi gặp vợ chồng nhạc sĩ Onnon Krijn. Onnon là một nghệ sĩ yêu âm nhạc thế giới, các nghệ sĩ từ nước khác đến thường được anh ấy mời về Noon studio của mình để thu âm. Tôi có đến thu “chơi” một số bài và cảm thấy hai bên làm việc rất hợp. Lúc đó tôi cũng chưa nghĩ rằng sẽ sang Hà Lan học. Nhưng sau đến Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, tôi thấy hứng thú với ngành sáng tác ở đây nên đã cố gắng học tiếng Anh để thi. Sang học năm 2009, chương trình học cởi mở, kích thích sáng tạo mang lại nhiều hứng thú. Tôi còn có những buổi biểu diễn nhạc cổ truyền Việt Nam, từ solo cho tới kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài khác. Những câu chuyện như thế cứ diễn tiến dần và thôi thúc việc thực hiện ấn phẩm này.

PV: Lần đầu thực hiện CD có sự kết hợp ta - tây, cũ - mới, quen - lạ như vậy, đâu là trở ngại với cả hai phía?

Ngô Hồng Quang: Hầu như chỉ có lúc ban đầu Onnon chưa hiểu gì về xẩm và chèo. Ngay cả tôi, suốt một thời gian dài, tôi cũng phải liên tục qua e-mail, nhờ nhạc sĩ Quang Long - NXB Âm nhạc gửi cho tài liệu và trao đổi về xẩm. Tại phòng thu, tôi hát một số bài xẩm, chèo, dân ca, ca khúc và chơi đàn nhị, đàn bầu… Onnon nghe bản thu và hòa âm điện tử. Anh ấy làm xong, tôi đến nghe và góp ý. Việc này khiến cho một bài phải hai, ba tuần mới xong.

Cả hai đều tôn trọng việc thể hiện của nhau. Tôi không can thiệp vào việc hòa thanh của Onnon mà chỉ hướng anh ấy hòa âm theo “kiểu” Việt Nam chứ không theo “kiểu” Tây. Hoặc với các bài ca cổ, vốn có nhiều đoạn lặp lại về giai điệu, cả hai đều biết như thế có thể dễ gây nhàm chán nên tôi góp ý nên xây dựng nhạc từ “mỏng” đến “dày” và sử dụng những phần lưu không để nối các đoạn. Như vậy sẽ tạo sự thay đổi và phong phú, đa màu sắc hơn trong mỗi tác phẩm.

PV: Ngoài nhạc sĩ Onnon, các nghệ sĩ khác đã tham gia vào CD như thế nào?

Ngô Hồng Quang: Các ca sĩ, nhạc công, có người tôi biết, có người qua Onnon. Mỗi người đều có những đóng góp thú vị. Ví dụ với bài “Ru con” của Nam Bộ, khi Onnon gợi ý ca sĩ châu Phi Minyeshu, cô ấy hỏi về nội dung bài hát, suy nghĩ và nói rằng muốn hát vài đoạn một bài dân ca của đất nước cô ấy, cũng mang nội dung ru con. Bài hát nói về người mẹ cõng hai đứa con trên lưng, hai đứa cứ trêu nhau. Người mẹ nhắc, sao hai đứa cứ đùa nhau thế, ngủ đi, mẹ còn đi làm… Vậy là giữa những đoạn tôi hát, có một giọng nữ đưa vào nghe rất tình cảm. Hoặc với bài chèo “Lới lơ” và ca khúc “Tiếng Việt” của nhạc sĩ Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ, nghệ sĩ Manito đã đưa guitare, “luồn lách” vào… Với mỗi bài, chúng tôi đều để thời gian nghe đi nghe lại, trao đổi rất cẩn thận.

Có nhà phê bình âm nhạc gọi đây là một sự gặp nhau thú vị giữa Đông và Tây. Tất nhiên là có cả những comment trái chiều…

PV: Với anh, sự “lạ hóa” những cái đã quen thuộc này hấp dẫn ở điều gì?

Ngô Hồng Quang: Tiếp cận âm nhạc cổ truyền Việt Nam theo đúng lối truyền thống thì không phải ai cũng dễ cảm nhận. Nhiều khi người nghe cần phải hiểu đã rồi mới cảm thấy hay. Còn việc kết hợp bài bản, giai điệu, nhạc cụ truyền thống với hòa âm phối khí hiện đại, tôi thấy tạo ra một sự mới mẻ, hiện đại hơn, khiến người ta dễ tiếp cận và đón nhận hơn. Tất nhiên, đó chỉ là một phương pháp.

Bản thân tôi cũng không muốn thể hiện lại các tác phẩm cổ truyền hoặc sáng tác mới như một sự rập khuôn, mà muốn sáng tạo. Ngay trong CD “Song hành”, khi chơi nhạc cụ truyền thống, tôi cũng hướng tới sự uyển chuyển trong việc chọn và thể hiện giai điệu sao cho phù hợp với hòa âm. Ví dụ như với đàn bầu, tôi chơi lạ hơn, “uốn éo” hơn. Có những quãng, những nốt không phải theo lối dân tộc và cách chọn quãng cũng lạ hơn, có những lúc tôi “nhảy” luôn từ thấp lên cao…

Ngô Hồng Quang với Lê Cát Trọng Lý và Đức Minh đàn môi

PV: Hướng đi này của anh có ảnh hưởng từ việc theo học sáng tác?

Ngô Hồng Quang: Đúng vậy! Sau thời gian dài biểu diễn, tôi muốn tạo ra những sản phẩm mới. Việc đi diễn và học ngành sáng tác hỗ trợ cho nghề nghiệp của tôi rất nhiều. Thời gian qua, tôi vẫn kết hợp về nước tham gia một số dự án như Luala hay Ohlala… tới đây còn có 10 ngày biểu diễn trong chương trình “Làng tôi” ở TP HCM. Với những chương trình này, chúng tôi kết hợp các nhạc cụ dân tộc Việt Nam với nhau hoặc với nhạc cụ nước ngoài trong không gian âm nhạc hiện đại rất hứng thú! Tôi cũng đang ấp ủ ý tưởng đầu 2014 sẽ về lập một ê-kíp, kết hợp các nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số với một số nhạc cụ của người Kinh để tạo ra một không gian âm nhạc. Tôi sẽ đi vào “Âm nhạc không gian”, là một xu hướng của âm nhạc thế giới hiện nay. Ở đó cần những người hòa âm, tổ chức âm thanh giỏi để phối hợp các loại nhạc cụ khác nhau.

 PV: Tham vọng này chắc cũng sẽ khiến cho anh phải căng ra tìm hiểu rất nhiều loại nhạc cụ và những đặc tính của chúng cũng như những đặc trưng âm nhạc, văn hóa vùng miền khác nhau?

Ngô Hồng Quang: Tôi đang thực hiện công việc này. Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều tranh thủ kết hợp học tiếp và học thêm bộ môn âm nhạc và nhạc cụ. Ví dụ như hiện nay tôi đang học về xẩm với NSND Xuân Hoạch ở Hà Nội. Trên Bắc Ninh, qua giới thiệu của nhạc sĩ Quang Long, tôi đang học hỏi NSƯT Bích Hồng về hát then, đàn tính. Bây giờ thì cùng với đàn nhị, đàn bầu, tôi đã có thể chơi được đàn môi, đàn tính, đàn K’ni của Tây Nguyên và hát được nhiều bài bản nhạc cổ truyền khác nhau…

PV: Xem chừng anh hơi “tham” đấy, liệu có dẫn đến sự lẫn lộn hoặc sợ rằng sẽ không cái nào ra cái nào không?

Ngô Hồng Quang: Tôi cũng đã có lúc lo ngại như thế và từng muốn chỉ tập trung vào một cái cho thật giỏi. Nhưng cứ học hỏi, dần dần tôi cảm thấy mình có thể chơi được nhiều thứ nhạc cụ, nhất là khi hứng thú muốn tìm hiểu, khám phá chúng. Nhiều đồng nghiệp cũng nhận xét là tôi học và tự học khá nhanh. Một phần nhờ tôi vẫn biểu diễn thường xuyên và có được tư duy sáng tác. Một phần nữa, có thể do càng thêm tuổi, tôi càng già dặn hơn chăng!

Cho nên bây giờ, có khả năng tiếp cận được cái gì thì tôi vẫn cứ học, để ứng dụng với phong cách riêng của mình. Điều này rất lạ nhưng đầy thú vị! Đó là cơ sở cho tôi để sau này xây dựng những cuộc phối hợp lớn trong âm nhạc. Tôi tin vào các nhạc cụ dân tộc mình, nhiều cái nhỏ bé nhưng có thể có sức truyền tải lớn.

PV: Cảm ơn Ngô Hồng Quang, chúc anh thành công!

Xuyên Sơn (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.