Nét duyên Sài Gòn

09:58 | 06/03/2015

1,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sài Gòn hoa lệ, là “Hòn ngọc Viễn Đông” giờ đây đã có thêm nét duyên mới nằm ở những công trình hiện đại xen lẫn các công trình di sản.

Năng lượng Mới số 401

1. Trong năm 2014, người dân Sài Gòn đã chứng kiến một sự thay đổi lớn về diện mạo của thành phố từ dự án công trình tàu điện ngầm, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Nhiều hình ảnh quen thuộc, gắn liền với người dân Sài Gòn nhiều thế hệ; là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến bao thăng trầm đổi thay, bao mùa mưa nắng của Sài Gòn, như Thương xá Tax, Công viên Lam Sơn, bùng binh cây liễu, hàng cây cổ thụ “trứ danh”… giờ chỉ còn lại trong ký ức!

Những biểu tượng của Sài Gòn này mãi mãi biến mất hoặc được di dời đi nơi khác để nhường chỗ cho việc quy hoạch xây dựng nhà ga Nhà hát thành phố ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và tòa nhà phức hợp 40 tầng tại vị trí Thương xá Tax.

 

Bùng binh Cây liễu ngày trước

Người dân “Đô thành” không khỏi chạnh lòng tiếc nuối khi những hình ảnh quen thuộc đó giờ chỉ còn có thể nhìn thấy trong những bức ảnh đẹp; đó cũng là điều dễ hiểu bởi tất cả đã gắn với biết bao kỷ niệm, tình cảm của con người nơi đây. Song, cuộc sống có những quy luật riêng của nó, đôi khi người ta phải chấp nhận mất cái cũ để đón những cái mới. Cũng như, không có bất kỳ giá trị nào là bền vững trước dòng chảy của thời gian mà nó phải thay đổi theo mối quan hệ của con người và điều kiện sống cụ thể. Việc dung hòa giữa ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống với mong muốn hiện đại đôi khi trở thành phi thực tế. 

Tuy nhiên không phải vì thế mà Sài Gòn không còn là một “Paris của phương Đông” bởi vẫn còn đó nhiều công trình kiến trúc cổ đóng vai trò là minh chứng vật thể cho lịch sử Đông Tây giao duyên ở thành phố này. Nét duyên của Sài Gòn vẫn đậm đà qua những công trình đó, như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Bưu điện TP HCM, Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Hạnh Thông Tây…

Và còn rất nhiều những tòa nhà có kiến trúc cổ nằm đan xen trên những con phố hiện đại hay một mình ngự trị ở một góc nào đó trong những con hẻm dài hun hút... Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hài hòa của thành phố, vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Tòa nhà trụ sở Tòa án nhân dân TP

2. Bất kỳ ai đến Sài Gòn cũng có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh những tòa nhà cổ nổi bật nhất tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Đầu tiên là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97A Phó Đức Chính, quận 1), bảo tàng thu hút mọi người bởi lối kiến trúc xưa nằm ngay trung tâm thành phố, cách chợ Bến Thành chừng trăm mét.

Đây được đánh giá là một trong những công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp đẹp nhất ở Sài Gòn hiện tại, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Đến tháng 9-1987, UBND TP HCM mới ra quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật.

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM

Ai một lần đến bảo tàng này cũng đều bị lôi cuốn bởi nét quyến rũ đặc trưng kiến trúc cổ của tòa nhà, nó đẹp đến từng chi tiết nhỏ. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc phương Đông với cách trang trí bên ngoài là mái ngói, cột ốp gốm, các tượng trên mái nhà; bên trong là những dãy hành lang màu xám, đặc trưng nhất chính là những cánh cửa kính có những hoa văn với màu sắc bắt mắt mỗi khi ánh nắng rọi vào… Tất cả tạo nên một công trình tuyệt mỹ càng làm người đến tham quan thêm cảm xúc với những ký ức về mỹ thuật được lưu giữ tại bảo tàng này.

Ngoài tòa nhà của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM thì nhà thờ Đức Bà hay nhà thờ Hạnh Thông Tây cũng là những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ thứ XX. Nhà thờ Đức Bà được thiết kế và xây dựng năm 1877 bởi một kiến trúc sư người Pháp với phong cách kiến trúc Roman cải biên, pha lẫn Gothic. Nhà thờ Đức Bà là một công trình đặc biệt, nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận.

Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Hạnh Thông Tây (53/7 Quang Trung, quận Gò Vấp) được xây dựng năm 1921 bởi hai nhà thầu Pháp theo kiến trúc mô phỏng Vương cung Thánh đường Saint Vitale ở Ravenna (Ý). Điểm riêng biệt của kiến trúc Byzantine được hiện qua tháp tròn, có mái vòm đúc hình bán cầu duy nhất phía cuối gần cung thánh, bên trên mái vòm là tháp nhỏ hình chóp nhọn. Tường ngoài nhà thờ là những mảng trơn được đắp gờ, chỉ trang trí kết hợp hoa văn, phù điêu đơn giản bằng thạch cao.

Khác với vẻ đơn giản bề ngoài, nội thất nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ, tỉ mỉ. Nổi bật là mái vòm cung tròn dọc theo chiều dài nhà thờ được ghép từ những phù điêu hoa văn hình vuông. Dọc hai bên là hàng cột với họa tiết tinh xảo trên phần đầu. Giữa các cột cũng sử dụng hình thức kết cấu dạng vòm, treo những chiếc quạt trần từ thời Pháp. Xen kẽ giữa những ô cửa sổ kính màu sặc sỡ là những bức phù điêu thếp vàng óng ánh.

Bưu điện TP HCM (2 Công xã Paris, quận 1) cũng là một trong những công trình cổ tiêu biểu nhất của Sài Gòn, từng nằm trong danh sách hồ sơ xin duyệt di sản cấp quốc gia. Tòa nhà này được xây dựng năm 1886 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp, với sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống châu Âu và châu Á. Hệ thống cửa sổ của khối nhà hai bên đều có hình vòm cung (tầng 2) hoặc hơi vòm (tầng trệt), còn ở khối nhà giữa lại có hình chữ nhật. Ở phần mặt tiền, có 20 trụ, cột, đều có kết cấu hình khối vuông vắn, trên đầu trụ có gắn những mảng phù điêu với hoa văn đắp nổi rất công phu.

Bên trong Bưu điện TP

Riêng ở phần trụ khoảng giữa tầng hai và tầng trệt, các mảng phù điêu lại ôm trọn phiến đá hình chữ nhật, trên mỗi phiến đá ghi tên một nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn cho nền văn minh nhân loại trong lĩnh vực điện và điện tín. Hằng năm có bao lượt khách du lịch đến tham quan tòa nhà này, nó trở thành một địa điểm du lịch, một minh chứng lịch sử chứng minh sự đổi thay của Sài Gòn qua bao mùa mưa nắng.

Ngoài ra, Sài Gòn cũng còn hàng loạt các công trình kiến trúc cổ khác như khu vực Chợ Lớn, chợ Bến Thành, tòa nhà của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tòa nhà Tòa án nhân dân TP HCM, chùa Phụng Sơn, chùa Bà Thiên Hậu… tất cả tạo nên một nét duyên đặc trưng cho Sài Gòn.

3. Trong năm nay, ngoài một số công trình quen thuộc của Sài Gòn biến mất nhường chỗ cho công trình nhà ga tàu điện ngầm thì những ngày cuối năm, người ta cũng bàn luận sôi nổi về việc Bưu điện TP HCM được khoác lên mình một chiếc áo mới, đó là màu sơn vàng chói, lòe loẹt. Màu vàng đất pha (vàng nhạt) quen thuộc với người Sài Gòn ngày trước đã không còn nữa. Đại diện bưu điện cho biết, họ không chế ra màu sơn mới mà chỉ khôi phục màu sơn cũ; sau thời gian thì màu vàng chói hiện tại sẽ trở về màu vàng nhạt như màu mà nhiều người đã quen mắt.

"Áo mới" của Bưu điện TP

Tuy nhiên, lý lẽ này đã vấp phải sự phản ứng của giới kiến trúc, mỹ thuật. Họ cho rằng đó chỉ là ngụy biện bởi màu vàng chói mà bưu điện đang khoác lên không thể nào phai mờ. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM còn bức xúc cho rằng, màu sơn đó không ăn nhập với kiến trúc của Bưu điện TP HCM, càng không giống như cách người ta hình dung về một tòa nhà cổ thời Pháp thuộc như tự thân nó đang có!

Những câu chuyện về sự đổi thay diện mạo của Sài Gòn trên đặt ra vấn đề về gìn giữ và bảo tồn đối với những công trình kiến trúc tiêu biểu. Thách thức đầu tiên được giới nghiên cứu đưa ra, đó là việc nhận dạng và xây dựng sự đồng thuận về những di tích cần bảo tồn. Quan trọng nhất là phải giữ được cái hồn của tòa nhà chứ không biến công trình bảo tồn thành bảo tàng đơn điệu.

Đầu tiên là đề xuất chuyển đổi mục đích của tòa nhà thành nơi ở để thổi vò đó sức sống mới trong khi vẫn giữ nguyên thể thức và kiến trúc gốc. Đó là giải pháp đã được áp dụng thành công vào mô hình của nhà hàng Lý Clup SaiGon (143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) hay MonPere café (5H Tôn Đức Thắng, quận 1), giúp những công trình kiến trúc cổ kiểu biệt thự thuộc địa Pháp sang trang mới. Hay cách cải tạo, phát triển theo hướng tích hợp các công trình lịch sử như một phần sáng kiến biến trung tâm thuộc địa cũ thành một trung tâm bán lẻ, khu văn hóa và lịch sử lớn.

Có người Sài Gòn đã nói rằng, thành phố sẽ không còn là Sài Gòn, nếu những công trình kiến trúc cổ dần dần mất đi hoặc khoác lên mình chiếc áo mới lạ mang màu sắc của hiện đại. Vì thế, việc gìn giữ, bảo tồn nét duyên của Sài Gòn trước dòng chảy hiện đại, đổi thay là một thách lớn đối với những nhà quy hoạch kiến trúc đô thị của thành phố.

Vân Trúc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.