Giới thiệu tác phẩm của tác giả nhí Nguyễn Bình:

Một gợi ý về ứng xử với trẻ con

10:07 | 26/08/2012

1,500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại Hội Nhà văn Việt Nam vừa diễn ra buổi giới thiệu “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” của tác giả Nguyễn Bình - mới lên 10, đang học Trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - một hiện tượng văn chương thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua. Cuộc gặp gỡ và chia sẻ này cũng như một gợi ý về cách ứng xử bình đẳng với những tài năng nhỏ tuổi.

Gửi bản thảo truyện của con cho nhà thơ Phạm Sĩ Sáu - NXB Trẻ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa tế nhị: “Gia đình người ta không quen biết trong làng văn, nhờ tôi quản lý giúp”. Dự định trả lời sau 3 ngày, nhưng vốn nóng ruột trước một bản thảo mới, nhà thơ đọc ngay và trước sự cuốn hút của câu chuyện giả tưởng, sau 30 phút gọi điện lại, thông báo quyết định in bản thảo này.

Tác giả nhỏ tuổi Nguyễn Bình

Sau 8 tháng, tính cả tập thứ ba của 3 bộ tiểu thuyết ra ngày 1/6/2012 (tập 1 ngày 20/11/2011, tập 2 ngày 24/3/2012), NXB đã phát hành 10.000 cuốn. Được biết, do Nguyễn Bình còn nhỏ, chưa có chứng minh nhân dân nên bố là Nguyễn Hòa đại diện ký tác quyền. Nhưng nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trong cuộc ra mắt sách vừa qua tại Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhận định: “Vào việc, chúng tôi càng thấy chính sách đối với trẻ em có vấn đề. Các cháu không được ưu đãi. Lẽ ra với những trường hợp như thế này, Trung ương Đoàn cũng nên tặng thêm nhuận bút cho Nguyễn Bình. Ngày trước từng có quy định nhuận bút cho sách của trẻ em, tác giả được trả nhuận bút 12-15% giá bìa, nhưng nay không còn nữa. Chúng tôi buộc phải trả 10%”.

Cuộc giới thiệu tác phẩm của tác giả nhỏ tuổi trong không khí nghiêm túc, trân trọng của các nhà văn, nhà thơ “người lớn” gợi nhiều suy nghĩ về cách ứng xử với những tài năng nhỏ tuổi vừa phát lộ, rộng hơn là với con trẻ. Ở nhiều nơi, nhiều lúc trong đời sống, trẻ em vẫn thường “được” - nhưng cũng chính là “bị” dạy dỗ, hướng dẫn hãy nói, hãy viết hoặc phải làm như thế này. Điều đó giống như việc trẻ thực hiện những ý muốn của phụ huynh, của thầy cô giáo… và người lớn khác hơn là được nói, viết, làm những điều các em muốn một cách tự nhiên, thoải mái và thành thật. Ở tác giả Nguyễn Bình không có sự áp đặt này.

Khi trả lời câu hỏi của báo chí, rằng bố em là nhà phê bình văn học, trong lối viết của em có bị ảnh hưởng gì không? Nguyễn Bình trả lời: “Thưa anh, em chỉ thừa hưởng từ bố em niềm đam mê đọc sách và giữ gìn sách cẩn thận thôi ạ!”. Nhà phê bình Nguyễn Hòa có mặt với tư cách phụ huynh, đại diện gia đình. Ông chia sẻ: “Tôi không nói thay con, chưa bao giờ tôi làm thay cháu. Khi nó viết sách, tôi ngạc nhiên. Nhưng ban đầu cũng nghĩ là nó chơi thôi. Tôi có đưa cho một số bạn bè xem bản thảo tập 1 “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”. Cháu hoàn thành tập này, tôi bỗng nhận thấy đó là lao động nghiêm túc”.

Giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Bình

Tập 3 bộ tiểu thuyết của Nguyễn Bình đã được in, em cho biết, tập 1 em bắt đầu viết từ đầu năm 2011, đến nay đã hoàn thành tập 4 và 5, hiện em đang bắt tay vào tập 6, 7, cũng chưa biết khi nào viết tập 8. Lý do để viết truyện, với Nguyễn Bình, cũng rất giản dị, nó bắt nguồn từ sở thích thông thường. Những gì em tham khảo đưa vào tập truyện, đã được em tra cứu trong tủ sách cũng như vào mạng, tìm hiểu các bảo tàng trên thế giới như bảo tàng Anh, bảo tàng Louvre, bảo tàng nghệ thuật Boston, bảo tàng nghệ thuật đô thị NewYork… Ngoài viết truyện, Nguyễn Bình học hành, vui chơi bình thường như những đứa trẻ khác. Cô giáo Phạm Thị Ngọc Bích, phụ trách môn Văn ở Trường THCS quận Cầu Giấy mà Bình đang học nhận xét: “Cháu còn nhỏ nhưng suy nghĩ sâu sắc”. Và từ trường hợp Bình nhìn rộng ra, cô giáo Bích cũng đề nghị, mong các nhà văn, nhà thơ chạm đến vấn đề của trẻ em nhiều hơn, hiểu các cháu nói gì và tôn trọng các cháu hơn.

Tác phẩm "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" tập 1,2,3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Lâu rồi chúng ta mới có một buổi giới thiệu sách như vậy. Sự xuất hiện đặc biệt của Nguyễn Bình khiến những người làm văn chương và cả nhiều người khác trong xã hội đặt câu hỏi, sự xuất hiện có thể mang lại điều gì đó chăng? - trong khi nhiều đứa trẻ có thể quên đi truyện cổ tích và những thế giới của trí tưởng tượng, điều mà lẽ ra chúng ta phải tạo dựng cho các em. Vậy, những người lớn nên suy nghĩ về điều này”. Nhà thơ cũng cho biết từ thông tin của nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giám đốc NXB Hội Nhà văn rằng, NXB đã nhận được một bản thảo của một tác giả nhỏ tuổi, cũng đầy hứa hẹn. “Chúng ta thấy đang có sự trở lại kỷ nguyên của sự mê đắm. Và chúng ta phải tạo nên kỷ nguyên đó bằng cách nâng đỡ những đứa trẻ” - ông Thiều nói.

Như nhiều đánh giá của cử tọa, có thể Nguyễn Bình sẽ tiếp tục sáng tác và vươn đến những điều mà thế hệ đi trước em kỳ vọng, những điều thậm chí đã không xuất hiện trong thế hệ trước. Cũng có thể Nguyễn Bình sẽ đi theo một con đường khác tùy vào hứng thú và mối quan tâm của em. Điều đó cũng chẳng sao! Quan trọng nhất là em, cũng như nhiều đứa trẻ tài năng khác, được nhìn nhận trong sự công bằng, bình đẳng, cởi mở và chờ đợi. Và qua trường hợp độc đáo của Nguyễn Bình cùng những cuốn sách của em, có lẽ nhiều người lớn cũng nhận thêm một kinh nghiệm để sống với các em tốt hơn, xứng đáng hơn bằng cách hiểu và tôn trọng các em.

* Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Năm 2011, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng bằng khen cho tập 1 bộ sách của cháu. Cháu ra tiếp tập 2, tập 3, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức giới thiệu sách và tọa đàm. Không cần nói nhiều, hai sự kiện đó là thái độ của chúng tôi. “Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”, chúng ta không dùng nhiều tính từ đối với một mầm non. Điều đó là quá sớm! Tôi muốn để cháu phát triển tiềm năng một cách tự nhiên. Cháu còn nhiều chặng đường khác nếu muốn trở thành nhà văn”.

* Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Chúng ta đã có nhiều em bé làm thơ, rất đa dạng. Nhưng với văn xuôi thì hiếm. Chưa có hiện tượng đặc biệt như Nguyễn Bình. Truyện của em là tiểu thuyết giả tưởng, viết về chuyện xảy ra ở Mỹ với một hơi hướng khác, ngắn gọn, đanh, là lối văn của điện tín, không miêu tả dông dài, tốc độ truyện nhanh. Tôi thấy Nguyễn Bình là một nhà văn nghiêm túc và tôi mừng khi gọi cháu là nhà văn”.


Xuyên Sơn

(Năng lượng Mới số 148, ra thứ Ba ngày 21/8/2012)