Hết trò câu người xem

21:15 | 24/03/2015

692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể tới đây, “ông lớn” trong ngành sản xuất các gameshow truyền hình là Cát Tiên Sa sẽ phải “chia sẻ” bớt khung giờ đẹp cho công ty khác, khi mà mới đây, với lệnh tạm dừng cấp phép được Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành. Cú “đòn” đó có đủ làm Cát Tiên Sa và các đơn vị sản xuất chương trình tung chiêu trò, scandal hòng câu rating thức tỉnh?

Năng lượng Mới số 407

Cú đòn nắn gân

Khi “Vietnam Idol” (VTV liên kết với BHD sản xuất) đang quay vòng Audition và chuẩn bị lên sóng VTV3, chương trình “The Voice 2015” (VTV liên kết với Cát Tiên Sa) cũng đang râm ran về chuyện ai là giám khảo chính thức, công văn của Bộ Thông tin & Truyền thông gửi Đài Truyền hình Việt Nam về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình liên kết do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký đã nêu rõ, trong quá trình hoạt động Đài Truyền hình Việt Nam đã để xảy ra một số sai phạm về nội dung thông tin, trong đó có những chương trình do Đài liên kết với đối tác để thực hiện.

Một số chương trình truyền hình thực tế của Công ty Cát Tiên Sa từng bị nhắc nhở

Theo đó, Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh những sai phạm như: Thông tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam và những sai phạm về quảng cáo. Chưa kể, tất cả các sai phạm này đã được các cơ quan quản lý Nhà nước nhắc nhở trực tiếp bằng văn bản cũng như ở một số trường hợp phải áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng vẻ như, sự nhắc nhở không có tác dụng nhiều. Bởi tần số các scandal được tạo ra từ các chương trình truyền hình thực tế ngày càng tăng. Chưa kể, do không chú trọng nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa, một số chương trình giải trí còn mắc những lỗi sai nghiêm trọng về phong tục, trang phục của các dân tộc.

Lãnh địa béo bở

Khoảng 5 năm nay, truyền hình thực tế và gameshow ồ ạt phát triển, đến mức, nhắc đến vô tuyến, nhiều người chỉ còn nhớ được tên các gameshow hoặc các scandal, các gương mặt mới xuất hiện từ các chương trình đó. Tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam, văn hóa giải trí trước đó cũng nghèo nàn không khác gì kinh tế. Nên gameshow giải trí là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất. Nhiều công ty tư nhân trở thành các “ông lớn” sau khi kết hợp sản xuất với các Đài Truyền hình Việt Nam các chương trình này. Cát Tiên Sa, BHD, Multimedia… là những cái tên ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Mảnh đất màu mỡ đó sinh lợi nhuận không hề nhỏ, nếu như không muốn nói vượt gấp nhiều lần chất lượng mà nó đem lại. Hai chỉ số kinh tế và đóng góp tinh thần này đều rất khó so sánh. Nhưng có thể hình dung qua vài con số: Chương trình “Giọng hát Việt nhí” năm 2014 có thời thời điểm lên tới 150 triệu đồng/30 giây. Đêm chung kết “Giọng hát Việt nhí 2013” còn bán quảng cáo với giá 280 triệu/30 giây. Khủng hơn, chung kết “Gương mặt thân quen 2014” có mức giá 320 triệu/30 giây quảng cáo. Trong khi đó, mỗi chương trình, thời giản quảng cáo chiếm 1/8-1/6 chương trình (tùy chương trình kéo dài 1 hay 2 tiếng đồng hồ). Đấy là lý do không ít lần, nhiều người lên tiếng cảnh báo về sự lũng đoạn của truyền hình thực tế.

Nhưng vì chạy theo món hời không nhỏ đó, các gameshow ngoài việc truyền thông lành mạnh còn sử dụng thêm các chiêu trò để thu hút sự quan tâm của dư luận. Mấy năm gần đây, khi chuyện lấy nước mắt khán giả bằng những hoàn cảnh thương tâm đã trở nên quen thuộc thì các nhân vật chuyển giới, đồng tính được khai thác tối đa trên sóng các chương trình này.

Kiếm tiền vô trách nhiệm

Tại các nước phát triển, truyền hình thực tế chỉ là một chương trình bình thường trong chuỗi các chương trình khác. Còn ở Việt Nam, truyền hình thực tế, đặc biệt các gameshow giải trí có sức sống như sự phản ánh của đời sống văn hóa giải trí, thường thức của đại bộ phận khán giả Việt.

Trong khi đó, nếu các đơn vị sản xuất vô trách nhiệm, họ chỉ quan tâm tăng người xem để kiếm được tiền, thì rất nhiều nguy cơ, những chương trình họ sản xuất ra sẽ đầu độc khán giả. Bởi nhiều chương trình, nhiều tiết mục không có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng đã để xảy ra những sai sót nghiêm trọng về văn hóa. Trong khi đó, ngoài việc “đầu độc” dần dần khán giả truyền hình, các gameshow này còn truyền thông đi một hình ảnh Việt Nam rất nhiều khuyết thiếu.

Trong khi đó, sai sót về văn hóa trên một đài truyền hình quốc gia là lỗi tuyệt đối không thể được xem nhẹ. Những sai sót như lấy khăn Piêu, một biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái đóng khố trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” là sự nghiêm trọng nhân danh sáng tạo một cách lố bịch.

Chưa kể, gần đây chương trình “Chuyện đêm muộn”, ngoài việc khai thác các câu chuyện đời tư, riêng tư như chuyện ngoại tình, chuyện phòng the của các ngôi sao nổi tiếng, còn khai thác những khía cạnh thiếu tích cực của những câu chuyện tâm linh, cổ vũ thói mê tín dị đoan.

Đặc biệt, chương trình vì thiếu kiểm soát chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng nhiều thí sinh lợi dụng để mua vui, hoặc tạo scandal nổi tiếng. Đơn cử như chuyện thí sinh trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” uống axit vừa rồi, nếu không mạnh tay loại trừ và kiểm soát, rất có thể, nhiều thí sinh sẽ biến đài truyền hình quốc gia thành nơi diễn hài của chính mình. Chưa kể, chương trình này, còn chưa được cấp phép.

Qua hành động rà soát của đơn vị quản lý Nhà nước vừa qua, chúng ta thấy rằng, những nhiễu nhương các gameshow, talkshow gây ra đã có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội. Nhà đài không thể vô can trong việc này.

Quản lý văn hóa là phải toàn diện, trên mọi mặt, mọi khía cạnh đời sống, chắc chắn không thể lơ là. Chỉ cần lơ là, các cá nhân sẽ ngay lập tức trục lợi bằng nhiều cách. Trục lợi đã là hành động đáng lên án, nhưng trục lợi trên lĩnh vực văn hóa là không thể chấp nhận. Ở thời đại nào, xã hội nào cũng vậy, nếu văn hóa xuống cấp, xã hội cũng theo đó đi xuống. Chúng ta có thể học theo phương Tây, du nhập bằng việc mua bản quyền các chương trình về sản xuất gameshow, nhưng chúng ta nhất định không được để những thứ chúng ta mua về biến thành rác. Đối diện với tiền bạc, với lợi nhuận, vì thế phải tỉnh táo và có phương châm rõ ràng. Một “ông lớn” nào đó nếu không có đủ trái tim và nhân cách, không thể được cổ xúy, buộc phải loại trừ, dù “ông lớn” ấy có mang đến cho bạn bao nhiêu tiền. Vì một điều chắc chắn, khi bạn lấy được một đồng từ người khác, chắc chắn họ kiếm được ít nhất gấp đôi bạn.

Quyết định của cơ quan quản lý vừa qua hy vọng sẽ thức tỉnh cho những ai muốn trục lợi bằng câu view hay câu rating bằng mọi giá.

Linh Chi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.