Kinh phí làm phim: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”?

11:34 | 23/09/2014

1,303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà làm phim độc lập phải chạy vạy gian nan tìm nguồn hỗ trợ kinh phí từ quỹ điện ảnh nước ngoài để sản xuất phim thì trong nước, hàng tỷ đồng tiền ngân sách đổ vào phim thảm họa!

Hiện tại, mọi người đang bàn luận sôi nổi về việc phim Nhà nước được đầu tư hàng chục tỷ nhưng khi ra rạp, không bán nổi một vé thì bên cạnh đó có một câu chuyện nghịch lý khác của phim Việt, cũng liên quan đến tiền nong đầu tư. Đó là tất cả các nhà làm phim độc lập của Việt Nam hiện nay muốn sản xuất phim đều phải chạy vạy, trông chờ vào Quỹ tài trợ điện ảnh của nước ngoài, còn quỹ điện ảnh trong nước thì… vô vọng!

Chúng ta dễ dàng liệt kê ra hàng loạt phim độc lập nổi tiếng, là những phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam đoạt các giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim quốc tế như: “Mùa len trâu” (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh), “Bi, đừng sợ!” (ĐD Phan đăng Di), “Nước” (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh), “Đập cánh giữa không trung” (ĐD Nguyễn Hoàng Điệp), “Trăng nơi đáy giếng” (ĐD Vinh Sơn), “Trái tim bé bỏng”…

Phim Mùa len trâu - một phim được sản xuất nhờ quỹ điện ảnh quốc tế

Điểm chung của các phim này là nó được sản xuất ra nhờ vào các nguồn kinh phí từ quỹ hỗ trợ điện ảnh thế giới chứ không phải nguồn tiền từ quỹ điện ảnh nào tại Việt Nam!

10 năm trước, bộ phim “Mùa len trâu” đã làm rạng danh điện ảnh Việt Nam với những chiến thắng liên tiếp trong hơn 5 LHP quốc tế uy tính. Nhưng ít ai biết được rằng, điện ảnh Việt Nam sẽ không hề có “Mùa len trâu” nếu không có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất nước ngoài như Mỹ, Canada… với kinh phí lên tới 1 triệu USD. Và, Mùa len trâu mất khoảng 3 năm thương thảo hợp đồng giữa các bên liên quan, khiến hành trình từ khi tác giả viết kịch bản đến lúc phim đóng máy là hơn 6 năm!

Năm nay, đó là phim “Nước” cũng của của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Tuy chưa trình chiếu ở Việt Nam nhưng bộ phim đã được giới điện ảnh nước ngoài chú ý khi vinh dự được chọn chiếu trong chương trình tại LHP Berlinale (Đức). “Nước” đã được giới làm phim nước ngoài khen ngợi và đánh giá cao. Đây cũng là một phim được sản xuất nhờ vào sự hỗ trợ từ quỹ của Viện phim Tribeca (Mỹ), bên cạnh một nhà đầu tư là một hãng phim tư nhân trong nước.

Cảnh trong phim "Đập cánh giữa không trung"

Những bộ phim như “Bi, đừng sợ!” hay “Đập cánh giữa không trung”… cũng là hai bộ phim mà các đạo diễn phải trải qua một hành trình dài gian nan tìm nguồn tài trợ từ quỹ điện ảnh nước ngoài để sản xuất. Dự án phim ra đời từ năm 2008, được giới thiệu lần đầu trong một lớp học sản xuất phim do Quỹ Ford lúc đó tài trợ. Năm 2010, Nguyễn Hoàng Điệp cùng Phan Đăng Di mang dự án giới thiệu tại LHP Busan; những trang kịch bản phim tiếp tục chuyến hành trình tới LHP tại Ý vào năm 2011, sau đó là LHP Cannes… Và còn khá nhiều những chặng đường đi tìm quỹ sản xuất nữa của “Đập cánh giữa không trung”.

Cuối cùng, dự án phim đã xin được tiền tài trợ từ các quỹ điện ảnh thế giới như: World Cinema Fund (LHP Berlinale - Đức), World Cinema Support (Pháp), Sorfond Fund (Na Uy) - Quỹ điện ảnh lớn nhất Bắc Âu, Francophone de production audiovisuelle du Sud (Pháp).

Tìm kiếm nguồn tiền tài trợ nước ngoài để sản xuất phim cũng chính là con đường mà các nhà làm phim độc lập Việt phải trải qua. Đó là con đường dài gian nan và không phải ai cũng may mắn tiếp cận, “lấy lòng” được các tổ chức quỹ điện ảnh này.

Thảm họa Cát nóng của Lê Hoàng "đốt" 6 tỷ tiền ngân sách 

Vậy câu hỏi đặt ra quỹ điện ảnh trong nước ta không có?!

Trong luật Điện ảnh từ năm 2007 đã quy định về việc có Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Quỹ này nhằm phát triển các tài năng, hỗ trợ kinh phí cho dòng phim tác giả, nghệ thuật, hay có xu hướng thể nghiệm mới… tức là hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập. Nhưng rất tiếc là sau khi đề án thành lập quỹ hoàn thành thì mọi thứ vẫn im lìm vì không có nguồn quỹ. Đây là điều được Cục phó Cục Điện ảnh, ông Đỗ Duy Anh tiết lộ.

Từng có ý kiến đề xuất là trích 3% trên tiền của mỗi chiếc vé xem phim ở các rạp chiếu đưa vào quỹ này nhưng không thực hiện được vì chưa có quy định nào về việc này!

Giá như, số tiền 6 tỷ từ ngân sách dành cho đạo diễn Lê Hoàng để ông “đốt” vào tác phẩm thảm họa “Cát nóng”, hay một phần tiền trong số hàng chục tỷ đồng để đầu tư sản xuất những phim không thể ra rạp hay lên sóng được chuyển vào quỹ hỗ trợ điện ảnh thì lợi ích biết mấy! Bởi nếu làm được như vậy thì cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như thực tại của các nhà làm phim Việt đã không còn nữa!

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps