Nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi và tấm giấy thông hành

08:05 | 23/03/2015

3,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với “Người ngủ thuê”, nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi (sinh năm 1991) bước đầu khẳng định tên tuổi trên văn đàn nhưng Phi cho rằng giải nhất cuộc thi “Văn học tuổi 20” là một điều kiện, một tấm giấy thông hành vào nghề chứ chưa phải là thành tựu to tát để thoả mãn.

Nhật Phi đến với cuộc thi "Văn học tuổi 20" một cách tình cờ hay có người dẫn dắt?

 Tôi được nhắc nhớ về “Văn học tuổi 20” qua một người bạn khi đó cũng có ý định gửi bản thảo dự thi, và khi bắt tay vào viết “Người ngủ thuê” thì tôi đã có ý thức sẽ viết để gửi tới Văn học tuổi 20. Có lẽ đó cũng là một cái duyên.

Khi thực hiện tiểu thuyết Người ngủ thuê Phi hướng đến đối tượng độc giả nào

Khi bắt đầu viết thì tôi chỉ nghĩ tới đề tài mà cuộc thi đã đặt ra. Người ngủ thuê có lẽ là một truyện có thể đọc được với tất cả mọi người, từ tuổi 20 trở lên. Có điều, tác giả thì vẫn là một người mới bước qua tuổi 22 tại thời điểm viết, nên những điều tôi muốn truyền tải trong câu chuyện phần nhiều vẫn là dành cho những người trẻ, ngang hoặc ít tuổi hơn tôi  lúc này.

Nhà văn Đỗ Nhật Phi

- Nhà văn Nguyễn Đông Thức từng nói: "Nhật Phi không chỉ phản ánh được cuộc sống của giới trẻ mà đó còn là phản ánh toàn bộ xã hội hiện nay trong những ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống và cả sự hoang mang của một thời đại". Sinh năm 1991, vốn sống, trải nghiệm có lẽ vẫn là bài toán khó cho Phi khi thực hiện tác phẩm này?

Quả là tôi vẫn còn rất trẻ để có nhiều những trải nghiệm hay vốn sống để viết một tác phẩm có sức phản ảnh lớn. Chỉ đơn giản là vận dụng trí tưởng tượng cộng với những điều đã từng quan sát được để viết thôi. Cái khó kì thực lại nằm ở chỗ khác. Và điều không thể chối cãi là chúng ta đang sống trong một thời đại ngổn ngang, bộn bề, lòng người đầy hoang mang, hẳn là kể chuyện gì ra thì cũng thấy được điều đó vậy, nhất là qua mắt nhìn của một người trẻ như tôi.

Hiện nay Nhật Phi đang làm gì và có tiếp tục theo đuổi nghiệp văn chương?

Có tiếp tục theo đuổi văn chương hay không đối với tôi từ lâu đã không còn là một điều phải hỏi. Đối với tôi, văn chương không phải là một thú vui mà là điều bản thân đã theo đuổi một cách tự nhiên trong nhiều năm, và giải Văn học tuổi 20 có được cũng là một điều kiện, một giấy thông hành vào trong nghề thôi chứ chưa phải là thành tựu to tát để thoả mãn. Hiện tại tôi vẫn đang tìm một con đường để sống được và vẫn sáng tác được thôi ạ.

- Nhật Phi có thường đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ cùng lứa tuổi, những  vấn đề các bạn trẻ 9X quan tâm có điểm gì tương đồng với bạn?

Thú thực là tôi không đọc nhiều tác phẩm của các tác giả 9X, nhưng cũng có theo dõi ở một mức độ nào đó. Phần lớn các tác phẩm của tác giả 9X được xuất bản hiện tại còn đang chịu nhiều ảnh hưởng của truyện ngôn tình Trung Quốc hoặc dạng tản văn ngắn đang khá thịnh hành. Ở khía cạnh khác, các sáng tác của các tác giả trẻ “cụ non” hơn cũng ẩn chứa nhiều tâm tư của một thế hệ nhiều hoang mang, mong muốn tìm kiếm bản ngã. Tiếng nói cộng đồng đã dần được thay thế bằng tâm sự cá nhân, và điều này, theo tôi nghĩ là đã tiến gần hơn tới dòng chảy của văn chương thế giới.

Cảm ơn Nhật Phi!

Thiên Thanh (thực hiện)