Năng lượng nào cho mỹ thuật trong phim Việt?

07:07 | 02/05/2013

2,379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh phụ thuộc rất nhiều vào khâu thiết kế mỹ thuật. Phải chăng do thực trạng hời hợt, khiên cưỡng trong việc dàn dựng bối cảnh, thiết kế đạo cụ, phục trang bên cạnh công nghệ làm phim lạc hậu và sự hạn chế của kinh phí đầu tư đã khiến các phim Việt Nam thời gian qua mất đi sự đón nhận của công chúng?

Xung quanh vấn đề này, Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với họa sĩ Vi Ngọc Mai, họa sĩ thiết kế của Công ty Cổ phần Phim truyện I, người từng được mời thiết kế mỹ thuật chính cho những bộ phim lớn như “Nguyễn Ái Quốc ở Hồngkông”, “Đông Dương”, “Vào Nam ra Bắc”, “Sống trong sợ hãi”...

Chuẩn mực... “nghiệp dư”

PV: Người ta thường nói, ngoài nội dung tốt, kịch bản hay, ba trụ cột tạo nên chất lượng và giá trị của một bộ phim là đạo diễn, họa sĩ thiết kế mỹ thuật và quay phim. Khơi dậy những rung động thẩm mỹ, tạo ra ấn tượng, sức lôi cuốn từ các khuôn hình chính là nhiệm vụ của anh?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Đúng vậy, ba nhân tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, họ góp ý, bổ sung cho nhau để tạo nên tính thống nhất về thẩm mỹ và hiệu quả của một bộ phim. Họa sĩ thiết kế chúng tôi là người phụ trách sắp xếp bối cảnh, không gian, thời gian sao cho phù hợp với nội dung phim và môi trường sống cho các nhân vật trong phim, khắc họa hình tượng nhân vật, hóa trang, phục trang, đạo cụ diễn xuất và kỹ xảo... Họa sĩ thiết kế mỹ thuật có nhiệm vụ làm cho bộ phim trở nên hấp dẫn, thuyết phục và khơi gợi cảm xúc từ phía khán giả. Trên nền tảng tác phẩm văn học hay, các nhà biên kịch biên tập chuyển thể sang kịch bản có chất điện ảnh. Chất lượng của một sản phẩm điện ảnh sẽ được nâng lên nhiều nếu khâu tạo hình thiết kế mỹ thuật được quan tâm đúng mức trong quy trình làm phim.

Vì vậy, cũng giống như các nhà báo, họa sĩ thiết kế phim phải liên tục cập nhật tư liệu, đi thực tế nhiều mới tích lũy được kinh nghiệm, mới đủ kiến thức để chọn dựng bối cảnh, thuyết phục đạo diễn và ê-kíp làm phim.

Họa sĩ Vi Ngọc Mai trong một chuyến đi chọn bối cảnh

PV: Những công đoạn chính một họa sĩ thiết kế phải thực hiện và theo anh điều quan trọng nhất của vai trò này là gì?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Khi có kịch bản trong tay, họa sĩ thiết kế sẽ cùng đạo diễn bàn bạc cách thể hiện các ý tưởng, cùng trao đổi, xây dựng nét chính nhất của nhân vật, gắn họ với số phận và thực tế cuộc sống... Công đoạn thiết kế bối cảnh cho một bộ phim là tốn thời gian và vất vả nhất, đặc biệt là sau khi đã đi chọn cảnh, vẽ xong phác thảo phim và các bản vẽ chế tác kỹ thuật. Nếu không có bối cảnh tốt, nhiều khi phải quay đi quay lại rất tốn kém.

Nhiệm vụ của họa sĩ thiết kế là tạo ra diện mạo không gian, thời gian của phim, tạo điều kiện cho các hoạt động của nhân vật, thiết kế tạo nên các kỹ xảo giúp nhân vật thực hiện được hành động phức tạp, hỗ trợ, bảo đảm cho việc quay phim có được mọi góc độ, khuôn hình như ý muốn, dự báo các tình huống có thể xảy ra và có phương án khắc phục hoặc dự phòng để thay thế ngay khi thành phần sáng tác thấy không đạt chất lượng nghệ thuật.

Điều quan trọng nhất là thông qua việc thiết kế mỹ thuật, họa sĩ phải có trách nhiệm lương tâm, nghề nghiệp, góp phần giáo dục thẩm mỹ, nhận thức chung về bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống.

Mỹ thuật tạo hình và điện ảnh cần có sự hòa hợp tự nhiên và đồng điệu mới khiến cho bộ phim thoát khỏi những gò bó thuộc về thời gian, không gian, tạo ra hình tượng thị giác nhuần nhuyễn nơi khán giả.

PV: Anh đánh giá như thế nào về những chuẩn mực thiết kế mỹ thuật hiện nay trong việc làm phim ở nước ta?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Tôi cho rằng, công việc tạo hình thiết kế mỹ thuật trong ngành điện ảnh của chúng ta hiện nay còn chắp vá và hời hợt, chưa thực sự đáp ứng được tính chuyên nghiệp cần có... Chúng ta đang rất thiếu những họa sĩ được đào tạo bài bản, có tâm, có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về tạo hình mỹ thuật điện ảnh, về vai trò người họa sĩ trong thiết kế hình ảnh, công nghệ và kỹ năng dàn dựng bối cảnh, kỹ năng thiết kế và kiểu loại bối cảnh trang trí, cách thức xử lý ánh sáng, màu sắc, đường nét khuôn hình v.v... Đặc biệt, phải xây dựng và hoàn chỉnh ngay các quần thể trường quay cho điện ảnh, chỉ có như vậy mới làm trở lại tính chuyên nghiệp cho các tác phẩm điện ảnh nay mai, nếu không, chúng ta chỉ dừng lại ở cách làm nghiệp dư mà thôi.

Mỗi nơi, mỗi hãng phim tự làm theo kiểu cách, điều kiện và khả năng của mình, không ai quản lý, không có chuẩn mực rõ ràng về mối quan hệ giữa nghệ thuật điện ảnh và nghệ thuật tạo hình, nguyên lý và công nghệ tạo hình mỹ thuật trong điện ảnh.

PV: Giai đoạn gần đây, chúng ta vẫn được tiếp cận với những bộ phim lịch sử hoành tráng của nước ngoài, điện ảnh của chúng ta lại rất ít những phim “tầm cỡ” về đề tài được cho là “nan giải” nhất với các họa sĩ thiết kế, khó khăn ở đây là gì?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Thiết kế mỹ thuật những phim về lịch sử là thực hiện sứ mệnh làm sống lại, tái hiện những khoảnh khắc, giai đoạn lịch sử qua ngôn ngữ điện ảnh, họa sĩ phải tìm tư liệu, nhân vật lịch sử, nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán của vùng miền, thời gian xảy ra sự kiện mới có thể thiết kế, bố cục chính xác cảnh quay. Ở nước ta, việc tìm kiếm những tư liệu lịch sử, mỹ thuật, văn hóa cổ được lưu trữ, bảo tồn, bảo tàng rất khó khăn, đặc biệt là những tư liệu cách nay hàng trăm năm. Chúng ta cũng không có được những trường quay đảm bảo điều kiện tối ưu cho thiết kế mỹ thuật phim, các bối cảnh đều phải đi thuê, mượn từ bên ngoài, với các dòng phim mới thì còn dễ vì có thể thuê mượn địa điểm bên ngoài. Với những phim lịch sử, cổ trang, yêu cầu trường quay khắt khe thì việc thiết lập không gian bối cảnh sẽ ngốn một khoản kinh phí rất lớn, đây là vấn đề nan giải của chúng ta.

Việc thiết kế phục trang, bối cảnh, phim trường lịch sử hiện nay hoặc phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, hoặc mang nặng tính cá nhân, phụ thuộc vào quá trình tự nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, nhận thức về văn hóa, lịch sử..., phụ thuộc vào trình độ, lương tâm, trách nhiệm của bản thân họa sĩ với nghề nghiệp và công chúng.

Trong tình trạng như hiện nay, hầu hết các nhà làm phim chỉ dám nghĩ đến những đề tài thuộc lịch sử cận đại, tôi cho rằng, chúng ta khó có thể làm những phim hoành tráng tái hiện đầy đủ và có nội dung sâu sắc về một thời kỳ của lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, cho dù đầu tư nhiều tiền.

Phim trường... thiếu “lửa”

PV: Được biết, anh đã từng thiết kế mỹ thuật chính cho những phim lớn như phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồngkông” hay “Đông Dương”, bộ phim từng đoạt giải Oscar năm 1992 cho phim ngoại ngữ hay nhất, anh cảm nhận như thế nào về cách làm phim của các hãng và đồng nghiệp nước ngoài?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Tôi có may mắn là được làm việc với những nhà làm phim, những họa sĩ đồng nghiệp của một số hãng phim nổi tiếng của nước ngoài như Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Điều cảm nhận sâu sắc nhất là sự chuyên nghiệp, tận tụy và sự nghiêm túc đối với công việc mà họ thực hiện. Tiến độ và kỷ luật phim trường luôn được duy trì ở mức độ cao nhất. Đó là thời gian tôi làm việc say sưa, tập trung toàn bộ tâm lực cho công việc, bất kể ngày đêm. Có khi vài tháng mới ghé qua nhà một lần, nhìn mặt vợ con rồi lại lên đường.

Một số cảnh trong phim “Đông Dương”, bộ phim đoạt giải Oscar năm 1992 cho phim ngoại ngữ hay nhất

Các hãng nước ngoài đầu tư cho phim rất bài bản, thích đáng. Họ có những thuận lợi lớn khi làm những phim lịch sử, bởi hệ thống lưu trữ tư liệu thư tịch cổ về văn hóa, mỹ thuật rất tốt và đầy đủ, họ cũng có những phim trường đích thực khiến cho việc thiết kế mỹ thuật bớt đi nhiều công đoạn, giảm chi phí và thời gian. Điều quan trọng khác là quy trình thực hiện và cách xử lý tình huống cũng khác ta rất xa, mọi sự cố, phát sinh trong quá trình thực hiện đều được giải quyết rốt ráo, thậm chí có những phim khi thực hiện xong chi phí đội lên gấp mấy lần dự trù ban đầu, cá biệt có trường hợp tăng gấp cả chục lần, người ta vẫn theo đuổi đến cùng. Tính mục đích rất cao và cũng bởi vậy, họ không bao giờ chấp nhận sự dễ dãi, cảnh quay không đạt, dứt khoát là quay lại, đạo cụ không chuẩn là bỏ đi làm lại, bao giờ hoàn hảo mới thôi.

Tôi còn nhớ, khi làm phim “Đông Dương”, cả đoàn làm phim từ Pháp sang cùng nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng Catherine Deneuve, nam diễn viên Vincent Perez, chỉ vì một cảnh quay chưa đầy 5 phút, vì sự cố không đạt về mỹ thuật, phải chờ đợi hàng tháng trời ở Khách sạn Metropolle, tốn kém thêm bao nhiêu, họ vẫn quyết tâm làm cho bằng xong mới thôi.

PV: Gần đây, người ta vẫn thường kêu ca rằng, những bộ phim mang tính nghệ thuật cao khi được công chiếu thì thường rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khán giả; phim thị trường, chất lượng xoàng xĩnh thì lại hút khách, theo anh, phải chăng thị hiếu một bộ phận khán giả đang bị lệch chuẩn?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Việc xã hội hóa điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường là bước đi đúng hướng và hiệu quả, sự phát triển của khu vực điện ảnh tư nhân làm cho diện mạo điện ảnh phong phú, đa dạng hơn, khiến cho thị trường điện ảnh sôi động, thu hút khán giả đến rạp. Tuy nhiên, con số doanh thu và lượng khán giả không hẳn đã nói lên chất lượng, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh.

Những phim có giá trị nghệ thuật cao, đề tài nghiêm túc, nhân văn sâu sắc, chi phí tốn kém khi mang ra rạp chiếu lại rất ít khán giả. Đó là một thách thức lớn đối với các nhà làm phim tư nhân trong nước. Do đó họ thiên về làm những phim câu khách, theo hướng thương mại hóa điện ảnh, chạy theo mục tiêu kinh tế, không quan tâm nhiều đến nội dung, diễn xuất và các giá trị thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật của “sản phẩm”.

Việc khán giả quay lưng lại với điện ảnh Việt Nam, theo tôi, chính các nhà làm phim phải nhìn lại mình khi hàng chục phim sản xuất trong mấy năm nay vẫn là những đề tài cũ, cách làm phim nghiệp dư, từ nội dung đến lời thoại, từ cách chỉ đạo đến diễn xuất của diễn viên, đôi khi không chú trọng đến tính thẩm mỹ, biểu hiện những lối sống buông thả. Các nhân vật ứng xử, giao tiếp thô thiển, mất đi tính nhân văn, nhân ái, lòng vị tha của con người.

PV: Chúng ta phê phán xu hướng thương mại hóa điện ảnh nhưng có lẽ cũng nên ủng hộ và khuyến khích những bộ phim có nội dung lành mạnh, có tính giáo dục mà lại thu hút được đông khán giả dù không đạt chuẩn mong đợi?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Trong giai đoạn hiện nay, cá nhân tôi chỉ mong các nhà làm phim tư nhân đừng quá chú trọng vào lợi nhuận mà quên rằng, điện ảnh là sản phẩm nghệ thuật chứa đựng văn chương, hội họa, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… Nó là sản phẩm trí tuệ, tài năng và sáng tạo của một tập thể, muốn thực hiện được một sản phẩm mang tính nhân văn cao, cảm hóa và thỏa mãn được người xem, cả ê-kíp phải có sự chuyên nghiệp, có tay nghề, phải lăn lộn trong thực tiễn và quan trọng hơn phải có tâm.

Hiện nay, chúng ta nhiều khi đành phải chấp nhận cho công chiếu những phim có giá trị nghệ thuật không cao, đó cũng là nỗi buồn, là sự trăn trở thường trực ở những người làm điện ảnh chân chính.

Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong do họa sĩ Vi Ngọc Mai thiết kế mỹ thuật

PV: Còn đối với phim Nhà nước thì sao, thưa anh?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Người làm phim thực sự là người phải chịu trách nhiệm ngay từ khi hình thành ý đồ kịch bản cho đến khi đưa ra rạp, đến với người xem, có khả năng và trách nhiệm quản lý từng đồng tiền bỏ ra đến khi thu về từ bán vé... do đó họ phải được đào tạo bài bản và có kiến thức văn hóa, nghệ thuật, quản lý kinh tế toàn diện mới có khả năng phân tích sâu, đánh giá và thẩm định được trọn vẹn các giá trị nội dung, hình thức và sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh.

Ở ta hiện nay, việc làm phim theo kế hoạch tuyên truyền và kinh phí của Nhà nước thì nhân tố quyết định chất lượng phim là người được giao quản lý kinh phí làm phim, nếu là người có tâm và có trình độ thì họ sẽ chọn đúng người, đúng sở trường và đúng ê-kíp để giao thực hiện, nếu không thì là sự toan tính chia sẻ lợi ích nhóm, làm phim một cách đối phó mà thôi.

PV: Ngày nay, phim sản xuất bằng công nghệ số tràn vào các rạp chiếu phim và đang thách thức phim nhựa truyền thống, với góc nhìn của một họa sĩ, anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Trong thời đại điện ảnh chịu nhiều tác động của công nghệ mới, công nghệ số, việc đầu tư trang thiết bị là rất cần thiết, song nền công nghệ hỗ trợ điện ảnh của chúng ta chưa làm được điều này, hầu hết những đòi hỏi về kỹ xảo, về sự hỗ trợ của thiết bị máy móc chuyên dụng, xử lý hậu kỳ đều phải làm ở nước ngoài mới mong đạt được chất lượng. Ví dụ, việc mua máy kỹ xảo trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay đã khó, nhưng sử dụng được một cách hiệu quả để thể hiện các ý tưởng nghệ thuật là vấn đề khó hơn nhiều, muốn làm chủ được thiết bị, cần phải đào tạo được chuyên gia.

Tôi cho rằng, việc đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ số cho sản xuất, bảo quản và lưu trữ phim, cho hệ thống trường quay và đào tạo chuyên gia công nghệ điện ảnh hiện đại... sẽ quyết định sự sống còn của ngành nghệ thuật có tính hội nhập cao như điện ảnh. Tốc độ phát triển này cũng gây một áp lực lớn đối với mọi người trong một kíp làm phim, họ buộc phải thay đổi, phải tiếp cận được kiến thức mới và biết cách tận dụng, kết hợp và thay thế hợp lý từ cơ sở vật chất kỹ thuật cũ sang công nghệ mới.

PV: Để có được một nguồn năng lượng mới cho nền công nghiệp điện ảnh nước nhà nói chung và cho các giá trị mỹ thuật trong phim ảnh nói riêng, theo anh, chúng ta cần phải làm gì?

Họa sĩ Vi Ngọc Mai: Một thời, những thế hệ nghệ sĩ đi trước chúng ta từng hết lòng tâm huyết với điện ảnh và từng thành công với những sản phẩm được đánh giá cao của công chúng cả trong và ngoài nước. Điện ảnh Việt Nam hiện đang ở trong một giai đoạn khó khăn, thậm chí có thể coi là khủng hoảng. Các yếu tố từ sáng tác đến sản xuất, kỹ thuật và công nghệ, kinh phí và năng lực quản lý... quan trọng nhất là nguồn lực con người mà cụ thể là đội ngũ làm điện ảnh chuyên nghiệp và đội ngũ diễn viên tài năng đều yếu và thiếu.

Để có một nguồn năng lượng mới, nguồn sinh khí mới cho điện ảnh Việt Nam cần một sự thay đổi đồng bộ, từ tư duy quản lý đến phương thức đầu tư, từ việc đào tạo con người cho điện ảnh đến thay đổi nhận thức, cảm thụ của khán giả... đó là một hành trình dài cần thiết để có thể xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển chuyên nghiệp, tiệm cận và hội nhập với sự phát triển của điện ảnh thế giới.

Những người làm nghệ thuật chúng tôi đang hy vọng rằng, sau khi Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt cùng với việc xây dựng quy hoạch điện ảnh phù hợp sẽ mở ra cơ chế và điều kiện thỏa đáng để kích thích không khí hào hứng sáng tạo của các nhà làm phim, phát hiện được những tài năng điện ảnh trẻ tuổi, từ đó sẽ ra đời những thước phim hay, mang đến những giá trị văn hóa nghệ thuật và thẩm mỹ cao như chúng ta mong đợi.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúng ta sẽ cùng hy vọng vào một nguồn năng lượng tươi mới cho điện ảnh nước nhà.

 Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps