Đẹp sắc không đẹp lòng

16:02 | 22/07/2014

1,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận thật sự "choáng" khi danh hiệu bị người đẹp vứt vào xe rác. Không quá khi cho rằng, danh hiệu này đã “tiêu tốn” nhan sắc các cô gái, hoặc giả, đã tố cáo rằng người đẹp không phải lúc nào cũng khiến người đối diện “đẹp lòng”.

Năng lượng Mới số 341

Thừa danh hiệu, thiếu người đẹp

Khi phong trào thi hoa hậu được các cơ quan quản lý “siết chặt” bằng việc ra quy chế, hoa hậu Việt Nam chỉ được tổ chức 2 năm một lần, các cuộc thi còn lại không được gọi là hoa hậu. Thế là, các cuộc thi người đẹp khác mang những danh xưng “khủng khiếp” hơn “hoa hậu” ra đời: “Nữ hoàng biển”, “Nữ hoàng sắc đẹp”, “Nữ hoàng trang sức”… Bên cạnh đó, các danh xưng “thường” hơn như “Hoa khôi thể thao”, rồi hoa khôi các cấp lũ lượt ra đời. Chẳng ai nhớ tên xuể các cuộc thi dành cho nhan sắc, kể cả các người đẹp bước ra từ mỗi cuộc thi có danh hiệu trên vai. Ðến mức, giờ những “người đẹp” được nhớ tên đều liên quan đến tai tiếng như: người đẹp bán dâm rồi “Hoa hậu Ðại dương” Phan Thị Thu Phương và gần đây nhất là “người đẹp vứt danh hiệu vào sọt rác”.

Đẹp sắc không đẹp lòng

Ngọc Bích

Dư luận cho rằng hầu hết những người đạt danh hiệu này thực sự không được trang bị cả về kiến thức sống, ứng xử và văn hóa. Hoặc giả, việc có được danh hiệu của các cô gái này không hề có mục đích hướng tới những điều tốt đẹp. Vậy mới có chuyện, một thí sinh đang học cao đẳng dự thi “Nữ hoàng biển” mà không biết ứng xử thế nào với câu hỏi về sự xâm lăng biển của Trung Quốc trên lãnh hải nước mình. Một thí sinh thi “Nữ hoàng nhan sắc” lại tố cáo rằng danh hiệu của cuộc thi là rác. Trước đó một hoa hậu cũng ồn ào chuyện “gái trai”. Lại có người đẹp nằm trong danh sách gái gọi.

Hoa hậu, nữ hoàng và người đẹp là những danh xưng chỉ các cô gái đẹp hơn người. Nhưng những cuộc thi các cô tham gia, đặc biệt các cô đoạt danh hiệu lại cho người ta thấy những danh hiệu này tiêu tốn nhan sắc trời sinh.

Nhiều người cho rằng, các cô gái tham gia những cuộc thi đều còn trẻ nên những bất thường trong ứng xử là điều dễ được cảm thông. Nhưng nhiều người lại cho rằng, “danh hiệu” đã tiêu tốn một phần thời gian quý giá, lẽ ra để cho các cô gái trẻ dành để trau dồi kiến thức văn hóa, xã hội và vốn sống. Vậy “danh hiệu tiêu tốn nhan sắc” hay nhan sắc làm “bẩn” danh hiệu đang là câu hỏi được đặt ra.

Các cuộc thi ô danh?

Hình như người đẹp, hoa hậu thực sự đã bão hòa. Mặc dù giờ đây tai tiếng gắn liền với những danh xưng ngày càng nhiều, nhưng những cuộc thi tạo danh hiệu “ảo”, những cuộc thi ô danh đó vẫn ngày ngày mọc lên như nấm sau mưa. Cùng đó, các công ty, đơn vị quản lý dựa vào người đẹp để kiếm tiền cũng ngày một nhiều. Có thể nhận thấy, “nhu cầu” về người đẹp có danh hiệu vẫn còn nhiều và ai càng lắm scandal, càng nổi tiếng. Ðơn cử, trường hợp Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà, sau ồn ào trả vương miện đã thừa nhận có nhiều show hơn trước, cát-sê cao hơn trước.

Đẹp sắc không đẹp lòng

Triệu Thị Hà

Với cả chuỗi cuộc sống tôn thờ giá trị “ảo”, không có gì khó hiểu khi các cô gái ngày càng khát khao danh hiệu. Có danh hiệu là một bước thành sao. Một người thường bỗng trở nên “khác thường” và có cơ hội kiếm tiền. Các cô kiếm tiền bằng công việc gì khó ai biết. Nhưng dễ thấy nhất, ngày ngày các cô lên báo, ngày ngày các cô pose những bộ hình mới gửi truyền thông và xếp mình vào hàng “những người nổi tiếng” hoặc “người của công chúng”. Hay như “người đẹp đại dương”, dù chỉ thuộc top 5 một cuộc thi nhỏ là “Nữ hoàng biển” cũng bỗng chốc xuất hiện ở nhiều nơi.

Ðó cũng là lý do, ngay cả hoa hậu ngày nay dù không được xã hội coi trọng như trước, nhưng họ vẫn thực sự đổi đời. Không ai biết công việc chính các cô gái này làm là gì, nhưng chỉ một vài năm sau, từ một người bình thường các cô đã lên xuống xe sang, người đầy đồ hiệu. Hình ảnh đó càng dễ đánh vào khát khao được trở thành người nổi tiếng, được có danh xưng của các cô gái mới lớn. Và đó chính là nguyên nhân mọc lên các “ông bầu” hoa hậu, các cuộc thi “ao làng”, mà bất chấp tiêu chí hành xử, đạo đức của thí sinh.

Ðó cũng là lý do, dù biết nhiều cuộc thi nhan sắc hổ lốn, nhảm nhí nhưng lượng thí sinh nộp hồ sơ vẫn rất đông. Cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp mới đây khi bắt đầu tổ chức đã chủ trương cho phép cả các thí sinh chuyển giới tham gia. Theo họ, Hoa hậu Hoàn vũ cũng là cuộc thi sắc đẹp cho phép người chuyển giới tranh tài vì thế cuộc thi của họ không có lý gì lại cấm những người chuyển giới. Bên cạnh đó, có tới 20% trong tổng số thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, 40% sở hữu cơ thể xăm trổ với những hình ảnh khá bạo ở chỗ hiểm. Ðiều nực cười nữa là, vì thiếu thí sinh, cuộc thi này chỉ phải trải qua vòng sơ khảo rồi đến vòng chung kết. Trong đêm chung kết, vì không có chỗ đứng, các ứng viên thậm chí cãi vã nhau ngay trên sân khấu. 

Nhà dột từ nóc

Trong khi cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” vừa gây ra những ồn ào vì có thi sinh đoạt giải “vứt danh hiệu vào thùng rác”, cơ quan quản lý truy xét và kết luận, cuộc thi không được cấp phép, nghĩa là thuộc dạng thi chui. Thậm chí, những sai phạm này buộc cơ quan quản lý là Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải cầu cứu liên ngành - Bộ Công an vào cuộc. Ngay thời điểm đó, một thí sinh đoạt giải đã tiết lộ chuẩn bị hành trang cho một cuộc thi nhan sắc quốc tế khác ở nước ngoài.

Nhưng chưa hết, thí sinh “ném danh hiệu vào thùng rác” lại tiết lộ những tin nhắn “gạ tình” của người được cho là thuộc ban tổ chức cuộc thi. Những câu chuyện hậu trường như đổi tình lấy giải, mua giải cấp “phao” thi không còn lạ ở hậu trường các cuộc thi nhan sắc.

Đẹp sắc không đẹp lòng

Miss Giàn khoan Thu Phương

Ðược biết, cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp” định tổ chức tại một khách sạn 5 sao, nhưng vì không xin đủ tài trợ, cuối cùng cuộc thi diễn ra ở phòng cưới của một khách sạn nhỏ ở Hà Nội.

Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên một cuộc thi sắc đẹp bị tố không đủ điều kiện tổ chức, phải thi chui. Nhưng cũng như nhiều cuộc thi bị tố thi chui trước đây, cơ quan quản lý vào cuộc rồi đều không đưa ra được kết luận xử lý cuối cùng, bởi không đủ luật. Ðiều đáng nói nữa là, cơ quan quản lý ở đâu trong những sự việc ồn ào, khi mà, cuộc thi diễn ra ngay giữa thủ đô, nhưng phải khi báo chí lên tiếng, họ mới vào cuộc để phạt “nguội” 50 triệu đồng. Nếu quản lý chặt chẽ hơn, nếu có hành lang pháp luật rõ ràng hơn thì những cuộc thi này “không có đất dụng võ”. Ở cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp vừa qua, nếu không có sự lên tiếng của cô thí sinh ném danh hiệu vào thùng rác, có gì chắc chắn, cơ quan quản lý sẽ biết để vào cuộc, có gì chắc chắn, đơn vị tổ chức cuộc thi bị xử lý?

Lại nhớ, nhiều lần Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng về việc sẽ xử phạt những ai thi chui các cuộc thi quốc tế. Nhưng cũng nhiều lần, cơ quan này “vào cuộc” nhưng không đủ bằng chứng để “xử phạt” họ.

Hải Châu