Cục Xuất bản có “bao che”?

19:00 | 18/08/2014

833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi thông tin cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” có nội dung được cho là nhạy cảm, dung tục, Cục Xuất bản đã thành lập hội đồng thẩm định và có kết luận cuối cùng.

>Sách thiếu nhi 18+: Lỗi người lớn, trẻ con phải chịu!

Cục Xuất bản đã xác minh cuốn sách Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú được xuất bản một cách hợp pháp. Cuốn sách nằm trong bộ Truyện cổ tích chọn lọc (4 tập) do nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Thông tin liên kết với Tổng Công ty sách Việt Nam xuất bản, in, phát hành từ năm 2006 và có giấy phép đầy đủ. Tuy nhiên, bản thân cuốn sách được in cũng khá lâu, hiện không có bán trên thị trường.

Dựa trên văn bản giải trình của NXB Văn hóa Thông tin và việc thẩm tra nội dung của Hội đồng thẩm định, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra kết luận về cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”.

Cụ thể, “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn, được NXB Văn hóa Thông tin xuất bản vào năm 2006. Cuốn sách là tập hợp các chuyện cổ tích về các loài chim và muông thú. Từ trang 14-19 có truyện thần thoại Hy Lạp “Leda và con thiên nga” (trong bộ Iliad & Odyssey của Homer) – một tác phẩm văn học đã được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Bìa cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”

Đây là trích đoạn có nội dung khá nhạy cảm, gây ra nhiều bức xúc về cách kể chuyện cũng như ngôn ngữ tác giả sử dụng trong truyện, dễ gợi ra những liên tưởng không lành mạnh, tác động tiêu cực tới tâm hồn trẻ.

Về vấn đề này, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục Xuất bản Cục Xuất bản) khẳng định, nội dung trích đoạn không vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản. Ông lý giải: “Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến về trích đoạn có nội dung không phù hợp với trẻ em xuất hiện trong cuốn ‘Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú’. Nhưng văn học phải nhìn và đánh giá trong một tổng thể chứ không thể trích một đoạn rồi quy kết. Hội đồng thẩm định nhất trí là nội dung của trích đoạn không vi phạm luật”.

Cục Xuất bản cũng nhận định, việc đưa một trích đoạn thần thoại vào trong truyện cổ tích là chưa chính xác về thể loại, cũng như việc dịch thuật trong trích đoạn là chưa phù hợp.

Ông Hòa thông tin: “Cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú không ghi rõ cho đối tượng nào. Về mặt học thuật, truyện cổ tích là truyện dân gian dành cho mọi đối tượng nên không thể mặc định nó là dành cho trẻ em. Nội dung của trích đoạn là sự hiểu nhầm không đáng có nhưng cũng không phải là sai sót nghiêm trọng”.

Qua sự việc này, Cục Xuất bản cũng đã yêu cầu NXB Văn hóa Thông tin phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong khâu biên tập và xuất bản sách, tránh xảy ra sai sót tương tự. Ngoài ra, khi tái bản cuốn sách phải ghi rõ đối tượng phục vụ cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tâm lý truyền truyền thống dân tộc. Nếu phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng thì không đưa trích đoạn “Lêđa và con thiên nga” vào.

Tuy nhiên, việc sai sót trong biên tập và lựa chọn thông tin đưa vào sách truyện thiếu nhi của các NXB không phải là chuyện hiếm có. Có thể kể ra hàng loạt những lỗi sai nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của thiếu nhi do lỗi biên tập của những người làm công tác văn hóa.

Có lẽ đã đến lúc Cục Xuất bản cần nghiêm khắc hơn trong việc xử phạt các NXB, thậm chí là đóng cửa một số NXB thiếu trách nhiệm để làm trong sạch hệ thống xuất bản hiện nay và tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” như hiện nay, để những người làm công tác biên tập, biên soạn sách cho thiếu nhi thực sự là những con người có tâm và có tài. Nếu còn tiếp tục xử lý một cách thiếu nghiêm khắc, xuê xoa, hòa cả làng như thế này, có lẽ những cuốn sách cho thiếu nhi dần dần sẽ trở thành lãnh địa của sự dung tục, bạo lực và phi văn hóa.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.