“Cú tát” giá… 21 tỉ đồng!

19:00 | 21/09/2014

1,487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Sống cùng lịch sử” - bộ phim ca ngợi chiến dịch Điện Biên Phủ, ca ngợi đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “chết ngay trong rạp” khi hơn 2 tuần công chiếu mà chỉ bán được vài chục vé. Vậy là 21 tỉ đồng bỏ ra làm phim đã thành công cốc khi ý nghĩa tuyên truyền đến người dân Việt về chiến thắng Điện Biên không thành. Một lần nữa phim tiền tỉ lại về… “đắp chiếu”. PV Petrotimes đã có cuộc trao đổi với các đạo diễn để làm rõ câu chuyện này.

NSND Lương Đức: Chúng ta chưa đủ trí, lực để làm phim lịch sử

Thời gian qua, khán giả đã được xem những bộ phim lịch sử trên đài truyền hình, ngoài rạp do nước ngoài làm khá tốt. Từ nội dung câu chuyện lịch sử đến ngôn ngữ điện ảnh, phục trang, bối cảnh, diễn xuất diễn viên… đều trên tài của chúng ta. Vì thế phim không được đón nhận cũng là điều hiển nhiên. Nhưng đến cái mức không bán được vé nào thì thật quá tệ. Phim của ta có thể chỉ rõ là cái gì cũng thiếu, yếu... Công nghệ chưa đáp ứng, đạo diễn chưa đủ tầm. Tại sao cùng làm về Điện Biên Phủ mà người Pháp làm hay thế, còn chúng ta lại không ra gì. Nói thẳng ra là chúng ta chưa đủ sức làm một bộ phim lịch sử cho ra hồn. Và vì thế chúng ta không nên làm.

NSND Lương Đức

Thử nhìn sang nước bạn mà xem, Hàn Quốc cũng có một bộ phim lịch sử ra rạp trước ta không lâu và bộ phim đó phá kỷ lục người xem, trở thành bộ phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh nước này. Trung Quốc cũng vậy. Các nước này khiến cho khán giả ta mê mệt khi xem phim của họ. Nói vậy để thấy, người dân không quay lưng với phim lịch sử, mà chỉ vì chúng ta bất lực, chúng ta kém tài. Phần nữa là do chính sách chúng ta có nhiều bất cập, khiến cho tình trạng “đem con bỏ chợ”, vô trách nhiệm với sản phẩm của chính mình diễn ra nhiều ở các hạng phim nhà nước. Đơn cử như phim “Sống cùng lịch sử”, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự phung phí 21 tỉ đồng? Cũng hy vọng đây là "cú tát" mạnh để điện ảnh nhà nước có thể tỉnh táo nhìn lại mình.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Phải phân loại khán giả, tại sao không làm?

Việc đưa một bộ phim lịch sử Việt Nam ra rạp rồi “chết ngay trong rạp” bởi không bán nổi vé vào thời điểm này tôi nghĩ là tất yếu. Đối tượng khán giả đến rạp là ai? Toàn là những người trẻ, thậm chí là trẻ con. Với đối tượng này, xu hướng chủ yếu là phim giải trí thì những bộ phim lịch sử, chính luận thất bại là đúng rồi. Tôi nghĩ, một việc cơ bản khi đưa một bộ phim ra rạp là phải phân loại đối tượng khán giả, vậy mà lại không làm?! Với các nước có nền điện ảnh phát triển, họ làm điều này rất tốt, quy củ, đó là một điều tốt. Cũng giống như truyền hình thì rạp phải phân được đối tượng đâu là rạp chiếu phim giải trí, đâu là rạp chiếu phim kinh điển, phim tài liệu, phim lịch sử…?. Như vậy, mới biết được để mà đáp ứng thị hiếu. Nhận xét chung thì thấy rằng, mảng phim lịch sử, phim chính luận đã khuyết hẳn trong hệ thống rạp của chúng ta hiện nay.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Thêm nữa, nói đi cũng phải nói lại tại sao khán giả lại quay lưng với phim lịch sử của Việt Nam. Một phần là bởi phim lịch sử của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhà nước đặt hàng. Mà nhà nước đặt hàng lại không hề đề cập đến vấn đề đầu ra, vấn đề khán giả… nên nhà sản xuất phim cũng chỉ biết làm phim. Họ không hề có kế hoạch phát hành, khi phim được nghiệm thu, chiếu mừng những ngày lễ lớn là… hoàn thành công việc. Nên, để bán được vé thì lại cần một hướng đi khác, phải đề cập đến vấn đề phim làm ra có người xem hay không?!

Ở thời điểm này, nếu bảo làm phim lịch sử để chiếu ra ngoài khán giả thì tôi sẽ mời Victor Vũ làm những phim như kiểu Thiên Mệnh Anh Hùng. Họ bán được vé đấy thôi. Nghĩa là họ làm phim, họ phải nghĩ đến vấn đề doanh thu và họ cũng đã làm được. Vậy nên, nhà nước đặt hàng thì cũng phải có kế hoạch phát hành cụ thể, bỏ vốn ra thì phải thu vốn lại thế nào? Chứ phim làm mà không có người xem thì làm gì có giá trị.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Đừng làm phim lịch sử theo cách hô khẩu hiệu

Tôi cho rằng câu trả lời rất đơn giản, phim lịch sử được đầu tư hàng chục tỉ đồng vẫn không bán được vé vì khán giả cảm nhận rằng những bộ phim đó người ta không làm vì họ. Rõ ràng, đề tài lịch sử là một đề tài hay, phải được đầu tư lớn kể cả tiền của, công sức và cả tư duy làm sao để khán giả quan tâm. Điều quan trọng nhất khi làm phim là tâm thế chúng ta và mục đích chính của người làm, nhà đầu tư. Nếu chúng ta cố gắng làm để hấp dẫn khán giả thì rồi đến lúc cũng sẽ bán được vé, còn nếu chúng ta làm với tâm thế làm cho có để báo cáo hợp lý các khoản tiền nhà nước đầu tư thì làm sao khán giả quan tâm.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Nên nhớ khán giả họ rất "thính". Lẽ ra, trong giai đoạn này chúng ta cần và nên đầu tư làm phim lịch sử. Chẳng những chiếu rạp mà còn nên có phim truyền hình nhiều tập nữa. Phim là một cách nhanh và dễ để khán giả, cũng như thanh thiếu niên tiếp cận lịch sử. Chẳng phải các cấp quản lý đều luôn cho rằng, dân ta phải biết sử ta đó thôi, chỉ tiếc là chúng ta chỉ toàn dùng khẩu hiệu. Cũng như cách chúng ta làm phim lịch sử vậy, làm phim mà không chạm đến cảm xúc, không chạm đến những rung động từ trái tim, mà chỉ lo nghĩ đến việc tuyên truyền giáo điều thì hỏi ai sẽ là người xem loại phim đó.

Đạo diễn Tất Bình: Sự thất bại không nằm ở… thể loại phim

Trước tiên tôi muốn lưu ý một hiện trạng: Có khá nhiều phim tâm lý xã hội (mà theo bạn là "dễ thu hút người xem") lập tức bị khán giả chuyển kênh ngay sau khi chỉ mới xem mươi phút. Và cũng có những phim lịch sử được đón xem từ đầu tới cuối mấy chục tập mà không thấy ai "ném đá". Vậy có lẽ thước đo sự quan tâm của khán giả không phải ở đề tài. Mà là ở nội dung phim hay và dở.

Phim dở thì bất luận thuộc đề tài nào cũng bị la lối, và ngược lại. Phim cổ trang mà bối cảnh thì giả tạo, trang phục thì lộn xộn nhặt nhạnh từ dăm ba đoàn cải lương, ngựa nghẽo thì bằng con chó lớn, binh khí thì cong queo rỉ sét, lời thoại thì ngô nghê, rặt ngôn ngữ thời nay... hỏi sao người xem không phát ngán? Đơn giản thế thôi! Một mặt nữa là công tác tuyên truyền quảng cáo. Một đơn vị tư nhân vừa mới đây làm xong một phim tâm lý đương đại với giá thành khoảng 8 tỉ. Tôi  biết chắc chắn rằng người ta đang chuẩn bị 4 tỉ nữa để PR. Như vậy, chi phí cho phim này là 12 tỉ. Có nghĩa là chi phí PR chiếm gần 50% tổng kinh phí làm phim. Thử hỏi các bạn đồng nghiệp của tôi, những người làm phim Sống cùng lịch sử,  xem  họ được cấp bao nhiêu để  làm công việc đó?

Đạo diễn Tất Bình

Thực tế, khán giả hiện đã và đang quay lại với phim Việt, kể cả phim điện ảnh hay phim truyền hình. Đây là điều đã được khẳng định. Nếu không, sao vẫn có những phim mà chính báo chí của các bạn đưa tin doanh thu đạt tới mấy triệu đôla Mỹ? Nếu như, các nhà làm phim luôn tìm tòi sáng tạo cả về đề tài, cốt truyện, phong cách thể hiện, tạo hình ảnh, âm thanh sống động và hấp dẫn thì sao có chuyện khán giả quay lưng. Thử hỏi chính bản thân mình đi đã! Sự thất bại của phim nhà nước đã diễn ra vào năm nay. Đáng tiếc là chưa có cấp quản lý nào thực sự quan tâm để lý giải một cách rõ ràng và cụ thể để tránh bước mãi vào… "vết xe đổ".

Nhóm phóng viên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.