Chiến tranh từ điểm nhìn “phía bên kia”

09:16 | 17/04/2015

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16/4, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã được giới thiệu trong buổi sinh hoạt đầu năm của CLB Văn chương, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn sách này cũng đã mang về cho tác giả giải thưởng ở thể loại văn xuôi năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Một cuốn “tiểu thuyết tư liệu lịch sử “

Cách đây 40 năm, nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu, với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN khi đó là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu. 

Chia sẻ về dự định viết cuốn sách, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết: “Dự định này có ngay từ đêm 30/4/1975 và những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần, nên tôi đã cố gắng ghi ghép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự kiện đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Bởi thời gian càng trôi qua, bụi lịch sử sẽ phủ càng dày và có nhiều điều sẽ mất đi”.

Cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75

Bên cạnh những bài báo nóng hổi tính thời sự liên quan đến ngày trọng đại của dân tộc, ông đã có thêm hai cuốn sách Sụp đổ và tự thú cùng Ngày tận thế xuất bản năm 1985 và 1987. Thế nhưng sau bao thăng trầm của cuộc đời, phải gần 40 năm sau, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh mới được ra mắt độc giả. Đến năm 2012, với sự động viên và đặt hàng của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh, ông đã dỡ bản thảo ra và viết lại theo một cái nhìn hoàn toàn khác – cái nhìn không định kiến, không phân biệt với sự nhân văn và tôn trọng sự thật lịch sử. Chính điều này đã khiến Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 trở thành một cuốn biên niên sử, phục dựng gần như hoàn chỉnh về thời khắc giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước theo cái nhìn từ “phía bên kia”.

Nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết: “Tôi phải thu thập tài liệu mất rất nhiều thời gian và tôn trọng sự thật lịch sử. Vì thế những tài liệu mật – đặc biệt là 21 tài liệu được in phụ lục là những tài liệu nguyên bản với “sự thật đến từng cơn mưa””.

Tuy nhiên, nhà văn không thể hiện tình cảm trong từng trang viết, mà ông để cho độc giả tự phán xét, tự nhận định và suy ngẫm. Tại đây, hình ảnh những tướng lĩnh chế độ cũ được khắc họa với cái nhìn nhân văn và xác đáng hơn, đặc biệt là phản ứng, cảm xúc của họ khi niềm tin, lý tưởng và sự nghiệp sụp đổ đột ngột.

“Cái nhìn ngược sáng”

Nhận xét về cuốn sách, nhà thơ Bùi Việt Thắng cho rằng, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã viết từ “cái nhìn ngược sáng” của người chiến thắng. “Cái nhìn ngược sáng” giúp tác giả “chui sâu leo cao” vào “hang ổ” của đối phương, để lần đầu tiên, bằng hình thức “văn chương tư liệu”, tái hiện chân dung một chính thể hiện diện qua những cá nhân từ chóp bu đến ngạch cuối của một hệ thống với ý nghĩa là đối phương của chúng ta.

Cũng theo nhà thơ Bùi Việt Thắng, “cái nhìn ngược sáng” quy định phương pháp viết “nở hoa trong lòng địch”, khiến cho những gì được kể ra gây ấn tượng về vị trí trung lập của tác giả (mặc dù tác giả chưa bao giờ đứng ở vị trí ấy trong quá trình tác nghiệp). “Cái nhìn ngược sáng” giúp tác giả hiểu rõ nội tình, nội cảm của chính thể Việt nam Cộng hòa và những đại diện của nó, có tác dụng gia tăng tính chân thực của tác phẩm.

Đối với nhà thơ Vũ Quần Phương, sức thuyết phục của cuốn sách này bắt nguồn từ thái độ cẩn trọng, biết nén mình lại để những dòng tư liệu tưởng chừng khô lạnh tự mình lên tiếng. Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã thận trọng và nghiêm cẩn trong thao tác khai thác, ôn tồn, cảm thông trong giọng điệu tường thuật, biết ta, biết người là một ưu điểm đáng ghi nhận.

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh

Nhà thơ cho rằng: “Anh không bình luận, chỉ trình bày theo kiểu biên bản, vượt qua được cái tiểu khí dễ có ở kẻ thắng là chế giễu, làm nhục người thua, làm sao để người đọc nhận ra được sự thực vốn có của cuộc chiến. Những dòng nói về những nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn cũ ở hải ngoại: giọng văn trung tính như thông tin, nhưng ngoài dòng chữ, tôi lại thoáng nghe nỗi ngậm ngùi cho số phận, cơ duyên của kiếp người. Nhìn lại, sống lại không phải để hâm lại căm thù, để nuôi dưỡng đối kháng, mà chủ yếu để tìm một cách đi vào tương lai, cách đi cho mỗi người và cho cả dân tộc. Đó là đạo đức của văn chương”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là điển hình của “văn học tư liệu” – dòng văn học sẽ lên ngôi ở thế kỷ 21. Ông nhận định: “Văn học của chúng ta sau một thời kỳ cất cánh, khi những tưởng tượng, hư cấu đã lên đến đỉnh, thì con người lại có xu hướng muốn trở về với mặt đất, với những gì hiện hữu xung quanh mình. Và Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã góp phần bỏ phiếu thuận cho những dự báo rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tư liệu. “Sức mạnh của sự thật là không gì có thể chống lại được, vượt qua sự hoen gỉ của thời gian. Sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu”.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 dù không có một từ nào lý giải, cắt nghĩa vì sao chúng ta chiến thắng nhưng bản thân cuốn sách lại chính là câu trả lời thuyết phục “vì sao chúng ta thắng”. Nó giải mã những tranh cãi mà lâu nay chúng ta thường đặt ra bằng chính những tính toán, chiến thuật… liên tiếp thất bại của nguỵ quân nguỵ quyền. Cuốn sách đã trả lại toàn bộ sự thật cho lịch sử trong một thái độ điềm tĩnh, khách quan và không kém phần nhân văn.

Vương Tâm (tổng hợp)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.