Buồn trông mỹ thuật chiều hôm

06:00 | 19/12/2014

505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hoạt động thương mại có tính chất tự phát của mỹ thuật Việt đang diễn ra nhỏ lẻ, manh mún, thiếu định hướng, thiếu minh bạch và có nhiều biểu hiện liên tục vi phạm tác quyền. Nhiều người vẫn nói về mong ước cho một thị trường mỹ thuật lành mạnh, đảm bảo tôn trọng quyền lợi lao động nghiêm túc của nghệ sĩ, tác động tốt cho việc sáng tác, đổi mới và quảng bá mỹ thuật trong cũng như ngoài nước và nâng cao thẩm mỹ xã hội. Nhưng viễn cảnh đó còn ở xa.

Năng lượng Mới số 383

Lộn xộn và hoang vắng…

Thực trạng thị trường mỹ thuật Việt Nam thường được nhắc đến nhân các kỳ cuộc hội họp, bàn thảo về mỹ thuật hay các cuộc “trà dư tửu hậu” của nghệ sĩ trong nghề như một cái nhìn không mấy vui tươi. Đó là: Không có sàn giao dịch; không có hoạt động bán đấu giá; chất lượng tranh bị thả nổi; đề tài cũ mòn; giá cả lộn xộn, thiếu kiểm soát; trình độ và chất lượng tại phần nhiều gallery còn hạn chế; thời gian qua nhiều gallery phải đóng cửa do khủng hoảng kinh tế; công chúng trong nước quay lưng với việc mua tác phẩm mỹ thuật…

Theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, những năm 90 của thế kỷ trước, với sự đổi mới trong sáng tác mỹ thuật và bùng nổ gallery ở Hà Nội, TP HCM, thị trường nghệ thuật được hình thành trong và ngoài nước. Nhưng sự kém cỏi và không chuyên nghiệp của các nghệ sĩ lẫn chủ gallery thể hiện qua việc làm tranh giả, tranh nhái, thuê chép tranh, tự chép lại tranh mình, bán bằng mọi giá… và tình trạng không có khách nội địa đã dẫn tới thương mại hóa, du lịch hóa và nghệ thuật mất đi sự độc đáo. Những tác động xấu này làm cho các gallery và thị trường nghệ thuật tàn lụi nhanh chóng.

Một số tác phẩm tại Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc 2014

Nhìn vào diện mạo thị trường mỹ thuật hiện nay, TS Đinh Hồng Hải - Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, đang bước vào một giai đoạn suy trầm đáng lo ngại. Bên cạnh những ảnh hưởng dễ thấy của khủng hoảng kinh tế thế giới và việc chưa có một thị trường mỹ thuật thực thụ thì sức tấn công mãnh liệt của hàng giả, hàng nhái và hàng lậu đang dần lấy đi đất sống của những người làm nghệ thuật chân chính. TS Hải ví dụ: Hàng trăm xưởng chép tranh giả trên phố Nguyễn Thái Học ở Hà Nội và phố Nguyễn Du ở TP HCM với hàng nghìn tranh giả cùng hàng vạn “tranh Tàu” được nhập lậu hằng năm đã hút phần lớn dòng tiền của công chúng dành cho tranh nghệ thuật. Còn các sản phẩm mỹ nghệ như tì hưu phong thủy, sư tử đá… cũng tham gia hút dòng tiền còn lại khiến cho một lượng tiền rất lớn trong công chúng bỏ qua các tác phẩm điêu khắc thực thụ mà đổ vào những sản phẩm phi nghệ thuật.

Mới đây, trước thềm khai mạc hội chợ nghệ thuật ở Hàng Da galleria với nhiều gian hàng bày tranh, tượng và nhiều sản phẩm thủ công của rất đông các nghệ sĩ trẻ, nhiều người than phiền về sự hững hờ của công chúng với tác phẩm mỹ thuật suốt bao lâu nay, chứng tỏ việc xây dựng thói quen, tâm lý, ý thức thưởng thức và bỏ tiền mua tác phẩm nghệ thuật trong những năm qua được gây dựng quá kém nếu không muốn nói là bỏ ngỏ. Họa sĩ Nguyễn Phan Bách nói: Có những người khoe những siêu xe, những chiếc túi “khủng” trị giá hàng tỉ đồng, nhưng bỏ một ít tiền ra mua bức tranh, bức tượng thì… không! Họ có thể sở hữu cả cục vàng nhưng một chút văn hóa nghệ thuật thì có vẻ không nhiều.

Ai là người có lỗi?

Những hành vi vi phạm bản quyền bằng việc chép tranh, sáng tác theo kiểu nhái tranh, sản xuất hàng loạt… cùng những hạn chế về nhiều mặt của các gallery và chính các nghệ sĩ đã tự làm cho hoạt động thương mại trong lĩnh vực mỹ thuật bị thui chột. Bên cạnh đó, với hiện trạng thị trường mỹ thuật, không thể không nhắc đến những nguyên nhân cơ bản từ sự thiếu hụt về chính sách và những hạn chế trong vai trò quản lý của cơ quan văn hóa, nghệ thuật Nhà nước và địa phương. Một số nghiên cứu của văn phòng UNESCO tại Hà Nội về thực trạng ngành mỹ thuật cho thấy: Còn thiếu khuôn khổ pháp lý và chính sách tập trung cho khía cạnh thị trường thương mại và phát triển xã hội của ngành mỹ thuật; có sự phân tách giữa nghệ thuật “truyền thống” và đương đại; các thiết chế văn hóa nghệ thuật Nhà nước còn đứng ngoài thị trường nghệ thuật nói chung; đồng thời, vai trò của các thiết chế văn hóa nghệ thuật Nhà nước đối với công chúng cũng giảm sút…

Bản thân một số nhà quản lý cũng nhận thấy những bất cập về chính sách văn hóa, nghệ thuật, trong đó có sự chậm chạp, thiếu “chăm sóc” kịp thời với thực trạng nhốn nháo của việc mua bán, sáng tác - sản xuất, sở hữu tác phẩm - sản phẩm mỹ thuật. Nhưng vấn đề xây dựng, tiếp sức, thúc đẩy thị trường mỹ thuật, theo một số ý kiến, lại không chỉ phụ thuộc vào ngành văn hóa, mà còn phải có sự “thấu hiểu” và góp sức của các bộ, ngành khác. Tại hội thảo xây dựng chính sách và phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam vừa diễn ra, do Bộ VH-TT&DL cùng Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Chúng tôi từng đề nghị chính sách về thuế, về việc dành một phần kinh phí mua tác phẩm mỹ thuật để bày biện, trang trí trong việc xây dựng các công trình với mong muốn sẽ có lợi cho các nghệ sĩ và thúc đẩy hoạt động thương mại mỹ thuật, nhưng các bộ như Tài chính, Xây dựng vẫn chưa có sự đồng thuận”. Họa sĩ Thành cũng đưa ra một vài ví dụ cho thấy sự manh mún và rời rạc giữa các gallery và nghệ sĩ sáng tác ở trong nước. Tình trạng “phong tỏa thông tin” thể hiện qua việc nhiều gallery, nghệ sĩ thường “giữ chặt” lấy nguồn khách hàng của mình, không có sự cởi mở cung cấp rộng về các địa chỉ thương mại nghệ thuật. Cũng như vậy, việc “môi giới” mua bán tác phẩm mỹ thuật thường chỉ bó hẹp trong ê-kíp, trong một số đầu mối quen biết.

Có thể cứu vãn?

Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ VH-TT&DL được bàn thảo nhiều trong thời gian qua, có đặt ra mục tiêu xây dựng, phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam, nhưng hầu như mới chỉ đề xướng, còn thiếu những gợi ý triển khai, những bước đi cụ thể để đạt tới mục tiêu đó. Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng một số trường đào tạo, viện nghiên cứu… đề xuất những chính sách, cơ chế nhằm nuôi dưỡng tốt hơn các điều kiện cho thị trường mỹ thuật như giảm thuế, hỗ trợ không gian, ưu tiên cho những trung tâm mỹ thuật, quỹ văn hóa nghệ thuật, gallery có uy tín, có công sức trong việc quảng bá mỹ thuật Việt, tích cực trao đổi, giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Lâu dài hơn, chính sách giáo dục mỹ thuật rất cần chú trọng vào việc xây dựng công chúng cho tương lai và bồi dưỡng các đối tượng công chúng khác nhau trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này có thể thực hiện được bằng việc thúc đẩy những chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành mỹ thuật, triển lãm. Trong đó có việc xây dựng các chính sách nhằm kết nối các trường đại học, phổ thông, ngay cả các cơ quan, đơn vị… với các bảo tàng mỹ thuật, triển lãm… để phát triển các hoạt động tham quan, bồi dưỡng kiến thức về mỹ thuật. TS Trang Thanh Hiền - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng thị trường mỹ thuật Việt Nam đúng nghĩa, cần phải cải tổ tận gốc cung cách đào tạo với một chiến lược rõ ràng. Thay đổi cách thức dạy mỹ thuật phổ thông, gây dựng thói quen đi bảo tàng, thói quen tìm hiểu về mỹ thuật. Đẩy mạnh việc đào tạo đặc thù các curator, các nhà phê bình mỹ thuật và tạo điều kiện để sử dụng nguồn nhân lực này quảng bá cho mỹ thuật Việt. Phổ cập các kiến thức mỹ thuật cho nhân dân, cac doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân bằng mọi hình thức khác nhau. Kêu gọi các nhà đầu tư trong nước đầu tư cho mỹ thuật Việt đúng nghĩa.

Trước mắt, không thể thiếu phần trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc xúc tiến giám sát ngay những gì lộn xộn đang diễn ra trong hoạt động thương mại mỹ thuật. Rất cần xây dựng những quy định, tiêu chí cho việc thành lập gallery hay cửa hàng mua bán tác phẩm mỹ thuật, trong đó có yêu cầu bắt buộc về trình độ chuyên môn của người chủ hay nhà tư vấn, cùng những quy định chặt chẽ trong việc mua, bán tác phẩm. Và từ góc nhìn bản quyền, những hành vi chép tranh không có sự đồng ý của tác giả đương nhiên là vi phạm tác quyền, là phạm pháp và cần bị xử lý thích đáng chứ không thể thả nổi.

Xuyên Sơn