Bội thực scandal, khan hiếm tài năng!

09:32 | 15/09/2012

882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó chính là thực trạng của nhiều gameshow truyền hình hiện nay. Có số lượng áp đảo nhưng các cuộc thi tìm kiếm tài năng không mang lại sự đột phá về chất lượng, không là bệ phóng cho những tài năng thật sự mà ngược lại làm showbiz thêm bội thực scandal!

Sức hút của những gameshow truyền hình hiện nay đến từ những sự kiện, tình huống không được dàn dựng trước theo kịch bản, thí sinh hầu hết là những người bình thường nên tạo sự gần gũi và kích thích người xem. “Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt - The Voice”, “Tìm kiếm tài năng - Vietnam Got Talent”… là những chương trình như thế. Những chương trình truyền hình này luôn thu hút thí sinh và khán giả nhiều nhất, bởi một điều dễ hiểu là nó luôn tiềm tàng một cơ hội đổi đời cho thí sinh.

Giống như ý nghĩa của chương trình “Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol” là biến thí sinh “zero to hero”, tức là từ số không trở thành một thần tượng nhanh chóng chỉ sau một cuộc thi! Nếu như những gameshow nhan nhản trên truyền hình hiện nay chỉ dừng lại ở tiền giải thưởng cao ngất ngưởng thì các cuộc thi tìm kiếm tài năng kể trên còn hứa hẹn trao cho thí sinh một chiếc vé vàng để bước vào ngưỡng cửa showbiz thật sự và trở thành thần tượng của công chúng.

Bốn vị huấn luyện viên “The Voice” chỉ là con rối?

Thế nhưng, tình hình showbiz hiện tại lại có một nghịch lý là khi các cuộc thi âm nhạc ngày càng nở rộ thì các tài năng ca hát lại càng khan hiếm. Những scandal từ những phát ngôn gây sốc, các vụ lùm xùm hậu trường là những thứ được biết đến nhiều hơn những tiết mục biểu diễn của chương trình. Những scandal đó giúp nhà sản xuất, đài truyền hình hài lòng với lượng khán giả, bán được nhiều quảng cáo với thời lượng còn hơn cả thời lượng phát sóng chương trình. Người thiệt thòi nhất chính là thí sinh, bởi sau mỗi cuộc thi thì hiếm ai nhớ tới họ và khán giả thì có khi bị lừa xem một vở kịch hơn là một cuộc thi bởi sự dàn xếp kết quả từ trước.

Gặp sức ép quá lớn từ chương trình tìm kiếm tài năng ca hát “Giọng hát Việt” trong mùa phát sóng đầu tiên, Thần tượng âm nhạc năm nay lặng lẽ đến không ngờ. Những tập phát sóng vòng Thử giọng với “đặc sản” là những tiết mục thảm họa gây cười cũng không còn sức hút với khán giả. Mãi đến phần công bố 16 thí sinh bước tiếp vào vòng cuối thì chương trình mới thu hút được sự chú ý của dư luận nhưng bằng một thí sinh chuyển giới, tên Hương Giang.

Rõ ràng một điều, Hương Giang không xứng đáng để bước vào vòng trong so với 3 thí sinh nữ còn lại trong phần thi hát nhóm vòng nhà hát. Nhưng Hương Giang có một thứ mà 3 cô gái còn lại không có chính vì câu chuyện về chuyển giới và cả thân hình gợi cảm của cô! Câu chuyện thí sinh chuyển giới vào vòng 16 thí sinh đã nhanh chóng giúp chương trình lấy lại được phần nào “phong độ” sau sự lấn ép của “The Voice”. Thế nhưng với nền tảng tạo dư luận mong manh ấy nên “Thần tượng âm nhạc 2012” lại nhanh chóng rơi vào quên lãng, thực tế hiện tại đã chứng minh điều đó!

Nếu không có scandal lộ clip được coi là “dàn xếp kết quả” và “dìm” thí sinh của “The Voice” vừa bùng nổ thì có lẽ đây là chương trình xứng đáng nhận giải thưởng Chương trình của năm. “The Voice” có sức thu hút đặc biệt bởi sự hấp dẫn và quan trọng hơn hết là chất lượng thí sinh vượt trội so với các sân chơi tìm kiếm tài năng khác. Đây là một chương trình truyền hình quay hình và phát sóng lại nên việc “The Voice” có một kịch bản và sau khi quay thì chỉnh sửa sao cho chỉn chu nhất trước khi phát sóng để tạo nên sự hấp dẫn là điều tất nhiên không có gì phải bàn. Thế nhưng, “The Voice” là một cuộc thi thố tài năng âm nhạc nên sự công bằng là điều tối quan trọng, dù chỉ là công bằng tương đối.

Khán giả là người quyết định thành công của chương trình nên nhà sản xuất cũng phải minh bạch và công bằng với khán giả khi họ đã ủng hộ chương trình. Khán giả muốn xem những tiết mục trình diễn và thi đấu công bằng chứ không muốn bỏ thời gian để xem một vở kịch được dàn dựng từ trước. Người đi kẻ ở sau mỗi phần thi được định đoạt bởi bàn tay người có quyền “sinh sát”. Và theo như clip tiết lộ thì cả người chiến thắng cuối cùng của cuộc thi cũng đã được quyết định dù cuộc chơi chỉ mới đi hơn nửa đoạn đường. Hẳn không còn gì để trông chờ, theo dõi vào cuộc thi này, bởi những người làm chương trình đã có sự dối trá trắng trợn. Người chiến thắng cuối cùng của cuộc chơi không vì tài năng, không thỏa mãn được sự mong đợi của công chúng, cũng như tiêu chí của chương trình, đó là tìm ra người tài năng nhất, người tỏa sáng nhất. Những người hội đủ tiêu chuẩn ấy đã bị loại chỉ vì không có quan hệ với người có quyền “sinh sát” trong tay!

Sự thật về sự gian dối, dàn xếp và cả sự chèn ép thí sinh khác của “The Voice” đã quá rõ trong clip. Người liên quan trực tiếp là Giám đốc âm nhạc Phương Uyên đã lên tiếng thừa nhận lỗi lầm. Tuy nhiên, Phương Uyên chỉ là quân tốt kém may mắn trong ván cờ này, bởi quyền quyết định không phải ở chị mà còn người có quyền cao hơn, người nắm quyền là ông chủ, còn Phương Uyên chỉ là người làm thuê.

Sự dối trá của “The Voice” bị phanh phui nhưng thay vì lên tiếng xin lỗi khán giả, người đã góp phần quyết định làm nên thành công rực rỡ của chương trình thì người chủ của nó lại quay sang trách người khác. Ông trách truyền thông đã đưa tin về clip ấy làm khán giả mất niềm tin đối với chương trình! Ý ông là đáng ra chương trình còn lừa được khán giả dài dài nếu không có sự khủng hoảng truyền thông vì clip ấy chăng?! Cát Tiên Sa là đơn vị tổ chức sản xuất nhiều chương trình truyền hình ăn khách nhất hiện nay. Đáng ra ông chủ của nó không xa lạ gì với cách thức giải quyết khủng hoảng hiện tại để lấy lại niềm tin với khán giả bằng cách trả lời rõ ràng sự thật. Và thay vì xin lỗi và hứa hẹn sửa sai thì họ lại lòng vòng biện minh, đổ lỗi người khác và chẳng xem khán giả là gì! Đó là điều rất đáng lên án!

Công chúng, truyền thông hẳn rất bức xúc vì cách giải quyết là đối đầu và lấp liếm của ông chủ “The Voice”. Nhưng công chúng và truyền thông không biến những bức xúc ấy thành hành động cụ thể thì việc trông chờ vào lương tâm của những ông chủ hay sự công bằng và trong sạch của các chương trình truyền hình như “The Voice” là một điều xa xỉ.

Nhìn sang nước bạn, ở Kpop vừa qua đã diễn ra một cuộc tẩy chay đình đám với nhóm nhạc nữ nổi tiếng thế giới T-ara vì họ đã bỏ bê và tẩy chay người em út của nhóm, Hwayoung. Khán giả, cả những người từng là fan ruột của nhóm đã yêu cầu các công ty cắt hợp đồng quảng cáo, cắt phim mà T-ara đang tham gia, cấm không được biểu diễn trên truyền hình, báo chí, không xuất hiện trong các chương trình hay sự kiện… T-ara đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp! Khán giả Hàn Quốc yêu ghét rạch ròi là thế, chúng ta cũng nên có thái độ kiên quyết để phản đối sự dối trá của nhà sản xuất.

Một khi công chúng, truyền thông không biến những bức xúc thành hành động cụ thể thì sẽ còn nhiều những chương trình ra đời và hốt tiền từ sự gian dối như “The Voice”!

Trúc Vân