Bao giờ di tích thôi khản cổ kêu cứu?

09:35 | 15/09/2012

921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Công tác trùng tu, bảo tồn di tích và kiểm tra giám sát công tác này được nhắc đi nhắc lại và càng ồn ào mỗi khi một di tích sau trùng tu trở nên mới hóa, mai một, mất mát các giá trị. Hiện nay dư luận lại đang lùm xùm và gay gắt xung quanh vấn đề chưa có lời giải này.

Hạn chế gây tổn thất

Theo thống kế, Việt Nam đã có trên 3.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Ngoài ra còn có hàng vạn di tích cấp tỉnh đã và chưa được xếp hạng. Những năm qua đã xuất hiện nhiều vấn nạn trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, thường xuyên được báo chí “chăm sóc”, dư luận quan tâm mổ xẻ. Đã có nhiều luồng ý kiến và thái độ, từ cảnh báo, phản ánh, kiến nghị, phản biện đến phê phán và lên án dữ dội. Song song với đó, nhiều hoạt động thanh kiểm tra, tổng kết cũng như các hội nghị, hội thảo chuyên ngành cũng chỉ ra quá nhiều lỗ hổng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhưng các biện pháp tình thế cũng như thực trạng về lâu dài vẫn còn là những câu hỏi, là những kiến nghị, đề xuất mỏi mòn chờ hiện thực hóa.

Suối Giải Oan - Yên Tử từng bị xâm hại tan hoang

Luật Di sản văn hóa cùng quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được triển khai trong đời sống. Ngoài những thành quả trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích thì tồn tại, hạn chế và tiêu cực, tổn thất cũng bộc lộ rất nhiều. Đội ngũ cán bộ quản lý tu bổ, tư vấn, thiết kế, giám sát, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân lành nghề được nhận xét là còn mỏng, năng lực không đồng đều. Lực lượng cán bộ chuyên ngành pháp luật, kỹ sư, kiến trúc sư còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Thậm chí có quan điểm cho rằng, công tác này chỉ là việc sửa chữa xây dựng đơn thuần tồn tại ở không ít địa phương. Cấp cơ sở rất mơ hồ về những vấn đề trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích và thực hiện đúng Luật Di sản.

Trong khi đó, không ít đơn vị trùng tu chạy theo lợi nhuận, ít dựa vào luật và các văn bản dưới luật, cộng với việc buông lỏng quản lý nên đã làm mới, làm biến dạng di tích. Nhiều di tích “gặp họa” do sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm và vụ lợi, bị làm sai lệch, biến dạng, giảm giá trị như: Tường thành cổ Sơn Tây, đình Yên Phụ, đền Hai Bà Trưng, đình Mông Phụ, chùa Bối Khê… ở khu vực Hà Nội, đền Cuông ở Nghệ An, tháp Dương Long ở Bình Định… Nhiều di tích sau tu bổ, tôn tạo vẫn bị kêu ca như đền Rồng, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, đình Nam Hương bên Hồ Gươm, cổng đình Kim Liên… Mới đây nhất, báo chí dậy sóng về vụ chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị xâm hại. Ngay tiếp đó là vụ đình cổ Ngu Nhuế ở Văn Giang, Hưng Yên bị làm mới, di chuyển khỏi vị trí cũ và đang “đắp chiếu” chờ xử lý thời gian qua.

Bao giờ lỗ hổng lấp đầy?

Lộn xộn trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đòi hỏi chuẩn hóa quy trình, các công đoạn và đội ngũ tham gia tu bổ, tôn tạo. Do trực tiếp thực hành trùng tu di tích, trình độ của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, tay nghề công nhân kỹ thuật… được đòi hỏi rất cao. Nhưng như trên đã nói, hiện tay nghề thợ, kiến thức văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của lực lượng này thiếu sự bồi dưỡng và trong thi công thiếu sự chặt chẽ về kiểm soát nên dễ dẫn đến chất lượng tu bổ yếu kém. Nhưng cũng “ngược đời” thay khi thực tế hoạt động trùng tu, tôn tạo diễn ra đã lâu và thường xuyên mà ở nước ta chưa có chuyên ngành đào tạo. Ngay cả những khóa bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao tay nghề ngắn hạn dành riêng cho từng bộ phận thợ kỹ thuật cũng chưa được thực hiện. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhiều lần thể hiện nỗi bức xúc về những di tích bị biến dạng sau trùng tu thời gian qua. Ông kêu gọi những người làm công việc trùng tu: Hãy đừng chỉ vỗ ngực vì có cái tâm, mà trước hết phải có trí tuệ, nếu không sẽ dẫn đến mù quáng, sai lầm! Theo ông Biền, đã có nhiều sách công cụ về tu bổ được cung cấp mà hình như người ta không đọc.

Việc trùng tu chùa Phổ Giác tại Hà Nội cũng gây xôn xao dư luận

Thêm nữa, bên cạnh những hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan đứng ra bảo quản, tu bổ, phục hồi, cơ chế kiểm soát của các cơ quan chuyên môn và độc lập trong suốt quá trình trùng tu vẫn còn bị coi nhẹ. Cùng với yêu cầu xây dựng cơ chế này, vấn đề cấp thiết nữa đang đặt ra là xử lý như thế nào đối với việc bảo tồn di tích, tu bổ, phục hồi không đúng, không đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến làm sai, làm hỏng, hoặc lợi dụng tình trạng hư hỏng ít để trục lợi bằng việc trùng tu lớn. Hiện trong lĩnh vực trùng tu, các quy định vẫn chỉ dừng lại ở việc phát hiện, thông báo, ngăn chặn, bảo vệ chứ chưa cụ thể trong những hình thức xử lý, xử phạt. Việc này cần phải áp dụng triệt để đối với những đơn vị, cá nhân gây ra hậu quả, từ chủ đầu tư cho đến đơn vị, lực lượng thi công. Kể cả những cơ quan giám sát, tư vấn, nếu dung túng hay không kịp thời phát hiện sai phạm cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cần bắt buộc phải tự đầu tư sửa chữa, phục hồi lại một cách khoa học cho đến khi đạt yêu cầu, đồng thời phạt tiền, thậm chí có thể xử lý trước tòa án.

Thực ra, rất nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa ra nhưng rốt cuộc vẫn như “đá ném ao bèo”. Sau những ồn ào, mọi thứ lại lắng xuống và tình hình chung lại trở nên chậm chạp như không có gì phải vội vã. Giải quyết được thực trạng xám ngoét này thì tương lai của các di tích mới có khả năng sáng sủa! Nếu chậm trễ, khi thắng được sự trì trệ thì e rằng các giá trị của di tích cũng chẳng còn mấy để mà sửa sai.

ThS.KTS Vũ Thị Hà Ngân - Viện Bảo tồn di tích: Bên cạnh hệ thống đào tạo công lập, cần thu hút các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia dạy, tổ chức dạy nghề tại các làng nghề với thầy dạy là các nghệ nhân giỏi. Song song là lưu giữ các “công nghệ truyền thống” dưới dạng tài liệu công nghệ. Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng mô hình dự án bảo tồn di tích kết hợp đào tạo nghề.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Có những người cho rằng, phải mang lại bản sắc dân tộc cho di tích trong trùng tu, trong khi đó bản thân di sản văn hóa đã chứa đựng bản sắc, phản ánh bản sắc. Hãy xây dựng những cái mới của thời đại mới có bản sắc. Giữ gìn lại cho di sản tính nguyên gốc, tức là đã góp phần duy trì bản sắc dân tộc rồi”.

KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng: “Người phụ trách công tác trùng tu phải hiểu các công đoạn, phải có kiến thức văn hóa, có trách nhiệm bảo vệ di sản, đồng thời phải liên tục giám sát hiện trường, quan tâm đến từng hạng mục nhỏ. Cái gì còn giữ được thì phải tuyệt đối giữ. Làm đến nơi đến chốn sẽ được nhiều việc, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức. Không thể lấy di sản để kinh doanh được. Di sản vốn không để khoe, mà đơn giản là để gìn giữ!”.


Hằng Nga

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.