Người nghệ sĩ thầm lặng của Dầu khí Cà Mau

07:00 | 23/02/2015

1,803 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Ngỡ ngàng U Minh, mây hỏi sao trời, hoa đăng sông Trẹm, sao nào lung linh? Ngỡ ngàng U Minh, gió cũng hát mừng, xin chào mây lạ, mây nước công trình…”. Nếu ai đã một lần về thăm Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm nơi cực Nam Tổ quốc, ắt hẳn sẽ nhận ra đoạn ca từ trên miêu tả vẻ đẹp lung linh, ngời sáng của công trình dầu khí lớn nhất Cà Mau. Nhưng có một điều mà ít người biết được, ca khúc là tấm lòng của một người nghệ sĩ thầm lặng - bằng tất cả tình yêu dành cho Cà Mau, dành cho ngành Dầu khí.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Người nghệ sĩ ấy là Đặng Quốc Hưng. Anh là một trong số những cán bộ đầu tiên gắn bó với Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau từ thuở mới hình thành cho đến tận hôm nay.

Sinh năm 1960, gốc Nam Định, năm 1982 tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm TP HCM, Đặng Quốc Hưng đã theo nghề dạy học suốt 28 năm tại mảnh đất cực Nam này. Anh về với với ngành Dầu khí khi đã ở độ tuổi ngũ tuần, độ tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” bởi đã căn bản hoàn tất những ước mơ hy vọng của cuộc đời để nghĩ đến an nhàn thụ hưởng. Nhưng với Đặng Quốc Hưng thì khác.

 

Anh chia sẻ, con người anh như vốn được sinh ra là để dành cho nghệ thuật. Từ nhỏ anh đã được học âm nhạc, thích viết văn, làm thơ, ca hát. Nhưng anh nghe theo lời khuyên của bà ngoại để theo ngành sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, Đặng Quốc Hưng tìm kiếm cho mình cơ hội mới ở vùng đất mũi Cà Mau hoang sơ, nghèo khó. Nhưng người tính không bằng trời tính. Nét duyên thầm và đức tính thật thà, chịu thương chịu khó của cô gái miền Tây đã níu chân anh lại đất Cà Mau từ đó đến nay. Thoắt một cái đã hơn ba chục năm.

Chúng tôi hỏi: Vậy sao anh vẫn quyết định chuyển sang làm dầu khí? Đặng Quốc Hưng trả lời ngắn gọn: “Vào làm việc với ngành Dầu khí tôi xem đó là một điều may mắn lớn. Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm này như một cơn gió lành sẽ đổi đời cả một vùng đất nghèo nơi đây. Nhiều lúc lãng mạn nghĩ lại rằng, hình như dầu khí đã trả công cho mình suốt bao nhiêu năm qua lặn lội dạy chữ nơi vùng sâu, vùng xa nên được đền đáp”.

Suốt quãng thời gian dạy chữ và dạy người ở mảnh đất tận cùng của đất nước Đặng Quốc Hưng không lúc nào nguôi ngoai tình yêu dành cho văn nghệ. Ngoài việc giảng dạy, anh còn dạy học trò làm văn nghệ, sáng tác, viết báo, làm thơ… Với vai trò là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau, anh phát huy tất cả năng lực sáng tác của mình. Đến nay, người cán bộ văn phòng của Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau, vẫn không vì bề bộn giấy tờ mà quên đi niềm đam mê âm nhạc.

Tuy chỉ như một sở thích, một thói quen, một nghề tay trái, vậy mà Đặng Quốc Hưng đã có một kho tác phẩm âm nhạc “kha khá” cho riêng mình. Trong số trên 30 ca khúc anh đã sáng tác thì có đến trên phân nửa là những ca khúc viết về vùng đất Cà Mau - quê hương thứ hai của mình.

“Cà Mau yêu thương cuối trời, mãi ơn người đi mở đất Phương Nam” (Thành phố cuối trời Phương Nam).

“Hương tràm thoảng bay, thành phố quê hương. Chiều vàng vương tơ cùng sóng lao xao… Thành phố của tôi, bừng sáng nơi cuối trời… Thành phố tôi yêu, thành phố dựng xây. Áo thợ vàng, xanh trên những công trình. Khí - Điện - Đạm, hoa đăng đêm bừng sáng…” (Cà Mau, thành phố bình yên).

Ca khúc “Cà Mau, thành phố bình yên” đã đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tác ca khúc về TP Cà Mau năm 2014 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức. Trước đó, ca khúc “Từ chiều Đá Bạc Cà Mau” của anh cũng đã đoạt giải Ba Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2012.

Không sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, nhưng đối với Đặng Quốc Hưng, vùng đất này và cả Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm đều chan chứa vô vàn những yêu thương, kỷ niệm.

Anh kể, cả miền Tây khi ấy chỉ có một Nhà máy Điện Trà Nóc công suất 183MW. Tất cả vẫn rất đỗi bình yên, vô tư, trầm bổng hết mình qua những lớp vọng cổ vang ngân, bồng bềnh sóng nước. Thế rồi, giữa bạt ngàn rừng tràm U Minh hạ với hoa tràm nở trắng khoe sắc xuân, một khu công nghiệp “bề thế” được hình thành. “Khu rừng tràm U Minh hạ thăm thẳm màn đêm trước đây nay vụt bừng sáng từ hàng trăm ngàn ánh điện công trình. Ánh đèn rực rỡ át đi ánh sáng của những vì sao lung linh nhất, phản chiếu xuống dòng sông Trẹm, sông Cái Tàu như tạo nên một bữa tiệc hoa đăng đẹp nhất trên đời.” - Đặng Quốc Hưng nhớ lại lần đầu tiên anh ngồi thuyền xuôi theo dòng nước ngắm nhìn quang cảnh cụm Khí - Điện - Đạm về đêm. Giây phút đó anh nói - như “tiếng sét ái tình” đánh vào tâm tưởng - đã giúp anh viết nên ca khúc đầu tiên cho Điện lực Dầu khí Cà Mau: “Ngỡ ngàng, bừng sáng U Minh”.

Với những ca khúc thành công như vậy, nhưng Đặng Quốc Hưng không bao giờ nhận mình là nghệ sĩ. Anh chỉ cho đó là “cái duyên”, là “tình yêu” với âm nhạc vậy thôi. Hằng ngày, như mọi cán bộ dầu khí khác, anh vẫn phải vật lộn với công việc giấy tờ, họp hành, tổ chức… nhưng tâm hồn nghệ sĩ đã giúp anh không bao giờ bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp của anh em công nhân khi vô tình bắt gặp được nơi công trường. Từng giọt mồ hôi rơi, những cái nhíu mày khi xảy ra sự cố, cái thở phào nhẹ nhõm khi giải quyết được vấn đề, hay chỉ là tiếng cười giòn giã đầy hứng khởi của anh em chuẩn bị vào ca cũng đủ trở thành ý thơ cho anh sáng tác nên những khúc ca tràn đầy tình yêu, niềm hy vọng mà người công nhân dầu khí ngày ngày vẫn cất tiếng ngâm nga.

Chia tay sông Trẹm, sông Cái Tàu, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau và U Minh Hạ “bừng sáng” đến “ngỡ ngàng”… chúng tôi chờ đợi và hy vọng những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, con người, về Dầu khí của nghệ sĩ Đặng Quốc Hưng vẫn cứ “thầm lặng” ra đời, tô điểm thêm cho thành phố nơi Đất Mũi, cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Nguyên Phương

 

DMCA.com Protection Status