Có một khu “Vườn kỷ niệm”

08:00 | 19/11/2014

2,278 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 21/11 tới đây, nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2014), tại “Vườn kỷ niệm” được xây dựng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ làm lễ khánh thành bức tượng của bác Sáu Dân.

Năng lượng Mới số 375

Đong đầy kỷ niệm

Tôi hỏi anh Đặng Hồng Sơn, Chánh văn phòng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, sao khu vườn lại có tên là “Vườn kỷ niệm”. Anh Sơn nói đại ý rằng, phải qua rất nhiều trăn trở, suy nghĩ, bàn thảo, lãnh đạo công ty mới đi đến quyết định đặt tên nơi dựng bức tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là “Vườn kỷ niệm”.

Cái tên ấy vừa dân dã gần gũi, vừa hợp với tính cách phóng khoáng của bác Sáu Dân. Đây còn là nơi lưu lại kỷ niệm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm công ty, thăm nhà máy. Khu vườn sẽ rợp mát bóng cây “kỷ niệm”. Chỉ tiếc rằng khi nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động, bác Sáu Dân - người đặt những “viên đá” đầu tiên cho sự ra đời của nhà máy này không còn nữa, công ty thiệt thòi vì không có bóng cây “kỷ niệm” của bác. Nên chúng tôi quyết định dựng tượng bác tại khu vườn, đây vừa là sự tri ân, vừa lưu lại những kỷ niệm không bao giờ quên không chỉ cho thế hệ cán bộ, công nhân viên của công ty hôm nay, mà cả với các thế hệ mai sau…

Tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại khu “Vườn kỷ niệm” Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Quả là không có gì ý nghĩa và thích hợp hơn, ngay tại khuôn viên nhà máy, nơi cách đây hơn 20 năm trước còn là bãi cát trắng mênh mông. Khi mà những người dù có đầu óc lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú đến đâu, cũng không thể nghĩ tại đây sẽ có một nhà máy lọc dầu hiện đại như hiện nay. Mấy ai biết được, ngay tại thời điểm ấy đau đáu trong tâm tưởng của vị Thủ tướng “vì dân” một quyết tâm sắt đá, để rồi cho ra đời một quyết định lịch sử, đặt nền móng cho ngành công nghiệp hóa dầu non trẻ của Tổ quốc. Dấu chân ông mòn trên bãi cát, mái đầu ông sợi bạc thêm dầy, nung nấu thêm quyết tâm cho ông khi đã lắng nghe những ý kiến phản biện… Để rồi sau đó, bằng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, ông dũng cảm quyết định cho xây dựng nhà máy lọc dầu tại đây. Dung Quất được chọn, được đầu tư xây dựng đã tạo ra đòn bẩy cho nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân miền Trung thoát nghèo. Tượng ông được dựng tại đây, ngoài sự tri ân, còn để nhắc nhở mọi người noi theo tấm gương dũng cảm của ông để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với công việc, với nhà máy, với công ty…

Phong cách Võ Văn Kiệt

Gặp nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ngay tại “công trường” dựng tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vẫn phong cách “bụi bụi”, đầu trần, quần áo lấm láp, râu tóc bạc phơ, tiếng cười phóng khoáng. Ông kể, từ lúc “nhận đơn đặt hàng”, đến lúc hoàn thành ông phải mất đúng 14 tháng. Ông bảo, đời ông đã dựng nhiều bức tượng; nhưng với ông đây là bức tượng ông giành nhiều thời gian để suy nghĩ, phác thảo nhiều lần mới đi đến quyết định cuối cùng.

Ông cười sảng khoái mà rằng, đây là bức tượng ông ưng ý nhất, tâm huyết nhất. Ưng ý, bởi bức tượng đã lột tả đúng phong cách Võ Văn Kiệt, phong cách của nhà kiến trúc mở đường tài ba đã hạ bút “xuống chiếu” cấp giấy khai sinh và nơi “cư trú” của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bức tượng được tạc nổi trên đá cẩm thạch nguyên khối, xung quanh ông là nước, ông hiện ra từ nước, mắt nhìn thẳng vào cuộc đời, vầng trán rộng đầy ưu tư, cặp môi đậm chất Nam Bộ. Nhìn vào bức tượng ta như thấy ông đang bước những bước đi vững chãi trước sóng gió, chiếc cà vạt tung lên trước gió.

Ông Hạng bảo: “Tôi chỉ là nhà điêu khắc song tôi rất cảm phục cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Dù khi ông còn ở một trong những vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước, hay đã về hưu, ở ông vẫn luôn toát lên sự nhất quán của một phong cách, một bản lĩnh của người tâm sáng, tầm cao. Tôi đã đọc lá thư ngỏ ông gửi Quốc hội, việc ông khẳng định với Quốc hội: “…Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu bây giờ, trước những diễn biến của tình hình, Quốc hội phân tích và kết luận việc lựa chọn đó là sai thì người nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm đó phải chính là tôi - Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ…”.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng bên tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Đấy là nhân cách lớn của một trái tim lớn không ngừng suy tư và cống hiến, với một mục đích duy nhất là lợi ích của dân tộc, là đời sống của nhân dân. Kính trọng ông, tôi muốn tác phẩm của mình phải toát lên được nhân cách ấy một cách đầy đủ nhất. Tôi muốn gửi gắm vào đây sự kính trọng của không chỉ riêng tôi, mà của tất cả chúng ta đối với ông. Tôi muốn dành không chỉ cho thế hệ hôm nay, mà cả thế hệ mai sau khi chỉ biết Võ Văn Kiệt qua sách vở một hình ảnh nhân bản, nhân văn, một sức sống mãnh liệt, một sức mạnh sáng tạo để phấn đấu, noi theo”.

Công trình văn hóa dầu khí

Đây là một công trình văn hóa với đầy đủ ý nghĩa của nó. Song, theo tôi ngoài ý nghĩa trên “Vườn kỷ niệm” còn chứa đựng trong đó một ý nghĩa giáo dục sâu sắc, một động lực tinh thần vô giá thôi thúc và tiếp thêm nghị lực cho những người đang công tác tại đây vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Một công trình của Văn hóa Dầu khí.

Biết ơn bác Sáu Dân, học tập và làm theo phong cách Võ Văn Kiệt là sự mong mỏi của cán bộ, công nhân viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Hằng ngày đi làm qua đây, dù ở cương vị nào, mỗi người trong nhà máy, trong công ty như được gặp lại vị Thủ tướng đáng kính, để được nghe ông chỉ bảo, để hoàn thiện bản thân mình. Để rồi từ đó tôi luyện thêm bản lĩnh, rèn luyện thêm phẩm chất, học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu đổi mới và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp lọc hóa dầu.

“Vườn kỷ niệm” được xây dựng, tượng bác Sáu Dân được dựng trong dịp kỷ niệm 94 ngày sinh của ông tại khuôn viên Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn là tấm lòng của không chỉ của 1.500 cán bộ, công nhân viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, mà còn là tấm lòng của tập thể người lao động dầu khí. Tôi làm người chắp bút ghi lại những tình cảm này như một nén tâm hương kính cẩn dâng lên bác Sáu Dân, người cộng sản mẫu mực trung kiên, một tấm gương lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm lẽ sống. “Một tổng công trình sư” của các dự án có tính bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới của dân tộc.

Xin được cảm ơn nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã dồn công sức, tài năng của mình cho ra đời tác phẩm vô cùng ý nghĩa này. Xin ghi nhận sự sáng tạo và tấm lòng của ban lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn về khu “Vườn kỷ niệm” vô giá này.

Sẽ là khách sáo nếu chỉ nói như vậy. Xin được làm người giới thiệu bằng những lời mộc mạc trên đây, hãy tìm về khu “Vườn kỷ niệm” ở nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, để được chiêm ngưỡng chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đáng kính. Về đây để được tắm mình trong không khí lao động thầm lặng của những người đang ngày đêm sản xuất ra nguồn năng lượng cho đất nước. Để tự soi lại và hoàn thiện bản thân mình trước một nhân cách lớn, nhân cách Võ Văn Kiệt.

Đặng Trung Hội

 

DMCA.com Protection Status