Kỷ niệm 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 5 năm Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:

Kỷ niệm sâu sắc của người thư ký già với Thượng tướng Đinh Đức Thiện

20:58 | 21/12/2014

10,904 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cho đến hôm nay, ký ức của ông Đỗ Ngọc Ngạn, nguyên Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương Tổng cục Dầu khí; người thư ký mẫn cán, tận tụy của Thượng tướng Đinh Đức Thiện, nguyên Bộ trưởng phụ trách Dầu khí vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm về một thời đi tìm lửa. Chứng kiến sự lớn mạnh của ngành công nghiệp dầu khí nước nhà hôm nay, ông xúc động và tin rằng: Bất kỳ giai đoạn nào, phẩm chất của người lính dầu khí sẽ không ngừng phát huy, vượt qua mọi khó khăn, tiến lên phía trước.

 

Từ con đường xăng dầu huyền thoại

 

Người thư ký già của tướng Thiện nay đã 85 tuổi, hiện đang sống vui, khỏe ở thành phố Vũng Tàu. Hôm ông ra Hà Nội thăm con cháu, có dịp gặp ông, chúng tôi rất ấn tượng trước một ông già có đôi mắt sáng, vóc dáng cao lớn, giọng nói sang sảng đúng “chất lính”. Tôi thật bất ngờ về trí nhớ của ông khi ông bảo tôi nhắc tên một bài thơ bất kỳ trong tập “Ông tướng nóng làm thơ” của tướng Thiện để ông đọc lại. Tôi chọn bài dài nhất có tên “Tạc Tượng” (gồm 4 khổ, 30 câu), ông Ngạn đọc vanh vách. Khi được nói về những đóng góp của mình, ông Ngạn cười lớn rồi nói: “Công lao mỏng nhẹ cánh chuồn/ Ví như giọt nước góp nguồn mà thôi”.

Trước lúc bén duyên, gắn bó với ngành Dầu khí, một biến cố suýt đẩy ông vào tăm tối, một nỗi oan trong cuộc cải cách ruộng đất. Khi đang công tác ở Tổng cục Xăng dầu Quân đội, gia đình ông bị quy kết với tội “phản động”, anh trai ông ở quê bị đấu tố phải nhận cái chết oan nghiệt. Biết tin, ông gần như suy sụp, đau lòng phải rời khỏi quân đội với lý do “cần làm trong sạch hóa quân đội”. Hôm ông lặng lẽ rời quân ngũ về quê mẹ ở Thanh Hóa, đi được nửa đường thì có người của đơn vị cấp tốc yêu cầu ông quay trở lại. Đó là lúc gia đình ông được minh oan.

ky niem sau sac cua nguoi thu ky gia voi thuong tuong dinh duc thien

Ông Đỗ Ngọc Ngạn

Gạt nỗi đau, ông Ngạn quay trở lại tiếp tục phục vụ cho quân đội. Đầu năm 1956, ông cùng hơn 20 sĩ quan ra Hà Nội học lớp xăng dầu. Sau một thời gian được cử làm cố vấn xăng dầu giúp nước bạn Lào, năm 1961, đơn vị lại tiếp tục cử ông sang Liên Xô học về chuyên ngành vận tải xăng dầu. Năm 1964, ông về nước công tác tại Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần. Tướng Đinh Đức Thiện lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần. Trên cương vị của mình, ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng con đường chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh, mang mật danh 559, chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.

Để hiểu hơn về nhiệm vụ lịch sử này, tôi tìm gặp một “đàn em” nhiều năm gắn bó với ông Ngạn đó là ông Dương Quốc Hà, từng trực tiếp thi công đường ống (ông Hà về sau cũng làm thư ký cho tướng Ngạn). Ông Hà nhớ lại: Vào một chiều cuối Đông năm 1968, có một sĩ quan quân đội đến Khoa Điện, Trường đại học Bách Khoa, Hà Nội tuyển khoảng 10 sinh viên xuất sắc đi thực hiện nhiệm vụ, trong đó có ông Hà. Vì là nhiệm vụ bí mật nên không ai dám hỏi, chỉ biết có lệnh là lên đường với một tinh thần phơi phới. Sau khi tập kết tại một vùng quê hẻo lánh, mấy ngày đầu huấn luyện, ông Hà được học cách lắp ghép các đoạn ống thép dài 6m, nặng chừng 30kg vào với nhau qua một zoăng cao su. Dần dần lại học cách vận hành, bơm hút, rồi đấu nối điện… Mãi về sau này, ông Hà cùng bạn bè mới biết đang được huấn luyện một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa sống còn trong cuộc chiến. Đó là làm đường ống để đưa xăng dầu từ biên giới phía Bắc vào chiến trường miền Nam.

Sau 3 tháng huấn luyện, khoảng tháng 6/1968, đoàn của ông lại được cử vào khu vực Truông Bồn. Đây là nhiệm vụ mang bí số X42, bằng mọi cách phải hoàn thành thi công tại khu vực “tam giác lửa” gồm 3 bến phà Vinh - Linh Cảm - Nam Đàn. Sở dĩ gọi là tam giác lửa, vì lúc này địch đánh quyết liệt suốt ngày đêm gây ách tắc giao thông, để ngăn chặn từ xa nguồn tiếp viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tướng Thiện cho dùng đường ống bơm xăng qua sông Lam, sông La vào Hà Tĩnh. Ý tưởng lập đường ống xăng dầu của ông vào thời điểm đó thật táo bạo, vượt sự hình dung của nhiều người, ngay cả địch cũng không thể ngờ tới. Các đồng chí thủ trưởng Cục Xăng dầu động viên lính trẻ chúng tôi, nói rõ cái khó nhất của công trình này là phải làm ở nơi mà địch đánh phá rất dữ dội nên đòi hỏi người phụ trách công trường, trước hết phải có quyết tâm, có tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, thì mới làm được. Còn về kỹ thuật, đã có hai chuyên gia bạn mới sang, sẽ vào hướng dẫn thi công. Khó khăn nhất là thi công đường ống đoạn vượt sông Lam.

Đêm hôm đó, địch quần thảo thả pháo sáng, bắn phá ác liệt các bến phà xung quanh. Lợi dụng ánh pháo sáng của địch, cán bộ, chiến sĩ, công nhân cùng dân quân vẫn bình tĩnh, bất chấp hy sinh để đến 5 giờ sáng ngày 23/6/1968 thi công xong 500m đường ống vượt sông La. Sau khi tuyến ống X42 vận hành thông suốt một thời gian, một vấn đề hết sức cấp bách nữa là nguồn viện trợ không đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu vật tư, trang thiết bị cho tuyến đường ống này. Gay go nhất là thiếu máy bơm. Đồng chí Đinh Đức Thiện chỉ thị phải đưa đường ống vượt qua Trường Sơn nếu không thì không thể thắng được.

Ông Hà còn nhớ một buổi dự họp giao ban, tướng Thiện ra quyết sách: “Thiếu ống phải làm ra ống. Thiếu máy bơm phải học cách làm ra máy bơm. Không thể ngồi chờ nguồn viện trợ”. Sau một thời gian, bằng phương pháp thủ công và cơ khí, anh em đã sản xuất được một chiếc máy bơm đầu tiên theo đúng mẫu của Liên Xô, và đặt tên là bơm Trường Sơn. Nghe kể, Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả, do Anh hùng lao động Nguyễn Văn Sên đã có công đầu trong việc nghiên cứu, sản xuất ra những chiếc bơm này.

Việc thi công tuyến ống trên đường 12 qua đèo Mụ Giạ, phải khắc phục nhiều khó khăn. Sau khi chúng tôi lắp xong ống, bơm thử thì không đẩy nước qua đỉnh đèo Mụ Giạ được. Anh em kỹ thuật phải nghiên cứu tính toán lại, đặt hai bơm đẩy nối tiếp ở đầu nguồn, thay đổi ác van điều chỉnh áp suất, và các thông số kỹ thuật vận hành, phải thử đi, thử lại mãi cuối cùng mới bơm được nước lên đèo.

Chúng tôi đang tiếp tục bơm thử nghiệm thì cuối tháng 12/1968, quân Mỹ dùng B52, ném bom rải thảm từ phía đông sang phía tây khu vực 050, phá hoại nhiều đoạn ống. Ban đêm, khắc phục xong thì ngày hôm sau, chúng lại đánh phá… Chúng tôi loay hoay mất một thời gian dài, rồi mới tìm được đường tránh sang phía đông. Sau biết bao hy sinh vất vả, cuối cùng đúng giao thừa xuân Kỷ Dậu (1969), xăng vào đầy kho Nà Tông và được cấp phát kịp thời cho xe Đoàn 559, chở hàng ngay ban ngày trong ba ngày tết…

Bài học lớn từ ông tướng nóng

Ông Ngạn từng 4 lần bị cách chức, trong đó có lần vào Quảng Bình tuyển quân mở tuyến đường phía đông Trường Sơn nhưng thiếu chỉ tiêu được giao. “Tờ giấy cách chức” mà tướng Thiện phê trong nửa phút được lấy từ… vỏ bao thuốc lá, vỏn vẹn mấy chữ: Cách chức Vụ trưởng Đỗ Ngọc Ngạn - dưới có chữ ký Đinh Đức Thiện. Ấy thế mà khi nguôi giận, tướng Thiện lại bảo: “Sao chú mày không buồn khi bị đuổi?”. Tôi đáp luôn: “Bao năm em được anh cất nhắc, em đón nhận một cách bình thường, nay không được việc bị anh đuổi thì cũng bình thường chấp nhận”. Trước thái độ bất cần của lính, tướng Thiện lại càng cáu, lại đuổi nhưng chỉ đuổi cho khuất mắt lúc đó. Ông nóng tính nhưng thương quân ghê lắm. Hồi còn đánh giặc với bộn bề công việc nhưng ông hay để ý đến những việc rất nhỏ. Tôi còn nhớ có lần, ông dặn chị em quân nhân dùng hoa bưởi gội đầu sẽ vừa thơm, vừa mượt tóc. Rồi ông bảo mấy anh tài xế phải luôn mang theo mấy phích nước sôi dùng để ăn uống lúc đói..”.

Sát cánh cùng tướng Thiện nhiều năm, ông Ngạn kể tướng Thiện rất mê thơ. Sau bộn bề lo toan, kế sách đánh giặc cũng có những phút lặng ông thả hồn vào thơ như là cách giải tỏa, giúp tinh thần được thư thái. Tướng Thiện còn khéo vận dụng thơ vào đời thường thật sinh động, đôi khi dành tặng bạn bè thân hữu, đôi khi lại chứng kiến sự đời mà buông thơ… vừa vui, vừa sâu sắc. Ít ai biết, ông Ngạn chính là người nhiều năm sưu tầm lại thơ của tướng Thiện thành tập thơ hơn 30 bài, có tựa đề “Ông tướng nóng làm thơ” do nhà thơ Tố Hữu đặt.

Về dầu khí làm kinh tế

Sau khi hòa bình lập lại, cuối năm 1975, tướng Đinh Đức Thiện được cử sang làm “tướng kinh tế”, trực tiếp chỉ huy xây dựng ngành Dầu khí. Ông Ngạn hồ hởi kể tiếp, sau bữa cơm thân mật tại Hội nghị tổng kết của ngành xăng dầu phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Thiện ra vỗ vai  người học trò cũ là Đại tá Phan Tử Quang (sau là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí) nói rằng: “Chúng ta đánh nhau thế là đủ rồi, các cậu sang dầu khí làm kinh tế phục vụ đất nước với tớ. Còn cậu Ngạn nữa, cậu “kéo” nốt sang cho tớ”. Mặc dù còn đang rất tâm huyết với ngành xăng dầu quân đội nhưng ông Ngạn chẳng mảy may suy nghĩ,  quyết định theo tướng Thiện và làm thư ký đắc lực cho ông. “Bản thân tôi đang quen với công tác xăng dầu bên quân đội đã 30 năm, không hình dung được sang “dầu khí” làm được mô tê gì không. Nhưng bây giờ ngẫm lại mới thấy mình “chậm nghĩ” quá. Có anh Thiện mà còn lo xa. Tôi là người quá may mắn khi được tướng Thiện tin tưởng nhận mình về giúp sức”, ông Ngạn tâm sự.

ky niem sau sac cua nguoi thu ky gia voi thuong tuong dinh duc thien

Bộ trưởng Đinh Đức Thiện thị sát Vũng Tàu trước khi quyết định đặt căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp tại đây

Thời kỳ này, dầu khí là lĩnh vực hết sức mới mẻ, ngoài một số liên đoàn Địa vật lý, địa chất... có sẵn trước đó, hình hài của một nền công nghiệp dầu khí thật hiếm ai hình dung ra nổi, đúng hơn nó là con số 0. “Tài sản” lớn nhất có lẽ là tinh thần của những người lính. Ông Ngạn tỏ vẻ thán phục: “Chúng tôi phục cụ Thiện lắm. Phải nói rằng tướng Thiện có tầm nhìn rất xa, mọi vấn đề được đều được phản biện lại một cách tỉ mỉ rồi đúc kết lại để dặn dò chúng tôi phải quyết tâm học tập tinh thần của nước bạn xây dựng bằng được nền dầu khí cho nước nhà theo chủ trương hiện đại và chất lượng. Chất lượng chính là con người”. Nhưng Tướng Đinh Đức Thiện không bao giờ kể về mình, mà ông luôn tự hào là có được đội ngũ giúp việc rất giỏi, có ý chí mãnh liệt trong xây dựng và phát triển ngành Dầu khí. 

Có thể nói tướng Đinh Đức Thiện có tài thao lược và tầm nhìn rất lớn. Có lần ông tâm sự với ông Ngạn, phải kéo anh bạn Liên Xô về, tôi tin họ sẽ giúp được mình. Phía Liên Xô cho rằng, tiềm năng dầu khí Việt Nam thấp, trong khi nước bạn còn nghèo, không có nguồn vốn để đầu tư vào Việt Nam.

Sáng hôm sau, 4 giờ, ông ra sân bay vào Sài Gòn, chỉ thị anh em dầu khí Việt Nam cung cấp toàn bộ tài liệu cho các chuyên gia Liên Xô, đưa họ ra vùng biển Vũng Tàu và đảo Phú Quốc để họ đánh giá đúng tiềm năng dầu khí của Việt Nam. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp, sau một tuần nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế, đoàn đã thống nhất bằng văn bản: Tiềm năng khai thác dầu khí tại Việt Nam là rất khả quan để Chính phủ Liên Xô tiếp tục thực hiện đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Vậy là thành công mới chỉ bắt đầu trên “bàn giấy”, nhưng việc bắt tay vào triển khai xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực mới thực sự là điều đáng khâm phục.

Ông Ngạn bảo, tướng Đinh Đức Thiện chính là cây đại thụ đặt nền móng cho ngành Dầu khí, có công lớn trong thành lập nên Liên doanh Vietsopetro. Sau khi địa điểm được chọn lựa, lúc này ông Ngạn trên cương vị Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương trực tiếp được tướng Thiện giao nhiệm vụ tuyển người về làm dầu khí. Đây là một nhiệm vụ lớn phải thực hiện một cách gấp rút. Ông Ngạn kể, tướng Thiện luôn đề cao, trân trọng đội ngũ trí thức. Nhiều lần ông còn trực tiếp đi tuyển dụng để sàng lọc và quyết không để lọt “tri thức rởm” vào một ngành đòi hỏi chất xám cao như dầu khí. Quan điểm sáng suốt của tướng Thiện là phải lấy lực lượng quân đội làm nòng cốt. Tối thiểu cũng phải là những người vụ từ cấp thiếu tá, chỉ huy từ trung đoàn trở lên để làm bộ khung lãnh đạo, chỉ huy cho các đơn vị, xí nghiệp ngành Dầu khí.

Ban đầu, không ai nghĩ nổi địa điểm được chọn xây dựng cảng dầu khí của tướng Thiện là một rừng sú vẹt và đầm lầy rộng mênh mông (nay là khu Đại An, Bến Đình - Vũng Tàu). Tướng Thiện đã yêu cầu Bộ Quốc phòng trợ giúp. Thế là một cuộc tuyển quân rầm rộ lập tức được thực hiện. Cả Sư đoàn 318 thuộc Quân khu 4 ở Nghệ An được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để giải phóng bãi sú vẹt, xây dựng căn cứ dầu khí. Sư đoàn 336 đang làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào cũng được lệnh chuyển về.

Dầu khí cũng là ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, ông Ngạn phải đi khắp từ Bắc chí Nam để tìm những kỹ sư giỏi nhất ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Xây dựng, địa chất, vật lý; thợ cơ khí, thợ điện, lái xe… phần đông là những người từng được rèn luyện trong quân ngũ. Đồng thời tuyển chọn trong cán bộ, học sinh có đủ trình độ, cử đi đào tạo kỹ thuật dầu khí tại Liên Xô. Năm 1981, Vũng Tàu ví như điểm đến trong cuộc chuyển binh rầm rộ của hàng vạn con người. Đến cuối năm 1983, bãi sú vẹt đã được dọn sạch, một phần của cảng cũng đã hoàn tất việc san lấp mặt bằng.

Thời kỳ đầu, đời sống công nhân Dầu khí còn rất khó khăn. Theo ông Ngạn, tâm lý nhiều anh em hay so sánh chế độ đãi ngộ bên quân đội thường tốt hơn các ngành khác. Hơn nữa, nhiều chế độ cũng chưa rõ ràng. Bởi thế, Tổng cục Dầu khí quyết định thành lập các trang trại chăn nuôi. Bộ trưởng Đinh Đức Thiện luôn lưu ý nhận về những cán bộ quân nhu giỏi của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về phụ trách trồng trọt, chăn nuôi. Ngành Dầu khí mở được hai nông trường: Một nông trường trồng sắn và trại nuôi lợn ở Trị An (Đồng Nai), một nông trường trồng lúa ở Phụng Hiệp (Cần Thơ), một trại bò ở Phú Mỹ (Vũng Tàu).

Tuy nhiên, về lâu dài vẫn là vấn đề tiền lương, chính sách cho CBCNV để người lao động ngành dầu khí yên tâm gắn bó với công việc. Nhiều lần Tổng cục Dầu khí đề nghị nâng lương của CBCNV ngành Dầu khí cao hơn mức quy định (khoảng 24 nghìn đồng). Các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đồng ý. Tuy nhiên, để đàm phán với chuyên gia Liên Xô không hề đơn giản. Cuối cùng mức lương cho CBCNV dầu khí được chấp thuận, nâng thêm 12 lần. Những năm sau đó, ông Ngạn tiếp tục cống hiến và hạnh phúc chứng kiến nhiều thành tựu vượt bậc của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro nói riêng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung.

Lời nhắn nhủ chân tình

Nhìn lại sự nghiệp 20 năm công tác trong ngành xăng dầu quân đội, 16 năm công tác trong ngành Dầu khí (1975-1991), ông Ngạn không khỏi bùi ngùi xúc động: “Gần 40 năm trước, phẩm chất người lính Cụ Hồ đã thôi thúc tôi và hàng vạn người lính tình nguyện về góp sức xây dựng dầu khí. Bây giờ đã trở thành một Tập đoàn vững mạnh, đóng góp hàng đầu cho đất nước. Qua những thông tin ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh khai thác tại nhiều nước trên thế giới, dành hàng trăm tỉ đồng làm an sinh xã hội khắp đất nước… tôi mừng lắm. Nay chỉ xin nhắn nhủ vài điều, bản lĩnh của người lính năm xưa chính là tiền đề làm nên Văn hóa Dầu khí. Bởi vậy chúng ta cần phải gìn giữ, duy trì nó, không thì ngược lại, chính nó làm hỏng đi cái giá trị quý báu vốn có. Đời sống tinh thần, vật chất của CBCNV dầu khí bây giờ cải thiện rất nhiều. Tôi cũng biết còn có không ít bộ phận cán bộ “cậy” mình đời sống cao, đâm ra lãng phí, sa đà vào những chuyện không hay. Vì thế văn hóa là điều hết sức quan trọng, không thể đánh mất nó. Mong rằng, thế hệ hôm nay, đặc biệt là những “Anh bộ đội Dầu khí” tiếp tục là tấm gương sáng để mọi người noi theo, xứng đáng là tổ chức có vai trò quan trọng, góp phần đưa ngành dầu khí phát triển phồn vinh và bền vững.

Ghi chép của Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới số 384

DMCA.com Protection Status