Ghi ở “cái nôi” dầu khí

07:00 | 23/05/2015

3,072 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi “biết” Baku từ những năm 1984-1986. Số là hồi ấy, tôi đi công tác ở Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và thấy ở đây có một con đường tên là đường Baku. Ngày ấy, thị xã Vũng Tàu nhỏ bé lắm, cho nên việc có một con đường chạy dài ở giữa thị xã cũng được coi là một con đường đẹp.

Năng lượng Mới số 423

Một lần, vào làm việc ở trong Liên doanh Vietsovpetro tôi hỏi về con đường Baku thì được một đồng chí lãnh đạo giải thích rằng, vì ở Liên Xô có nước Cộng hòa Azerbaijan, có thành phố Baku được coi là trung tâm dầu mỏ của Liên Xô. Và Baku có trường dầu khí đã đào tạo cho ta rất nhiều cán bộ dầu khí, trong đó có những người đang là lãnh đạo ở Cục Dầu mỏ khí đốt. Rồi ông kể, từ năm 1959, Bác Hồ đã tới thăm Baku và mong muốn sau này khi Việt Nam thống nhất thì Baku sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp dầu mỏ. Ông cũng cho biết, ở Liên doanh có khá nhiều chuyên gia người Azerbaijan, mà cụ thể là ông Tổng giám đốc Vietsovpetro cũng là người Azerbaijan. Chính vì vậy mà lãnh đạo đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã quyết định chọn một con đường đẹp nhất đặt tên là Baku, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị và biết ơn đối với nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân Azerbaijan nói riêng.

Về sau này tôi được biết, rất nhiều công trình lớn do Liên Xô giúp ta xây dựng đều do các chuyên gia của Azerbaijan giúp. Và không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà Baku còn là cái nôi đào tạo cho chúng ta về hải quân.

Ghi ở “cái nôi” dầu khí

Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh thăm Sangachal Terminal

Thời thế đã thay đổi. Cuộc đời dâu bể khôn lường. Liên bang Xôviết hùng cường thời nào tan rã và một loạt các nước cộng hòa đã ly khai khỏi Liên bang, Azerbaijan cũng là một nước như vậy.

Đầu tháng 5 này, tôi đi cùng đoàn lãnh đạo của Tập đoàn sang Nga để dự lễ đón tấn dầu thứ 10 triệu ở khu mỏ Nhenhetxky, rồi tiếp đó sang Azerbaijan để ký Biên bản hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Azerbaijan (SOCAR), thì tôi mới được biết thêm chút ít về Baku, thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan - một quốc gia Trung Á nhưng gần như nằm giữa châu Á và châu Âu.

Trong chuyến đi công tác lần này thật may mắn cho những người làm báo như tôi là được đi cùng với Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh; Phó tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn; Viện trưởng Viện Dầu khí Phan Ngọc Trung; Chánh kỹ sư Liên doanh Vietsovpetro Trần Văn Vĩnh; Trưởng ban Dự án dầu khí nước ngoài Vũ Văn Nghiêm; Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí Phan Tiến Viễn… Các anh đều là những người học ở Trường đại học Dầu hóa Baku từ những năm còn Liên Xô cũ, bây giờ được trở về nơi đã từng đào tạo mình, nơi có rất nhiều những kỷ niệm với từng con phố, từng ngôi nhà ở đây.

Và điều mà các anh ngạc nhiên nhất, đó là sự thay đổi đến chóng mặt của thành phố Baku. Nếu như cách đây 10 năm Baku còn là một thành phố nghèo, thậm chí nhiều nơi, nhiều chỗ sập sệ, đời sống thấp kém thì bây giờ đã trở thành 1 trong 10 thành phố có cuộc sống về đêm nhộn nhịp nhất thế giới.

Ghi ở “cái nôi” dầu khí

Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Phan Ngọc Trung gặp lại thầy giáo cũ

Quả thật, đi dạo ở Baku vào buổi tối mới thấy rằng, thành phố lộng lẫy đến mức khó tả. Tất cả các tòa nhà đều được trang trí bên ngoài bằng ánh sáng rực rỡ và có cảm tưởng chỗ nào cũng đang diễn ra lễ hội. Nhưng điều nhận thấy rõ nhất là, từ phong cách kiến trúc, đường phố, cây xanh, rồi ánh sáng trang trí trên các tuyến đường, các tòa nhà đều có một sự thống nhất. Nhưng sự thống nhất này được sắp đặt dưới một bàn tay tài hoa chứ hoàn toàn không đơn điệu, gây cảm giác chán mắt. Các tòa nhà ở Baku xây dựng đều mang dáng dấp của ba loại phong cách kiến trúc, đó là phong cách kiến trúc Hồi giáo, phong cách kiến trúc châu Âu cổ điển và phong cách kiến trúc hiện đại của châu Á hôm nay.

Có cảm giác rằng Baku đang là nơi “dư thừa” năng lượng? Bởi ánh sáng quá rực rỡ. Mà cũng phải thôi, một đất nước, dân số bằng 1/10 Việt Nam, nhưng lại có sản lượng dầu và khí gấp hơn 3 lần chúng ta, thì thừa điện, thừa chất đốt cũng không ngạc nhiên lắm.

Đường phố Baku thật đẹp, sạch sẽ và hầu như không có một cọng rác vứt ra đường. Ở trong thành phố có một công viên mà quả thật, đây có thể gọi là công viên đẹp nhất thế giới cũng không có gì là quá lời, điểm đặc biệt của công viên này là không có sự ồn ào, náo nhiệt, xô bồ, mọi sự trang trí ở đây từ cây cối đến ghế đá đều thể hiện một sự tinh tế, có thẩm mỹ cao. Phục vụ thì cực kỳ chu đáo, ngày thường công viên khá vắng người đến chơi, nhưng dù chỉ có một người mua vé thì chiếc đu quay lớn nhất vẫn phải mở để phục vụ.

Lại nói chuyện phục vụ, có lẽ sân bay ở thủ đô Baku có phong cách phục vụ cũng vào loại độc đáo nhất thế giới. Ấy là, nếu hành khách đi vé hạng C thì khi xuống máy bay sẽ được làm thủ tục nhập cảnh ở một cửa riêng và đưa thẻ lấy hành lý cho nhân viên, rồi nhân viên phục vụ nhà ga sẽ lấy hành lý chở ra tận ôtô cho khách.

Trong những ngày này, thành phố Baku như một công trường đang chạy hết tốc lực, bởi lẽ chỉ còn ít tháng nữa là Baku sẽ tổ chức đăng cai “Thế vận hội Mùa hè 2016”. Chính vì vậy mà chính quyền đang gấp rút tạo cho Baku một bộ mặt thật đẹp đẽ và mến khách.

Trong các buổi làm việc của lãnh đạo Petrovietnam với các cơ quan chuyên môn của SOCAR, ở đâu tôi cũng thấy những nụ cười ấm áp, những cú đấm vào vai nhau thân tình, những nụ cười rạng rỡ và ánh mắt trìu mến. Điều này cũng phải thôi, bởi vì nhiều người làm việc ở SOCAR là bạn học của anh em trong đoàn, thậm chí có những người trước đây từng là thầy. Quả là một sự thân tình, một tình cảm thân thiết, gặp nhau đúng nghĩa bạn bè, thầy trò lâu ngày được gặp lại.

Ghi ở “cái nôi” dầu khí

Một góc thành phố Baku

Trong những cuộc thảo luận bàn về các hướng hợp tác tới đây, tôi có cảm giác rằng, hình như không có gì có thể gây trở ngại cho sự hợp tác của hai bên. Và quả thật, với những tình cảm của mọi người mà tôi được chứng kiến thì thấy, nếu không hợp tác được với nhau mới chuyện lạ. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là, trong hợp tác làm ăn, người ta có thể vì chữ “tình” mà bỏ qua chữ “lý”. Nhưng dù sao, có được chữ “tình” để đi đến chữ “lý” bao giờ cũng ngắn hơn và dễ hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Azerbaijan là một sự kiện lớn. Bởi lẽ, sau 59 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Azerbaijan thì đến nay mới có một nguyên thủ Việt Nam đến thăm đất nước bên bờ biển Caspi này. Sau các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Azerbaijan, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có một cuộc gặp gỡ với một số chuyên gia, mà trong đó chủ yếu là các chuyên gia về dầu khí, có một số chuyên gia là hải quân đã từng đóng quân tại Quân cảng Cam Ranh.

Buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước với những người đã từng sang giúp đỡ Việt Nam trong những năm trước đây thật cảm động, họ đã từng công tác tại Việt Nam có nhiều người làm việc tới 20 năm. Và khi nhắc đến những kỷ niệm với công nhân Việt Nam thì ông rơm rớm nước mắt. Có người là thầy giáo cũng đã từng sang Việt Nam và ông là người đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam về dầu khí và ông rất tự hào rằng, sinh viên Việt Nam ở Trường đại học Dầu hóa Baku là những người học giỏi nhất trong số những sinh viên ở đây. Không những học giỏi mà họ lại còn rất thân thiện với mọi người. Có chuyên gia thì kể lại chuyện, ngày xưa ông đã từng làm việc ở giàn khoan trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ và các chuyên gia đã cùng với anh em công nhân người Việt vượt qua những khó khăn đó ra sao.

Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Việt kiều ở Baku và các sinh viên Việt Nam đang theo học ở đây cũng thật cảm động.

Ở Baku có 3 gia đình người Việt, trong đó có một anh tên là Hòa, đã từng lưu lạc ở Nga, Azerbaijan… 36 năm. Anh đi lao động chui từ khi còn nhỏ và sau mất sạch giấy tờ nên quên mất cả quê quán… Anh lấy cô vợ xinh như hoa hậu người Azerbaijan, có một cô con gái cũng xinh như mẹ. Và chỉ mới đây thôi, anh đã tìm lại được gốc gác của mình. Mặc dù số lượng Việt kiều rất ít, nhưng bà con bên này cùng các sinh viên Việt Nam rất biết đùm bọc, che chở cho nhau và tìm mọi cách để quảng bá văn hóa Việt Nam tại đây. Trong 34 sinh viên học ở Baku, thì riêng dầu khí đã có 29 em. Và hầu hết các em đều học rất giỏi, có ý thức vươn lên và một điều mà các em rất tự hào, đó là trong trường, các thầy hay nhắc đến những sinh viên Việt Nam của trường năm xưa, sau là những người lãnh đạo chủ chốt của Petrovietnam qua các thời kỳ như bác Trần Lê Đông, bác Nguyễn Giao, rối như anh Trần Ngọc Cảnh, Phùng Đình Thực… và nhiều các bác, các anh khác. Còn thế hệ hôm nay thì có Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn, Viện trưởng Viện Dầu khí Phan Ngọc Trung và các anh đang lãnh đạo một số ban, đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Cũng phải nói thêm là Trường đại học Dầu hóa Baku là trường đào tạo về dầu khí danh tiếng nhất châu Âu. Trường đã có lịch sử hơn 100 năm và đào tạo kỹ sư cho khâu đầu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác rất giỏi.

Azerbaijan là một trong những nơi khai thác dầu mỏ sớm nhất thế giới. Quốc gia phía nam vùng Kavkaz này có tiềm năng rất lớn về dầu khí và có một lịch sử dài lâu với kinh nghiệm phong phú trong khai thác và sản xuất dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, các chất hóa dầu…

Ghi ở “cái nôi” dầu khí

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn thăm thầy giáo cũ

Từ thế kỷ thứ VIII, người Baku đã biết đốt đất thấm dầu để sưởi ấm, do thiếu củi. Chỉ trong vòng khoảng 100 năm sau đó, người Baku đã xuất khẩu dầu mỏ sang các nước Iran, Iraq và Ấn Độ do dầu mỏ của họ rất được các nước này ưa chuộng. Người Baku lúc đó chưa biết khoan dầu, các mỏ dầu lộ thiên của họ rất sẵn, họ chỉ việc múc dầu rỉ ra từ lòng đất và cho vào túi đựng, rồi dùng thú thồ hàng chở đi các nơi. Dầu mỏ không chỉ được sử dụng làm chất đốt mà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Khi dầu lộ thiên ngày càng khan hiếm thì người Baku bắt đầu đào giếng sâu xuống lòng đất, dùng vải thấm lấy dầu rồi đem lên mặt đất ép cho dầu chảy ra. Người ta phát hiện một bia đá đề năm 1594 tại một giếng dầu đào bằng tay sâu 35m ở Baku. Như vậy có thể thấy các giếng dầu ở Baku ít ra phải có từ năm 1594.

Đến cuối thế kỷ XIX, công nghiệp dầu mỏ ở Baku đã rất phát triển, các công nghệ hiện đại đã được áp dụng, họ xây dựng nhiều nhà máy chế xuất, hệ thống đường ống dẫn dầu tới các nhà máy nằm ở xa khu khai thác dầu và thậm chí đóng cả các tàu chở dầu để chở dầu vượt biển sang các thị trường có nhu cầu lớn nhưng ở xa.

Vào năm 1941, Azerbaijan cung cấp tới hơn 70% tổng sản lượng dầu mỏ của Liên Xô. Nguồn năng lượng dồi dào từ Azerbaijan đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng chung của toàn Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít Đức. Hiện Azerbaijan là nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 3 thuộc Liên Xô cũ, sau Nga và Kazakhstan, với trữ lượng dầu được xác minh ước tính lên tới 7 tỉ thùng. Khai thác, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là trung tâm tăng trưởng kinh tế của Azerbaijan.

SOCAR được coi là một trong các công ty lớn nhất trên thế giới hiện nay. Theo số liệu của SOCAR, hãng này có tới hơn 65.000 nhân viên, bao gồm 1/3 là kỹ sư, kỹ thuật viên và chuyên gia. SOCAR tham gia toàn diện vào tất cả các mặt của ngành dầu mỏ từ thăm dò, xây dựng mỏ dầu khí, tinh luyện, ngưng tụ, đến vận tải dầu khí, sản xuất và bán các sản phẩm hóa dầu…

Sáng ngày 15/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Sangachal Terminal một cơ sở trung chuyển dầu khí thuộc loại lớn nhất thế giới của Azerbaijan.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo nơi đây, thì đây là nơi dẫn dầu từ Baku, thủ đô nước Azerbaijan, đến Ceyhan, cảng biển lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua Gruzia, với tổng kinh phí hơn 4 tỉ USD. Trong các sơ đồ vận chuyển dầu thô từ biển Caspi đến Địa Trung Hải, đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan (gọi tắt là BTC) thuộc loại dài nhất và cũng tốn kém nhất. Hệ thống đường ống này hoàn thành vào giữa năm 2006, dài 1.765km bao gồm Azerbaijan (445km), Georgia (245km) và Thổ Nhĩ Kỳ (1.070km). Khi hoạt động hết công suất, vận tốc dòng chảy của dầu thô đạt 2m/giây nhờ các trạm bơm rất mạnh. Và việc vận chuyển 1 thùng dầu thô từ trạm đầu Baku đến trạm cuối Ceyhan phải mất 11 ngày.

Hệ thống đường ống BTC sẽ cung cấp cho  châu Âu 1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với 50 triệu tấn dầu/năm. Từ trước tới giờ, châu Âu được cung cấp dầu từ các nguồn Algeria, Libya và Na Uy. Mỹ cũng vậy, phải cậy nhờ chủ yếu nguồn dầu của các nước Trung Đông. Giờ đây, họ có thêm nguồn dầu khai thác trên biển Caspi. Điều này cũng có nghĩa là họ sẽ ít lệ thuộc vào nguồn dầu Trung Đông và Nga.

Cổ đông lớn nhất dự án này là Công ty Dầu khí BP của Anh (chiếm 30% cổ phần). Với cương vị này, BP chịu trách nhiệm thiết kế và thực hiện dự án BTC. Kế đó, những “tai to mặt lớn trong ngành” là Unocal, Amerada Hess, Conoco Phillips (Mỹ), Eni của Italia và Total của Pháp. Và đương nhiên các công ty của các nước chủ nhà cũng là thành viên như SOCAR (Công ty Quốc doanh Azerbaijan), TPAO (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, còn có Statoil (Na Uy), Intochu và Inpex (Nhật). Tất cả những công ty này đều từng làm ăn chung, khai thác nguồn dầu ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Họ đóng góp 1/3 vốn. Hai phần còn lại thuộc về các ngân hàng Chính phủ Mỹ, Nhật, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (BERD).

Hiện nay, hệ thống đường ống này đã giúp cho thu nhập từ ngành khái thác dầu khí của Azerbaijan có hơn 50 tỉ USD mỗi năm. Chưa đến 10 triệu dân, mà có 50 tỉ USD từ đầu khí, điều đó dễ hiểu là mức sống của người dân Azerbaijan cao đến mức nào.

Tuy vậy, đường ống này cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn bởi phải chạy qua những khu vực  bất ổn vì xung đột sắc tộc. Ví dụ như vấn đề cộng đồng người Armenia ở Azerbaijan và Georgia hay người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. BTC cũng có thể là một nguyên nhân làm bùng nổ chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia vì nó nằm rất gần lằn ranh ngưng bắn giữa hai nước. Armenia từng tuyên bố không đội trời chung với phương Tây, nhất là Mỹ. Hai nước Azerbaijan và Armenia từng có những vụ xung đột vũ trang đẫm máu. Hiện nay dù có hiệp định ngưng bắn, quân đội hai nước thỉnh thoảng vẫn đụng độ nhau. Ngoài ra, trong thời buổi các nhóm Hồi giáo cực đoan dùng các hình thức khủng bố phá hoại như hiện nay, các chiến binh Hồi giáo có thể bắt chước các anh em Iraq phá hủy một đoạn ống nào đó.

Nhưng sự lo ngại đó đã không xảy ra. Hệ thống đường ống vận hành suôn sẻ suốt từ 2006 cho tới nay và đã góp phần quan trọng vào việc vực dậy nền kinh tế của Azerbajan.

Kết thúc chuyến đi, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: “Với tất cả những gì ta và bạn đã có từ nhiều năm nay, chắc chắn tới đây, việc hợp tác giữa Petrovietnam và SOCAR sẽ rất tốt đẹp”.

Vâng, chúng ta mong muốn sớm có một ngày đẹp trời nào đó, những người thợ dầu khí Việt Nam lại được sát cánh bên những người thầy, người bạn của ngành Dầu khí Azerbaijan để cùng nhau phát triển.

Nguyễn Như Phong

 

DMCA.com Protection Status