Rửa tiền - tội phạm kinh tế đáng gờm (Phần 1)

11:00 | 29/01/2019

2,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo ước tính mỗi năm tội phạm rửa tiền thực hiện từ 500-1.000 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và cả an ninh toàn cầu. Phòng chống rửa tiền là vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng tham gia.

Rửa tiền bao gồm một loạt những hành động nhằm che giấu nguồn gốc đồng tiền kiếm được từ các hoạt động bất hợp pháp, như: buôn lậu, buôn bán ma tuý, tham nhũng... Các đối tượng phạm tội thường tìm cách “rửa” những đồng tiền “bẩn” (đồng tiền kiếm được một cách bất hợp pháp) để chuyển sang hợp pháp hóa chúng nhằm tránh khỏi sự nghi ngờ của các cơ quan chức năng về hoạt động phạm tội của mình, đồng thời sử dụng tiền đã được rửa sạch (tiền kiếm được một cách hợp pháp) vào hoạt động đầu tư, kinh doanh được pháp luật thừa nhận.

Tổ chức chống rửa tiền quốc tế (Finance Action Task Force) đã định nghĩa hoạt động của rửa tiền là: Việc giúp đỡ đối tượng phạm pháp lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật; Việc cố ý che giấu nguồn gốc, bản chất, việc cất giấu, di chuyển hay chuyển quyền sở hữu tài sản phạm pháp; Việc cố ý mua, sở hữu hay sử dụng tài sản phạm pháp. Như vậy, hiểu một cách khái quát thì rửa tiền là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.

rua tien toi pham kinh te dang gom phan 1

Tội phạm rửa tiền bị bắt giữ

Những năm 20 của thế kỷ trước, tại Mỹ, buôn bán rượu bị cấm đoán. Các tổ chức tội phạm tham gia vào việc nhập rượu lậu từ các nước vùng Carribe và bán chui (trốn thuế) trên thị trường Mỹ đã thu được những món lợi khổng lồ. Số tiền thu bất chính này đã được giấu trong các thu nhập của các hiệu giặt là và từ đây xuất hiện từ "rửa tiền hay giặt tiền".

Rửa tiền - nguồn đầu tư béo bở của ngân hàng là việc chuyển lợi nhuận thu được từ những hoạt động phạm pháp sang lợi nhuận hợp pháp. Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hằng năm số tiền được bọn tội phạm tẩy rửa khoảng 500 - 1.000 tỉ USD - bằng 2-5% GDP của thế giới, trong đó khoảng 60-70% là tiền mặt. Rửa tiền đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền tài chính của nhiều nước. Do doanh thu mỗi năm của tội phạm tham nhũng, buôn bán ma tuý, buôn lậu vũ khí, mua bán người trên toàn cầu ước lượng lên đến hàng trăm tỉ USD nên các băng nhóm tội phạm này luôn có nhu cầu rửa tiền rất cao. Nhu cầu này đã khiến cho việc rửa tiền trở thành một dịch vụ béo bở cho các ngân hàng.

Việc rửa tiền không những giúp cho các băng nhóm tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động phạm tội tại nhiều quốc gia. Những công ty ma, sòng bạc, nhà hàng, đại lý mua bán xe ô tô, các tập đoàn buôn bán, xuất nhập khẩu...đều là những địa chỉ rửa tiền quen thuộc của tội phạm. Tuy nhiên, địa bàn được đầu tư nhiều nhất vẫn là ngân hàng Thụy Sĩ, với chất lượng dịch vụ tốt và nguyên tắc tôn trọng bí mật khách hàng nổi tiếng vẫn được xem là điểm đến tốt nhất của các ông trùm, của các tổ chức tội phạm quốc tế. Các ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng giao dịch các khoản tiền rất lớn của chúng mà còn vì một khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, nó lập tức trở thành tiền sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn đến bất kỳ đâu, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng.

rua tien toi pham kinh te dang gom phan 1

Ảnh minh họa

Các bước của hoạt động rửa tiền

Thông thường, tiền được "tẩy rửa" qua 3 bước: Nhập tiền bẩn vào hệ thống kinh tế tài chính: Mục đích của bước này là biến đổi hình thái ban đầu của các khoản thu nhập phạm pháp và tách chúng khỏi tổ chức tội phạm nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Một số thủ đoạn phổ biến là chia nhỏ tiền bất chính để gửi vào các ngân hàng nhiều lần để số lượng mỗi lần không đến mức phải khai báo, mua các công cụ tiền tệ hay hàng hóa xa xỉ đắt tiền, chuyển lậu tiền ra nước ngoài...

Quay vòng tiền: Trong giai đoạn này, những kẻ rửa tiền sử dụng tiền "bẩn" để thực hiện càng nhiều giao dịch tài chính càng tốt, đặc biệt là các giao dịch xuyên quốc gia, nhằm tạo ra một mạng lưới giao dịch chằng chịt, phức tạp và khó lần dấu vết. Tiền có thể được chuyển đổi thành chứng khoán, séc du lịch hoặc qua các ngân hàng khác nhau.

Hội nhập tiền đã "rửa" vào hệ thống kinh tế: Dù tiền "bẩn" có được quay vòng qua bao nhiêu giao dịch thì đích đến cuối cùng vẫn là tổ chức tội phạm ban đầu. Một số thủ đoạn tiêu biểu là làm sai lệch hóa đơn trong giao dịch xuất nhập khẩu, chuyển tiền qua một ngân hàng hợp pháp thông qua một ngân hàng trá hình hay công ty ma ở nước ngoài... Sau đó những kẻ rửa tiền sẽ đầu tư tiền này vào các hoạt động kinh tế hợp pháp. Yêu cầu cơ bản để việc rửa tiền được thành công là phải khéo léo xóa được mọi dấu vết giấy tờ giao dịch. Tránh khai báo hải quan, xâm nhập cài người vào hệ thống ngân hàng, trì hoãn cung cấp chứng từ là những thủ đoạn phổ biến giúp bọn tội phạm đạt mục đích này.

Hậu quả của rửa tiền

Việc rửa tiền thành công sẽ giúp cho các hoạt động phạm tội có một khối lượng tiền khổng lồ. Vì vậy, chừng nào một nước còn được coi là nơi lý tưởng an toàn cho hoạt động "rửa tiền" thì khi đó sức lôi cuốn tội phạm và thúc đẩy tham nhũng phát triển. Những hậu quả đối với quốc tế và đầu tư nước ngoài: nước nào là nơi ẩn náu an toàn cho "rửa tiền" và tài trợ cho khủng bố cũng có thể gây ra những bất lợi đáng kể cho sự phát triển của một đất nước. Các tổ chức tài chính nước ngoài có thể quyết định hạn chế các giao dịch của mình với nước đó, buộc những giao dịch phải qua sự kiểm soát gắt gao hơn, khiến nước đó thêm tốn kém hoặc bị chấm dứt các mối quan hệ giao dịch hay vay mượn.

Ngay cả các doanh nghiệp hợp pháp liên quan đến rửa tiền bị giảm khả năng tiếp cận các thị trường thế giới hoặc phải tiếp cận với chi phí cao hơn do phải chịu sự kiểm soát gắt gao hơn về quyền sở hữu, các hệ thống tổ chức và kiểm soát. Liên quan đến "rửa tiền" và tài trợ cho khủng bố có thể gây nguy hại theo nhiều cách cho sự lành mạnh của khu vực tài chính của một đất nước; nền kinh tế và khu vực tư nhân bị tổn thương.

(Còn tiếp)

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc