Vinacomin: Chú trọng công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường

09:32 | 24/06/2013

967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các mỏ than, cảng, khu vực tập kết than, đặc biệt là công tác cải tạo, hoàn nguyên môi trường theo quy hoạch phát triển đến năm 2020.

Với đặc thù là ngành công nghiệp có quỹ cải tạo môi trường, thời gian qua Vinacomin đã tích cực triển khai thực hiện nhiều dự án khắc phục, xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác than. Trong đó, Tập đoàn đặc biệt chú trọng đến công tác đầu tư cải tạo, phục hồi bãi thải mỏ than bằng việc triển khai nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu thụ than.

Theo thống kê của Vinacomin, mỗi năm Tập đoàn dành khoảng 700 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn quỹ môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn và các công ty thành viên đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ. Cụ thể như cải tạo hệ thống thoát nước Khe Chàm - Dương Huy, cải tạo cảnh quan môi trường sông Vàng Danh (Uông Bí); cải tạo các bãi thải mỏ bằng biện pháp cắt tầng, hạ độ cao, xây dựng đê chắn dưới chân để ngăn chặn tối đa việc đất, đá thải chảy trôi lấp sông, suối hoặc khu vực dân cư lân cận; tiến hành công tác hoàn nguyên môi trường như việc san lấp các địa điểm đã khai thác, trồng cây xanh.

Khu cải tạo hoàn nguyên môi trường tại bãi thải nam Đèo Nai

Công ty CP Than Đèo Nai là một ví dụ điển hình trong những đơn vị của Tập đoàn thực hiện tốt công tác hoàn nguyên môi trường. Hằng năm công ty đều tổ chức trồng cây ven đường, xung quanh các công trường, phân xưởng. Ngoài ra đơn vị còn trồng cây phục hồi môi trường tại các bãi thải nam Đèo Nai, nam Lộ Phong, LV. 14 Hà Tu, bãi thải Mông Gioăng... Diện tích cây xanh đơn vị đã trồng đến thời điểm này lên đến 166ha, chủ yếu là các loại cây xanh như: keo, sắn dây dại, bìm bìm, lau le để che phủ những bãi thải mới, như ở bãi thải nam Lộ Phong, nam Đèo Nai… Cùng với Công ty CP than Đèo Nai, Công ty CP than Núi Béo cũng rất chú trọng đến việc cải tạo, phục hồi môi trường.

Ngoài ra, Tập đoàn còn thực hiện giải pháp cải tạo bãi thải bằng kỹ thuật tạo phân tầng tại các bãi thải Khe Rè (Cọc Sáu), Chính Bắc (Núi Béo); ổn định bãi thải thông qua việc tạo hình thể, tạo mặt tầng và đê chắn mép tầng, kè chân bãi thải và chân tầng thải, tạo hệ thống thoát nước mặt tầng và sườn tầng... Để đảm bảo độ an toàn cho các sườn tầng, Tập đoàn đã quy định tỉ lệ đất đá đổ khoảng 30-45 độ, để làm sao cho đất đá dù là loại nào cũng làm cho sườn tầng luôn ổn định, không bị sạt lở.

Có thể thấy, Vinacomin đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Tuy nhiên, việc trồng cây, công tác hoàn nguyên theo phương án còn chậm, nhiều khu vực chưa được thực hiện. Một nguyên nhân nữa đó là do chưa lập quy hoạch tổng thể toàn bộ khu công nghiệp khai thác than, bao gồm khu khai trường và bãi đổ thải nên trong quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là việc xác định ranh giới các khu vực khai thác hầm lò, lộ thiên, khu vực đổ thải và phân định ranh giới hoàn nguyên môi trường còn khó khăn; vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn ranh giới quy hoạch; chưa xác định được quy chuẩn độ cao các bãi đổ thải…

Theo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, trong vùng Cẩm Phả có khoảng 16 mỏ và công trường khai thác than lộ thiên hoạt động. Sản lượng than khai thác từ 14-16 triệu tấn/năm, tương ứng khối lượng đất bóc 180-200 triệu m3/năm. Hiện tại, Vinacomin đã có 66/67 khu vực khai thác than, 7/12 cảng than của Vinacomin đã được phê duyệt ĐTM, 4 cảng được xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường

Hiện tại, bãi thải lớn nhất vùng Cẩm Phả là bãi thải Đông Cao Sơn (dung tích 295 triệu m3) đang được 3 mỏ lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu và Cao Sơn sử dụng. Tính đến 31/12/2012, tổng khối lượng đất đá thải còn lại vùng Cẩm Phả là 3,7 tỉ m3 (bao gồm đất đá thải của các mỏ và công trường lộ thiên, đất đá thải đào lò và đất đá thải của các cơ sở sang tuyền). Trong đó, khối lượng đất đá thải của các mỏ Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Khe Chàm II và Đông Đá Mài chiếm trên 94% tổng khối lượng đất đá thải toàn vùng. Giai đoạn 2013-2020, khối lượng đất đá thải của vùng dự kiến khoảng 1,9 tỉ m3.

Theo báo cáo nghiêm túc của các đơn vị thành viên Vinacomin gửi định kỳ về Sở Tài nguyên và Môi trường, quả cho thấy, hầu hết các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, Vinacomin và các đơn vị sản xuất - kinh doanh than trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 32 trạm xử lý nước thải cho các đơn vị trong ngành (năm 2012) đã hoàn thành và đưa vào vận hành thêm 6 trạm, góp phần cải thiện chất lượng các nguồn nước.

Vinacomin còn đặt ra những kế hoạch cụ thể ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như: Đối với các mỏ, cần tăng cường hệ thống bơm thoát nước tại các mỏ (lộ thiên và hầm lò) bằng bơm có công suất lớn và sức đẩy cao. Đồng thời Tập đoàn cũng chủ động quy hoạch lại các cảng than theo hướng bỏ bớt các cảng than nhỏ, lẻ mà tập trung xây dựng một số cảng lớn, tập trung và hiện đại. Cho đến năm 2020, toàn bộ các cảng không chứa than trên bề mặt cảng mà xây dựng các silo chứa kín, trừ kho than của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô mà thay thế bằng băng tải, kể cả băng tải ống.

Trong quy hoạch và phát triển, Tập đoàn xác định cần chấm dứt xây dựng các trạm sàng than tại cảng, thay thế bằng các nhà máy tuyển quy mô và dịch dời sâu vào nội địa, gần mỏ, trên các vùng có địa hình cao. Khó khăn nhất hiện nay của Tập đoàn là địa bàn sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản tập trung ở vùng núi cao, ven biển và đồng bằng, thêm vào đó, một số vùng nguyên liệu và sản xuất phân bố trên các vùng có địa hình cao (sườn núi, núi) nên rất dễ bị tác động bởi trượt lở đất đá, lũ quét do mưa to dài ngày đã tác động không nhỏ cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản và làm ô nhiễm môi trường.

Trước yêu cầu cấp bách trong thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển ổn định bền vững của Vinacomin, tại cuộc họp quy hoạch đổ thải các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả mới đây, ông Phạm Văn Mật, Phó tổng giám đốc Vinacomin đã nhấn mạnh: Trong phương pháp đổ thải, Tập đoàn đã thống nhất với UBND tỉnh Quảng Ninh đổ từ dưới đổ lên, khi đổ thải xong tầng thứ nhất, phải trồng cây hoàn nguyên ngay. Bãi thải phải cách xa với khu dân cư và có kè kiên cố để bảo vệ. Tập đoàn sẽ chú trọng đến công tác thoát nước, bảo vệ môi trường và an toàn trên bãi thải; công tác an toàn trong vận tải và thải đất đá; phòng, chống hiện tượng sụt lở bờ mỏ và bãi thải…

Trong tương lai xa hơn, Tập đoàn có định hướng sử dụng các mặt bằng bãi thải mỏ đã cải tạo tại vùng Quảng Ninh làm các địa điểm sản xuất điện mặt trời hoặc phong điện. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân, người lao động trong toàn Tập đoàn về công tác bảo vệ môi trường.

Kiên Nguyễn

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps