TKV và những thách thức trong 2015

08:00 | 11/01/2015

599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kế hoạch năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ sản xuất 41 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ khoảng 38 triệu tấn than thương phẩm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều tăng cao hơn so với năm 2014. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, TKV đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, tập trung vào các đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh.

Năng lượng Mới số 389

Thực hiện tốt tái cơ cấu

2014 là năm có nhiều sự thay đổi lớn đối với TKV. Tập đoàn có sự thay đổi về cấu trúc của ngành, chuyển dịch từ hoạt động theo chiều rộng “đa ngành đa nghề” sang hoạt động theo chiều sâu; tập trung vào những ngành nghề chính theo quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết năm 2014, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 3 doanh nghiệp. Cụ thể, đã hoàn thành việc xây dựng Phương án CPH 3 tổng công ty lớn trong Tập đoàn (gồm có: Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Khoáng sản) và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, TKV đã chủ động báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho bổ sung CPH 4 doanh nghiệp thuộc TKV trong năm 2015, hiện nay TKV đang khẩn trương triển khai thủ tục cho các doanh nghiệp này theo quy định.

Khai thác than hầm lò tại Công ty Than Vàng Danh

Ngoài ra, đến hết tháng 7/2014, TKV đã hoàn thành việc thoái vốn toàn bộ phần vốn góp của TKV tại lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Đối với việc thoái vốn, giảm vốn góp của TKV tại các doanh nghiệp thành viên: Năm 2014, TKV đã chủ động báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận cho TKV thoái toàn bộ phần vốn và giảm tỷ lệ vốn góp của TKV xuống dưới mức chi phối tại một số doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, thương mại, dịch vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thủ tục về định giá doanh nghiệp và triển khai các bước đấu giá chuyển nhượng phần vốn theo quy định, đến nay TKV đã hoàn thành việc thoái toàn bộ phần vốn tại 1 doanh nghiệp và giảm tỷ lệ nắm giữ phần vốn xuống dưới mức chi phối tại 2 doanh nghiệp, với giá trị vốn thu về 82,8 tỉ đồng (mệnh giá vốn góp là 25,5 tỉ đồng).

Về công tác sắp xếp lại các đơn vị trong ngành cũng đã được TKV tích cực triển khai thực hiện. Năm 2014, TKV đã thực hiện chuyển 9 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh trực thuộc Công ty Mẹ - TKV để góp phần tiếp tục ổn định, nâng cao năng lực sản xuất than của Công ty Mẹ - Tập đoàn nhằm đảm bảo năng lực và sản lượng sản xuất than theo Quy hoạch phát triển Chính phủ phê duyệt. Tiến hành giải thể 4 công ty TNHH MTV; tiến hành tái cơ cấu công ty con từ mô hình doanh nghiệp 2 cấp về mô hình công ty 1 cấp để giảm cấp trung gian, qua đó đã xóa được trên 10 đầu mối xí nghiệp trung gian thuộc các công ty này. Tính đến nay, toàn bộ các công ty sản xuất than của TKV tại Quảng Ninh đều đã hoạt động theo mô hình 1 cấp. Bên cạnh đó, TKV đã tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trong ngành, theo đó đã hợp nhất 3 trường đào tạo nghề trong TKV thành 1 đầu mối. Tái cơ cấu Trung tâm Y tế lao động - TKV để đảm bảo quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Như vậy, có thể nói công tác tái cơ cấu đang được TKV triển khai thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động chung của toàn Tập đoàn.

Đây cũng là  năm có sự chuyển giao thế hệ trong lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn từ “5X sang 6X” và Tổng Công ty Đông Bắc tách khỏi Tập đoàn, dưới sự quản lý toàn diện của Bộ Quốc phòng. Như vậy, trên địa bàn Quảng Ninh hiện nay, ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc còn có một số doanh nghiệp khác được phép khai thác, vận chuyển và kinh doanh than. 

Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và có những thay đổi quan trọng như trên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ của các địa phương và sự hợp tác của các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế, phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của người thợ mỏ, TKV đã phát triển ổn định; đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản đề ra. Theo đó, sản lượng than nguyên khai năm 2014 ước đạt 37,4 triệu tấn; than sạch đạt 35,3 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với kế hoạch; than tiêu thụ ước đạt 35,5 triệu tấn, bằng 101% so với kế hoạch, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm khoáng sản cũng đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, Alumina đạt khoảng 470-480 ngàn tấn; quặng sắt khoảng 20 ngàn tấn...; sản lượng điện ước đạt 8,5 tỉ kWh, đạt 101% so với năm 2013. Các lĩnh vực cơ khí, sản xuất - kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp cũng đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt phải kể đến là Nhà máy Ferochrome đã cho ra sản phẩm từ ngày 25/11/2014, đảm bảo chất lượng thiết kế loại I ngay từ những lô sản phẩm đầu tiên; Nhà máy Amon Nitorat đã đi vào vận hành đúng tiến độ đảm bảo cho Tập đoàn chủ động nguồn nhiên liệu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và xuất khẩu.

Về các chỉ tiêu tài chính dự kiến: Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 106.820 tỉ đồng, tăng 12,3% so với năm 2013; lợi nhuận đạt 2 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách 12 ngàn tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2013; tiền lương bình quân đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2013 (trong đó sản xuất than là 8,6 triệu đồng/người/tháng). Xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế đối với TKV nâng lên một bậc so với năm trước. Có thể nói, những chỉ tiêu trên một lần nữa khẳng định quyết tâm và nỗ lực rất lớn của tập thể người lao động Tập đoàn TKV trong năm qua.

Thách thức 2015 đối với ngành than

Kế hoạch năm 2015, Tập đoàn sẽ phải sản xuất 41 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ khoảng 38 triệu tấn than thương phẩm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều tăng cao hơn so với năm 2014. Để đạt được mục tiêu này, theo Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, năm 2015 được nhận định còn nhiều khó khăn phía trước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, TKV đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, tập trung vào các đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn theo hướng tối đa áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào tất cả các lĩnh vực, các công đoạn.

Trước mắt, tập trung ưu tiên đẩy mạnh cơ giới hóa đào lò, cơ giới hóa khai thác các mỏ than - khoáng sản; tăng cường năng lực bốc xúc, vận tải của các mỏ lộ thiên; băng tải hóa khâu vận chuyển để đảm bảo năng suất, môi trường, an ninh trật tự; tăng cường sàng tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản để nâng cao giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên… Để đạt được mục tiêu đề ra, Tập đoàn TKV đã có một số kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, đề nghị sớm thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước để thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam. Cần có cơ chế xử lý hài hòa giữa quy hoạch ngành với quy hoạch địa phương. Đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện quy hoạch như: cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến than; xác định nguồn vốn huy động, cơ chế tài chính cho việc phát triển các dự án than tại Quảng Ninh và Đồng bằng sông Hồng; chính sách sử dụng tài nguyên than tiết kiệm, hiệu quả giữa các ngành kinh tế; chế độ, chính sách cho người thợ mỏ.

N.Kiên

 

  • el-2024