Dừng thuê doanh nghiệp bên ngoài bốc xúc, đất đá:

TKV rơi vào thế bí

20:17 | 17/09/2014

902 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, điều kiện khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang dần xuống sâu thì việc hiện đại hóa các mỏ lộ thiên đang trở thành một vấn đề cấp bách. Điều này sẽ càng nan giải hơn khi mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra yêu cầu TKV không được thuê các đơn vị ngoài bốc xúc đất đá tại các mỏ nhằm hạn chế việc lợi dụng các hợp đồng bốc xúc, vận chuyển đất đá đưa than tiêu thụ bên ngoài  

Năng lượng Mới số 357

Không thuê ngoài, TKV không đủ năng lực bốc xúc đất đá

Đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về việc ngành than chấm dứt thuê doanh nghiệp bên ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá được xem như liệu pháp cứng rắn có thể hạn chế hiệu quả tình trạng than lậu. Tuy nhiên, biện pháp này ảnh hướng rất lớn đến uy tín các doanh nghiệp làm ăn chân chính và bản thân ngành than.

Theo TKV, hiện tại, mỗi năm các đơn vị trong ngành than thuê bốc xúc đất đá khoảng 55 triệu m3, khoan nổ mìn 1,2 triệu m; số lượng thiết bị (hầu hết là của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) gồm 15 máy khoan, 60 máy xúc và 960 ôtô vận chuyển, giải quyết việc làm tương đương với số thợ vận hành khoảng 3.200 người. Trong khai thác lộ thiên, chỉ tính riêng năm 2014, TKV đặt mục tiêu đạt gần gần 18 triệu tấn than, chiếm trên 50% sản lượng toàn Tập đoàn (cả năm 35 triệu tấn). Muốn khai thác được gần 18 triệu tấn than lộ thiên, cũng đồng nghĩa ngành than phải bốc xúc ít nhất 180 triệu tấn đất đá... Tức hệ số bóc đất đá là 10 tấn đất đá/1 tấn than.

Trên thực tế, hệ số bóc đất có đơn vị lên đến 15 tấn đất đá/1 tấn than. Với thực lực hiện nay của ngành, nếu dừng thuê các đơn vị bên ngoài vào bốc xúc, vận chuyển đất đá, thì đồng nghĩa với việc TKV sẽ phải đầu tư toàn bộ số máy móc, thiết bị trên, cùng với việc tuyển dụng thêm 3.200 nhân công; trong khi đó, số máy móc, thiết bị đó của các DN bên ngoài khả năng sẽ phải bán sắt vụn. Trong khi đó, để cân đối tài chính như hiện nay, TKV không đủ năng lực đầu tư một lực lượng trang thiết bị lớn như hiện nay để thay thế.

TKV rơi vào thế bí

Bốc xúc đất đá tại mỏ than Đèo Nai, Cẩm Phả

Lấy ví dụ, Công ty CP Than Vàng Danh là đơn vị vừa khai thác than hầm lò vừa khai thác lộ thiên. Hiện công ty phải thuê các đơn vị bên ngoài khoan, bốc xúc, vận chuyển 1,7-1,8 triệu m3 đất đá/năm; trong khi bản thân công ty chỉ thực hiện được 500.000m3/năm. Theo tính toán, để đảm đương công việc hiện đang thuê các đơn vị bên ngoài làm, công ty sẽ phải đầu tư ít nhất 104 tỉ đồng để mua: 4 máy xúc (7,8 tỉ đồng/máy), 3 máy phá đá thủy lực tự hành (5,7 tỉ đồng/máy), 25 ôtô tự đổ trung xa (1,7 tỉ đồng/xe)… Hơn nữa, để điều khiển một loạt các máy móc trên, công ty sẽ phải tuyển dụng thêm hàng trăm lao động, cùng với tiền khấu hao máy móc, sửa chữa, bảo hành... hằng năm, chi phí sẽ lớn hơn nhiều so với mức 70 tỉ đồng/năm thuê doanh nghiệp bên ngoài làm. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, cả TKV cũng như các đơn vị trực thuộc gần như không đủ năng lực đầu tư để hoàn thành kế hoạch khai thác.

Giải pháp nào gỡ được thế bí?

Trước tình hình trên, vừa qua, TKV đã phải ngồi lại để bàn thảo để tìm giải pháp cho vấn đề bốc xúc đất đá và hiện đại hóa các mỏ lộ thiên. Trong đó, về lâu dài, nhiều phương án đã được đưa ra. Thứ nhất, TKV sẽ tính toán giá bán than theo giá thành công đoạn, giá cả đầu vào của các công đoạn trực tiếp tăng 5%/năm, các công đoạn khác tăng 3%/năm. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, phương án sản xuất của TKV được đề xuất là khai thác mỏ cả phần lộ thiên và hầm lò.

Thứ hai, giá thành tiêu thụ than tính theo giá thành công đoạn, giá cả đầu vào của các công đoạn trực tiếp tăng 3%/năm, các công đoạn khác tăng 1%/năm. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, có 2 phương án đã được đưa ra: Phương án 1 là xem xét trình tự khai thác các mỏ độc lập với nhau (trong đó gồm giải pháp 1A: Hạch toán toàn bộ chi phí vào giá thành và giải pháp 1B: Đưa một phần đất đá bóc vào đất bóc xây dựng cơ bản). Phương án 2 là xem xét khả năng khai thác kết hợp các mỏ (trong đó gồm giải pháp 2A: Dùng khu vỉa chính làm bãi thải tạm và giải pháp 2B: Dùng khu Thắng Lợi làm bãi thải tạm).

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn mỏ - TKV (VIMCC), nếu chi phí đầu vào tăng cao như dự báo là chi phí trực tiếp tăng 5%/năm thì các phương án khai thác và đổ thải đã được lập chỉ duy nhất phương án theo kịch bản 1 là đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, tổn thất tài nguyên khi khai thác hầm lò là rất lớn. Dựa trên các yếu tố kỹ thuật, khả năng đáp ứng sản lượng và hiệu quả đầu tư tại phương án thứ hai, VIMCC đã đề xuất lựa chọn các phương án theo thứ tự ưu tiên 1A, 1B, 2A, 2B.

Trong khi đó, lãnh đạo của 3 mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn đưa ra đều nghiêng về lựa chọn giải pháp hoạch toán toàn bộ chi phí vào giá thành vì vừa đảm bảo tiết kiệm được tài nguyên tối ưu nhất, vừa hiệu quả kinh tế và có thể duy trì song hành 3 mỏ cùng tồn tại. TKV yêu cầu VIMCC tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh đề án để trình lên Tập đoàn xét, thông qua trong thời gian tới đây. Về công tác tổ chức, TKV có thể thành lập một tổ điều hành 3 mỏ lộ thiên này sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất, hợp lý nhất.

Để hiện đại hóa các mỏ lộ thiên, TKV đã bàn thảo nhiều giải pháp. Trong đó có tính đến xây dựng đầu tư hệ thống quản lý tự động trong khai thác, vận hành mỏ lộ thiên và đầu tư hệ thống băng tải đá thay thế vận tải bằng ôtô trong vận chuyển đất đá như hiện nay. Giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay, đó là 3 công ty than là Than Cao Sơn, Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai đã và đang được Tập đoàn quy hoạch khu vực Đông Cao Sơn là nơi đổ thải. Đồng thời, việc vận tải đất đá sẽ được đầu tư hệ thống băng tải đá.

Theo Dự án Cải tạo mở rộng Mỏ than Cao Sơn, do Công ty CP than Cao Sơn làm chủ đầu tư đã được phê duyệt, hệ thống băng tải đá có năng suất 10.400 tấn/h. Các thiết bị đi kèm gồm 2 máy nghiền đá, năng suất 5.200 tấn/h, công suất động cơ 1.550kW; Máy rót đá thải năng suất 10.400 tấn/h. Ngoài ra, phải đầu tư các hạng mục như trạm biến áp 35/6kV cung cấp điện cho băng tải đá (3 trạm); nhà điều hành sản xuất, nhà giao ca, nhà ăn, nhà vệ sinh và nhà sửa chữa v.v… Tổng mức đầu tư cho mỗi tuyến băng tải 2 nghìn tỉ đồng. Đây là vấn đề không nhỏ, khó khăn cho TKV vì hiện nay, TKV có nhiều dự án cần phải đầu tư với lượng vốn lớn.

Trang Nguyễn

  • el-2024