Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh:

“Quảng Ninh cùng ngành than phát triển bền vững!”

09:17 | 04/07/2013

1,369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã dành cho Báo điện tử Petrotimes một cuộc trao đổi nhanh về những khó khăn mà ngành than đang gặp phải, cũng như sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục từ nhân dân và chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

PV: Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Vinacomin đã thống nhất với quan điểm: phát triển tỉnh Quảng Ninh là phát triển của ngành than; giải quyết vấn đề ngành than cũng là giải quyết vấn đề của tỉnh. Vậy trong nhiệm kỳ 2011-2016, hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp nào mang tính căn cơ để giúp Vinacomin vượt qua khó khăn, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Hoàng: Thực tế trong suốt những năm qua, hiện tại và cả sau này, những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội luôn được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích tính đặc thù của tỉnh gắn bó với ngành. Trước khó khăn hiện tại của Vinacomin, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều các giải pháp có tính lâu dài như: tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành than với các điều chỉnh liên quan đến đầu tư dự án hạ tầng công nghiệp và đô thị của Tập đoàn; giữ vững ổn định địa bàn bằng giải pháp quyết liệt trong ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép; thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than; dành nguồn lực để đào tạo và phát triển lực lượng lao động có tay nghề thông qua các chính sách đối với các trường nghề mỏ trên địa bàn tỉnh và các cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp liên quan đến khai khoáng để thu hút và đào tạo lao động…

Bà Đỗ Thị Hoàng

Song song và cụ thể hơn, tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Vinacomin và các đơn vị thành viên hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất kinh doanh; ưu tiên để ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, gắn việc khai thác với sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên than, bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các hoạt động khai thác than sạch hơn, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn tiến hành định kỳ các buổi làm việc, thành lập tổ công tác để kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành than. Đối với các khó khăn vượt khỏi tầm giải quyết của tỉnh, chúng tôi thống nhất và cùng Tập đoàn kiến nghị với Trung ương.

PV: Thời gian gần đây, dư luận xã hội đề cập nhiều đến vấn đề phát triển ngành than gắn với phát triển bền vững. Việc thay đổi mô hình phát triển của tỉnh Quảng Ninh liệu có phải là thay đổi mô hình phát triển của ngành than và ngược lại không, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Hoàng: Quan điểm phát triển của tỉnh dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng, đó là phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” một cách hài hòa, hợp lý, tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển. Do đó, phải tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp phi khai khoáng. Đồng thời phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.

Hiện nay, khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách tỉnh. Đây cũng là một ngành quan trọng của đất nước, đồng thời gắn liền an ninh năng lượng quốc gia. Mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế - xã hội tất yếu phải tính đến sự phát triển của ngành than. Và sự phát triển của ngành than phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Trong lộ trình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh phải giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong khai thác than và phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát huy những gì đang có nhưng theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt việc này, chúng tôi bắt đầu từ công tác quy hoạch phát triển, trong đó có quy hoạch vị trí và phân vùng mỏ than phù hợp để không làm ảnh hưởng đến khu du lịch và khu dân cư; sẽ tiến hành nghiên cứu để tăng hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám trong khai thác tài nguyên, từ đó tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm; siết chặt kỷ cương quản lý Nhà nước đối với công tác khai thác, vận chuyển than; bảo vệ môi trường, trồng cây hoàn nguyên những nơi khai thác than; chấm dứt và nghiêm cấm các hoạt động bốc rót than tại khu vực vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long…

Đồng thời, Quảng Ninh sẽ thực hiện lộ trình giảm dần việc khai thác lộ thiên và chuyển sang khác thác hầm lò các mỏ than. Tích cực đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần theo tỷ lệ nhất định từ nguồn thu từ khai thác than, từ nguồn thu thuế xuất khẩu; trích lập quỹ bảo vệ môi trường ngành than để triển khai các dự án cải tạo môi trường, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân… Với những giải pháp đưa ra, chúng tôi tin tưởng Quảng Ninh và ngành than đang có chung một định hướng: đó là phát triển bền vững.

PV: Về phần mình, tỉnh Quảng Ninh có yêu cầu gì đối với lãnh đạo Vinacomin trong thời gian tới, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Hoàng: Việc thực hiện đẩy mạnh phát triển sản xuất than gắn với giải quyết các vấn đề kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn là một nhiệm vụ to lớn, lâu dài, có ý nghĩa thiết thực nhằm pháp huy tốt những tiềm năng thế mạnh của tỉnh và ngành than, tạo sự ổn định và phát triển bền vững cho ngành than và nền kinh tế - xã hội Quảng Ninh. Tinh thần chung là tỉnh Quảng Ninh mong muốn sự hợp tác và chia sẻ trên tất cả các lĩnh vực và điều này được bắt nguồn từ tất cả những điều vừa đề cập ở trên.

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu là trở thành một mô hình có tính đột phá, kiểu mẫu về “tăng trưởng xanh” đồng nghĩa với việc khai thác than và phát triển du lịch phải song hành bền vững. Đặt hàng lớn nhất đối với ngành than là xây dựng và thực hiện các phương pháp thực hành khai thác than bền vững; đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo vệ môi trường; đầu tư nâng cao chất lượng xử lý nguồn nước thải tại các mỏ để giảm thiểu những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong khu vực để đảm bảo khai thác than phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch và chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó là tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên than trong ranh giới mỏ được giao, quản lý chống thất thoát tài nguyên trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than. Tiếp tục đầu tư các công trình phúc lợi đảm bảo nhu cầu thiết yếu về bảo vệ sức khỏe và tinh thần đối với người lao động trong Tập đoàn và người dân trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi người lao động, bảo vệ an toàn lao động; có cơ chế tốt, khuyến khích và phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trong Tập đoàn và khu vực dân cư lân cận đơn vị đứng chân.

Tôi tin rằng, với ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh sẽ cùng ngành than thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế  gương mẫu” và “tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Hữu Tùng (thực hiện)

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps