Những đổi thay lớn ở TKV

13:41 | 16/03/2015

853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (1994) sau đó là TKV (2005) đến nay, ngành than đã có sự thay đổi sâu sắc. Cơ sở kỹ thuật, công nghệ, năng lực sản xuất các mỏ không ngừng phát triển; điều kiện làm việc trên mỏ lộ thiên cũng như trong mỏ hầm lò được cải thiện đáng kể.

Năng lượng Mới số 404

Nâng cao đời sống công nhân

So với trước đây, người thợ hôm nay được lao động trong môi trường tốt hơn. Trước đây làm thủ công, nay mỏ đã cơ giới hóa, đỡ nặng nhọc hơn, việc cảnh báo các nguy hiểm tốt hơn, tai nạn, sự cố cũng giảm nhiều. Công nhân đi làm có xe ca đưa đón, thợ lò và những nghề có tiếp xúc với các hóa chất độc hại được trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ. Vào công trường, thợ lò được ăn tự chọn ngay đầu và cuối các ca sản xuất. Giữa ca được ăn bồi dưỡng. Mức thu nhập bình quân của một thợ lò các đơn vị khi đi làm đủ công đều đạt từ 7 triệu đến trên 10 triệu đồng/tháng. Ngoài mức thu nhập trên, họ gần như không phải bỏ thêm một phụ phí nào khác khi đi làm. Nhiều công ty còn tổ chức đưa cơm hộp tới tận nơi sản xuất hoặc tổ chức ăn tự chọn với chất lượng cao, góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, ở của người lao động. Đa phần thợ mỏ hiện nay được ưu tiên về chỗ ở, nhiều công ty xây dựng những khu tập thể khang trang, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất.

Công nhân xây dựng mỏ hầm lò TKV

Hiện tại, với mục tiêu trí thức hóa công nhân, xây dựng một lực lượng thợ mỏ vững mạnh, các trường dạy nghề, các công ty trực thuộc Tập đoàn đang tích cực chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức kỷ luật, xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc đúng quy trình kỹ thuật... So với trước đây, đó là những nỗ lực, là cuộc cách mạng, là những bước tiến dài của ngành than.

Cơ giới hóa khai thác

Trong những năm gần đây, TKV đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để đầu tư cho khai thác và nâng sản lượng khai thác lên cao. Trong khai thác hầm lò đã sử dụng vì chống thủy lực, giá khung di động, một số mỏ hầm lò đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác; đầu tư hệ thống vận tải liên tục, vận tải người và vật liệu bằng monoray diezen, tời vô cực; đào lò bằng máy liên hợp (AM-45, AM-50); chống lò bằng vì neo (chất dẻo, bê tông)... Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới có công suất lớn như ôtô 96 tấn, máy khoan đường kính lớn, máy khoan thủy lực, máy xúc điện, máy xúc thủy lực gầu ngược, hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tải, ôtô khung mềm. Các nhà máy tuyển được cải tạo nâng công suất, thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật, do vậy luôn đạt năng suất cao, tăng tỷ lệ thu hồi than. Sử dụng các phần mềm chuyên ngành và tích hợp đa chức năng vào mô hình hóa và tính toán, xử lý dữ liệu thuận tiện, nhanh chóng, chính xác.

Cải thiện môi trường

TKV còn chú trọng triển khai các dự án nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường ở nơi đứng chân. TKV là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thành lập quỹ môi trường với nguồn thu chủ yếu được trích từ giá thành sản xuất than, khóang sản dùng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học, xử lý sự cố môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhờ có quỹ môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác than, khóang sản đã từng bước đi vào nền nếp, có kế hoạch, đi vào chiều sâu, khắc phục kịp thời nhiều sự cố môi trường cũng như hậu quả ô nhiễm môi trường trong quá khứ để lại, đặc biệt giảm thiểu được tình trạng suy thóai môi trường ở vùng mỏ.

Theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, trong 20 năm qua, cùng với việc hình thành và phát triển ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh than, TKV đã phát triển thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, như: khóang sản, luyện kim, điện lực, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp... và ở hầu hết các lĩnh vực, TKV đều đạt, vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, doanh thu toàn tập đoàn tăng mạnh theo các năm và đến năm 2014, ước đạt 108 ngàn tỉ đồng, gấp 50 lần so với khi thành lập.


M.K

 

  • el-2024