Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV):

Khẩn trương nghiên cứu khai thác bể than sông Hồng

07:50 | 22/04/2015

2,907 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay TKV đang tích cực triển khai các bước thử nghiệm có thể khai thác bằng giải pháp khí hóa than và hầm lò tại Đồng bằng sông Hồng. Tập đoàn cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, cấp phép thăm dò khoáng sản than tại khu Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình.

Năng lượng Mới số 415

Thận trọng từng bước

Hiện nay, Ban Quản lý (BQL) dự án đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thăm dò và khai thác thử nghiệm bằng công nghệ khí hóa than ngầm tại Đồng bằng sông Hồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than Đồng bằng sông Hồng tại tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã ký thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Thái Bình về đầu tư dự án thăm dò than và thử nghiệm khí hóa than ngầm tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018. Theo đó, cuối năm 2014, Sở Tài nguyên - Môi trường Thái Bình đã thống nhất với các sở ban ngành trong tỉnh và các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, huyện Tiền Hải về vị trí thực hiện dự án. Tập đoàn đã chỉ đạo ban quản lý tổ chức khảo sát hiện trường và lập xong đề án thăm dò than vùng Nam Thịnh, huyện Tiền Hải để trình Bộ TN&MT cấp phép thăm dò.

Khẩn trương nghiên cứu khai thác  bể than sông Hồng

Tiền Hải Thái Bình được chọn thử nghiệm khí hoá than ngầm

Song song với đó, để tiến độ công tác thử nghiệm được hiện thực hóa sớm nhất, BQL Dự án Đồng bằng sông Hồng cũng đã được Tập đoàn giao đánh giá khả năng áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm trước mắt tại mỏ than Khánh Hòa, Thái Nguyên, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc. Hiện BQL đã tập trung nghiên cứu tài liệu địa chất, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tìm ra những chỉ tiêu áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm phù hợp.

Để từng bước triển khai, đơn vị đã tạo điều kiện cả về thời gian và tài chính để cử CBCNV tham gia các lớp đào tạo do Tập đoàn tổ chức nhằm đáp ứng được yêu cầu về trình độ của cán bộ trong quá trình triển khai dự án.

Cũng theo BQL, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực của đơn vị còn hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn. Nhân viên của đơn vị đa phần còn trẻ trong khi thông tin về công nghệ khí hóa than ngầm (UCG), công nghệ mới còn bị giới hạn khi các dự án than của Tập đoàn TKV tại Đồng bằng sông Hồng chưa được triển khai. Các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ UCG về điều kiện địa chất mỏ tại bể than Đồng bằng sông Hồng chưa có các số liệu chi tiết để chứng minh. Do vậy, đơn vị đang tích cực chuẩn bị các dạng tài liệu địa chất bể than hiện có để thu thập, tổng hợp nhằm định hướng cho công tác lựa chọn địa điểm, xác định diện tích lập đề án xin cấp phép thăm dò. Tài liệu về công nghệ UCG đang được đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp phục vụ công tác thăm dò, thử nghiệm công nghệ khí hóa than ngầm. Đơn vị xác định các công việc trên là rất cần thiết giúp công tác quản lý các dự án khai thác than tại Đồng bằng sông Hồng có hiệu quả từng bước phát triển và làm chủ công nghệ. Do đó, sự chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn trong các bước triển khai từ nghiên cứu tới hình thành dự án tại Đồng bằng sông Hồng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Thăm dò mỏ than ở Thái Bình

Mới đây, TKV cũng đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT thẩm định, cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình. Theo đó, việc thăm dò sẽ tiến hành trên diện tích 5,29 km², thời gian thăm dò là 48 tháng và trữ lượng đạt được dự kiến là hơn 236 triệu tấn. Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với TKV khẩn trương lập báo cáo chi tiết vị trí tọa độ và hiện trạng môi trường nguyên trạng tại khu vực mà TKV xin giấy phép thăm dò.

Mới đây, tại cuộc họp về Quy hoạch 60, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sau 3 năm thực hiện, cơ bản các nội dung Quy hoạch đã và đang triển khai đúng định hướng đề ra, tuy nhiên có một số vấn đề cần được cập nhật, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cụ thể, kết quả thăm dò tài nguyên, trữ lượng than có nhiều thay đổi so với Quy hoạch 60, tiến độ thực hiện một số dự án thăm dò, khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, sự chồng lấn giữa các quy hoạch của địa phương với Quy hoạch 60. Quy hoạch 60 cùng Quy hoạch Điện VII là những quy hoạch quan trọng sẽ được Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh sớm trong năm nay để phù hợp với một số diễn biến, tình hình mới. Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan tư vấn chịu trách nhiệm xây dựng Báo cáo Dự án điều chỉnh Quy hoạch 60 tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn chỉnh các nội dung, đặc biệt là chỉ ra các vấn đề, hiện trạng còn khó khăn, tồn tại của ngành than cũng như các tác động bên ngoài để đưa ra các dự báo, hoạch định các chính sách, định hướng phù hợp, sát thực tế cho phát triển ngành thời gian tới.

Theo Văn bản số 162/TTg-KTN ngày 23-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than Đồng bằng sông Hồng và văn bản số 1571/BCT-TCNL ngày 25-2-2013 của Bộ Công Thương về việc lập dự án khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình, Vinacomin đã có văn bản thỏa thuận và được tỉnh Thái Bình đồng ý về chủ trương thử nghiệm khí hóa than ngầm tại 2 khu vực là khu vực Đông Hưng thuộc huyện Đông Hưng và khu vực Tây An thuộc địa bàn huyện Kiến Xương và Tiền Hải, Thái Bình. Vinacomin giao cho Ban Quản lý Dự án than Đồng bằng sông Hồng tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để tiến hành các bước thử nghiệm trong thời gian tới.

Nguyễn Kiên

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps