Khai thác khoáng sản tại Việt Nam: Đừng để “cốc mò, cò xơi”

09:43 | 09/08/2013

7,832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) được đánh giá tương đối đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ thuộc 60 loại khoáng sản được phát hiện và khai thác. Nếu tách riêng than và dầu khí, các công ty khoáng sản đang niêm yết hiện nay chủ yếu khai thác các loại quặng kim loại (sắt, titan, mangan, vàng, kẽm, đồng, antimon) và các khoáng sản phi kim - vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…). Tuy vậy, việc khai thác TNKS ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Chưa xứng với tiềm năng

Ngành khoáng sản Việt Nam đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, là tài nguyên không tái tạo, có trữ lượng hạn chế, tuy nhiên sự phát triển và hiệu quả đóng góp của ngành đối với nền kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Một điều dễ thấy là công nghệ khai thác của nước ta còn lạc hậu, dẫn tới việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến, mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên của khoáng sản. Lấy dẫn chứng như titan, nếu chỉ khai thác và xuất khẩu thô như hiện nay giá trị đạt được rất thấp, nguồn thu mang lại Nhà nước không tương xứng với giá trị tài nguyên này. Cụ thể là sản xuất xỉ titan giá trị sản phẩm tăng 2,5 lần so với quặng, sản xuất được pigment giá trị tăng khoảng 10 lần, còn nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị tăng tới 80 lần.

Khai thác quặng trái phép ở Quỳ Hợp, Nghệ An

Bên cạnh đó, các khoáng vật phụ của quặng titan như zircon, rutil, monazit... nếu sản xuất thành zircon siêu mịn, rutil nhân tạo giá trị sản phẩm tăng 1,6 lần. Như vậy, nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu tinh quặng như hiện nay với giá 100 USD/tấn ilmenit (quặng titan), ngay cả tài nguyên dự báo quặng titan lên đến vài trăm triệu tấn như vừa mới điều tra địa chất ở vùng cát đỏ Bình Thuận thì cũng chỉ thu về được vài chục tỉ USD, bằng thu nhập của ngành Dầu khí trong vài năm. Trong khi đó, nếu chế biến sâu thì nguồn tài nguyên này có giá trị gấp từ 10-80 lần.

Không chỉ riêng titan, nhiều loại khoáng sản khác không phát huy được tối đa giá trị sản phẩm, chưa chú trọng đầu tư có chiều sâu về mặt công nghệ, dẫn đến tổn thất khai thác lớn. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành cho đầu tư đổi mới công nghệ. Mặc dù đã có khuyến cáo về ưu tiên nhập các thiết bị công nghệ từ các nước G7, song do nguồn đầu tư hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực cả về tài chính, thiết bị, công nghệ lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ, khai thác và chế biến bằng công nghệ lạc hậu. Dẫn tới việc chế biến thô sơ không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên mức độ thu hồi thấp và không thu hồi được khoáng vật đi kèm. Nhiều đơn vị không đầu tư tuyển tinh, xuất khẩu thô làm tổn thất một số quặng khác.

Lãng phí, tổn thất tài nguyên

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng trên 1.000 điểm khai thác - chế biến khoáng sản có đăng ký hợp pháp, bên cạnh hàng trăm nghìn cơ sở khai thác bất hợp pháp khác cùng cạnh tranh với nhau. PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh - Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (1996-2009) và trên thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có mỏ.

Trong 13 năm, cấp Trung ương đã cấp 353 giấy phép khai thác mỏ, cấp địa phương cấp tới 3.822 giấy phép khai thác mỏ. Các tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Lâm Đồng (136), Nghệ An (126), Lai Châu (124), Lào Cai (121)... Nhiều loại khoáng sản như đồng, chì, kẽm, antimon, than… xuất thô tiểu ngạch sang nước ngoài làm thất thoát đáng kể và cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Viện Tư vấn phát triển (CODE) cũng chứng minh rằng, mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu sản phẩm thô, song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu dừng lại ở mức quặng và tinh quặng. Vì vậy, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản, đồng thời gây lãng phí rất lớn tài nguyên do không tận dụng được đáng kể sản phẩm khoáng sản khác đi kèm.

Hiện nay, ở một số mỏ quy mô khai thác nhỏ, với mức độ cơ giới hóa thấp nên đa số chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và khoáng sản đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên. Đáng lo ngại hơn, việc khai thác theo dạng “ăn sổi” còn gây tổn thất trong chế biến khoáng sản ở mức độ cao. Chẳng hạn trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30-40%, nghĩa là khoảng một nửa thải ra ngoài môi trường. Thêm nữa, thực trạng tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn ở mức độ cao, đặc biệt ở các mỏ hầm lò, các mỏ địa phương quản lý. Một số điều tra nghiên cứu cho thấy, tổn thất khai thác khoáng sản như: khai thác apatit 26-43%; quặng kim loại 15-30%; vật liệu xây dựng 15-20%...

PGS.TS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN cho rằng, vấn đề bất cập hiện nay trong chế biến khoáng sản ở Việt Nam là có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm phụ và chất thải có thể tận thu trong quá trình chế biến khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên của đất nước. Một số trường hợp, giá trị của chất thải rắn, lỏng bị loại bỏ khỏi dây truyền chế biến quặng có giá trị kinh tế, chưa được tận dụng. Thực tế, trong tuyển quặng cromit tại mỏ Cổ Định (Thanh Hóa), một lượng lớn khoáng sét bị thải ra ngoài với thành phần khoáng vật chủ yếu là nontronit lại có giá trị sử dụng làm dung dịch khoan.

Siết chặt quản lý

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, dầu khí, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản. Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn tới thất thu ngân sách.

Đặc biệt, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong khai khoáng còn rất hạn chế. Dẫn đến tình trạng người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương. Tóm lại, ngành khai thác và chế biến khoáng sản kim loại trong nhiều thập kỷ qua chưa phát triển đúng với tiềm năng, đúng với vị trí, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Triển vọng của ngành khoáng sản còn nhiều tiềm năng trong dài hạn, bởi vậy cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế điều hành và tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ về tài nguyên, đầu tư, phát triển công nghệ khai thác có chiều sâu.

Mạnh Kiên