Dự án Bauxite tại Tây Nguyên: Đổi thay trên đất Nhân Cơ

07:00 | 16/08/2013

677 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần 3 năm trở lại Tây Nguyên, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay trên vùng đất do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xây dựng nền công nghiệp nhôm nước nhà. Chưa tính đến những con số cụ thể. Hoặc người ta vẫn còn bàn luận nhiều đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi là những gì hoàn toàn mới mẻ. Và đó chẳng phải là những tác động tích cực từ những dự án mà mỗi chúng ta cần có cái nhìn khác, đó là hiệu quả xã hội của các dự án.

Niềm vui của KDip

Thị trấn Lộc Thắng, Lâm Đồng mấy năm trước chỉ có vài chục nóc nhà ghép gỗ. Gió có thể lùa vào nhà bất cứ lúc nào dù là cơn gió nhỏ nhất. Con đường đất đỏ bụi mù khi có một chiếc xe công nông chạy qua. Giờ đây, thay vào đó là những dãy nhà xây, tường vôi xanh, vàng san sát. Cây xanh phủ kín trước nhà. Con đường nhựa phẳng lỳ chia ra các ngả. Nhiều hàng quán cũng đã treo biển sầm uất, với những số nhà, tên phố… Tại ngôi nhà số 46, đường Cao Bá Quát do Vinacomin xây tặng từ mấy năm trước, KDip ngồi trầm ngâm cùng mấy người bạn hàng xóm quanh một nồi nước lá. Thấy khách, KDip bật dậy.

Một góc thị trấn Lộc Thắng hôm nay

Dường như KDip đã quen với anh Vũ Văn Thế, Trưởng phòng Cơ điện Công ty Nhôm Lâm Đồng. KDip bảo: “Quen chớ, Thế qua đây nhiều mà, chỉ có rượu là nó không uống được thôi”. Rồi KDip cười khà khà rót ra vài cốc nước màu sẫm, bảo là nước lá rừng. Thì ra, do xây dựng nhà máy alumin mà ở hai đầu đất nước, hai dân tộc khác nhau đã thành quen và là bạn từ bao giờ. KDip là người dân tộc Châu Mạ, do giải phóng mặt bằng nhà máy mà được về ngôi nhà này. Hàng xóm của KDip cũng có vài nhà. Vũ Văn Thế trước đây làm việc tại Công ty Than Khe Chàm, anh đưa cả vợ, con, bán cả nhà ở Quảng Ninh vào đây làm việc.

Nước da Thế dường như cũng được tôi luyện qua cái nắng, cái gió của Tây Nguyên mà sạm lại. Thế vỗ vai KDip: “Thế nào, ổn định chưa? Nhà báo đang muốn hỏi thế đấy. Nay người anh em không lên nương à?”. KDip hiền từ: “Nay không, ở nhà uống rượu chơi à. Ổn định rồi chớ. Nhờ cái dự án mà KDip và bạn bè KDip mới có nhà xây ở đó chớ. Nhà KDip có 7 người ở cùng à, mà vẫn thấy rộng hèm…”. Thế cho biết, nhà KDip được Tập đoàn xây trong diện giải tỏa về đây. Ngoài ngôi nhà, nương của KDip vẫn đảm bảo đủ canh tác như trước là 4 sào nam bộ ở Lộc Quảng, cách Lộc Thắng cũng không xa. Ngôi nhà được xây dựng khá hợp với kiểu nhà của người dân tộc thiểu số. Ngoài các phòng ngủ, khu vực bếp, vệ sinh được thiết kế riêng biệt để gia chủ có thể sinh hoạt theo phong tục của dân tộc mình. Tôi thầm nghĩ, người dân tộc thiểu số, nhờ dự án mà đã lên phố, hòa nhập một cuộc sống đầy văn minh như thế này, quả là một điều kỳ diệu.

Lộc Thắng từ làng lên phố

Tại ngôi nhà số 66, đường Võ Thị Sáu, ông Dương Tấn Phát, Trưởng ban Thanh tra tổ dân phố số 18, khu 5, thị trấn Lộc Thắng gặp nhà báo là ông nói một tràng luôn. Chắc ông cũng đã nhiều lần tiếp nhà báo và ông biết phải trả lời như thế nào rồi. Ông bảo, ông là trưởng ban thanh tra tổ dân phố. Đất ở và nhà đền bù xây dựng về đây thì không nói làm gì. Nhưng đất canh tác, nếu có ai khác, không trong diện đền bù được chia đất là ông biết liền, đố có làm sai được. Còn ở tổ dân phố bây giờ, do bà con mới đến ở vài năm, còn quen với lối sống ở các nhà riêng biệt trước đây, nên lúc đầu thường vứt rác bừa bãi, mất vệ sinh lắm. Ông bắt phải thu gom. Bây giờ thì đã quen rồi. “Trước khác, giờ ở khu phố phải sạch sẽ chớ” - ông Phát nói to.

Ngã tư Lộc Thắng, cây cối và nhà cửa mọc lên san sát, đường sá tấp nập. Còn nhớ cách đây chỉ vài năm, khi tới Bảo Lộc, trời mưa là khó vào Lộc Thắng vì đường đi lại khó khăn, lầy lội do đất đỏ ngấm nước. Bây giờ đường nhựa sạch bóng, xe có thể đi tốc độ cao, chỉ chưa đầy 20 phút là vào đến trung tâm thị trấn. Cứ đi một đoạn, anh Vũ Văn Thế lại chỉ cho chúng tôi: “Đây, con đường này Tập đoàn đã đóng góp 500 tỉ đồng để địa phương xây dựng, kia con đường Tập đoàn đầu tư hoàn toàn vốn xây dựng tới hàng chục kilômét…”. Ngay cả trụ sở UBND thị trấn Lộc Thắng và 2 trường học THCS và THPT đều do Tập đoàn đóng góp xây dựng. Thế dẫn chúng tôi vào khu dân cư khá rộng. Đó là một quần thể khu vực nhà ở, đường sá và các công trình văn hóa do Tập đoàn làm chủ đầu tư. Nhân dân đã đến ở khá đông đúc. “Khu vực này sẽ hình thành một khu dân cư văn minh sạch đẹp với hạ tầng đầy đủ. Bây giờ đất ở Bảo Thắng đắt hơn ở Bảo Lộc đấy” - Thế tâm sự.

Đại lý thực phẩm Thanh Nhân

Những năm trước, khi đến tác nghiệp tại đây, chúng tôi thường phải nghỉ tại một khách sạn nhỏ do Tập đoàn mua lại của một tư nhân để tiện cho cán bộ, nhân viên đến làm việc tại dự án có chỗ ăn nghỉ. Nhưng giờ thì đã khác. Dẫn vào Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một con đường đôi rộng thênh thang. Nhiều nhà dân hai bên đường mọc lên san sát. Và ngay tại khúc cua vào nhà máy, khách sạn Hoàng Lan hiện ra khá rộng, phía trước là một hồ nước trong xanh, um tùm cây cối với những lối đi dạo mát mẻ. Xung quanh là nhà hàng và một vài quán cà phê, karaoke mọc lên. Xã Nhân Cơ dường như đã đổi thay quá nhiều. Từ một xã vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, giờ đây đã có không khí của thị trấn sầm uất với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.

Tôi đang dạo bước bên những hàng quán khu phố chợ Nhân Cơ, chợt nghe tiếng ghi ta tha thiết: “Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh…”. Người đàn ông chạc ngoài 50 tuổi, đeo kính trễ đang mải mê bên cây đàn của mình. Tôi bước đến gần, ông nhìn vào cái ghế tỏ ý mời ngồi, vẫn tiếp tục say sưa. Vì có cùng sở thích âm nhạc nên chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn. Đó là ông chủ quán chuyên cung cấp thực phẩm, rau quả lớn nhất thị trấn này có tên Thanh - Nhân. Tức ông là Nhân, còn vợ là Thanh. Và ông cũng là đại lý phục vụ chính cho công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo ông tâm sự, đây là thời điểm ông rảnh nhất, sau bữa cơm chiều cho đến chừng 10h30’-11h đêm. Sau một giấc ngủ chừng vài tiếng, đến tầm 3 giờ sáng trở đi, ông đã phải hành trình cung cấp thực phẩm cho khách đặt rồi. Từ ngày Dự án Alumin Nhân Cơ được triển khai, đại lý của ông phất lên nhanh chóng. Ông mở thêm hai cửa hàng nữa cho con trai và con gái của ông, cũng tại thị trấn này. Ông cho biết, trung bình một tháng, khách hàng là công nhân Việt Nam tại dự án đến lấy thực phẩm lên tới hàng trăm triệu đồng, cao điểm khoảng 150 triệu đồng/tháng. Khách Trung Quốc cũng có thời điểm lấy đến trên một trăm triệu đồng, nhưng bây giờ họ đã về gần hết nên sức mua giảm nhiều rồi. Gia đình ông tỏa đi khắp các ngả để gom hàng đáp ứng cho khách.

Ông Nhân nói, chẳng biết dự án sau này thế nào và những lời bàn cãi sẽ ra sao, nhưng có một điều ông biết chắc chắn rằng, cả cái xã Nhân Cơ này, cả cái thị trấn vùng sâu này mấy năm nay đã nhờ dự án alumin mà trở lên đông đúc. Người dân làm ăn trong khí thế công nghiệp hơn. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, trong đó có gia đình ông. Nhiều công trình phúc lợi xã hội như đường sá, nhà hàng, khách sạn, nhà cửa… cũng được mọc lên. Đó là một hiện thực.

Hùng Hải