Có “lợi ích nhóm” trong khai thác khoáng sản

08:08 | 20/10/2014

2,432 lượt xem
|
Tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản đang diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước… mà còn làm thất thu ngân sách hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Tài nguyên quốc gia đang bị “chảy máu” là nhận định chung của nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?”. Bên lề hội thảo, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương để làm rõ vấn đề này.

Năng lượng Mới số 366

PV: Trước hết, xin ông đánh giá về tiềm năng thu ngân sách từ khai thác khoáng sản của Việt Nam?

TS Lê Đăng Doanh: Nước ta có tài nguyên khoáng sản hết sức đa dạng nhưng không phải là giàu. Đa dạng vì chúng ta có tới 60 loại khoáng sản khác nhau, nhưng giàu theo tiêu chuẩn thế giới thì phải có ít nhất 2 loại khoáng sản chiếm hơn 5% trữ lượng thế giới thì lại không. Vì vậy, nước ta không thể giàu lên nhờ khai thác khoáng sản được.

Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, khai thác khoáng sản đã có những đóng góp hết sức đáng kể cho nguồn thu ngân sách, cho xuất khẩu và đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều triệu người. Đây là điều rất đáng ghi nhận.

Có “lợi ích nhóm”  trong khai thác khoáng sản

TS Lê Đăng Doanh

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, khai thác khoáng sản đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, ông nghĩ sao về điều này?

TS Lê Đăng Doanh: Đúng là công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam đang nảy ra rất nhiều vấn đề. Ví như số giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thì ít mà số giấy phép do các tỉnh cấp thì lại quá nhiều, chiếm tới hơn 80% số giấy phép. Có tỉnh cấp tới hơn 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng rồi thu ngân sách lại không đủ để nuôi bộ máy quản lý, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản. Còn có tỉnh khác cấp cho khai thác mỏ thì cái mỏ ấy dùng xe đến 40 tấn, nó phá nát tất cả đường sá, gây ô nhiễm môi trường... và than phiền là không đủ tiền để mà xây lại được. Đây là điều lợi bất cập hại, là điều hết sức phi lý.

Một điểm nữa, trong khi nguồn thu từ khai thác khoáng sản còn thấp, nhiều doanh nghiệp nói họ còn phải mất rất nhiều phí mới tiếp cận được đến hồ sơ. Rồi hồ sơ đó có đáng tin cậy hay không, rồi thì nộp lệ phí để được khai thác mỏ... và sau đó là phí tài nguyên môi trường, phí hoàn thổ... Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, khai thác tài nguyên khoáng sản trở thành gánh nặng với dân cư ở nơi đó, đất thì không khai thác được về mặt nông nghiệp, nước thì ô nhiễm.

PV: Vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do chúng ta chưa có sự công khai, minh bạch và chúng ta chưa nghiêm túc trong việc thực thi luật pháp cũng như chưa đảm bảo được việc tài nguyên là tài sản của toàn dân ghi trong Hiến pháp. Trong khi đó, trên thế giới, người ta có sáng kiến về minh bạch trong khai thác khoáng sản. Người ta có quy trình, có tiêu chí, người ta yêu cầu tất cả mọi thông tin phải được công khai. Còn ở Việt Nam, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa công khai nên giờ là tự khai, tự nộp và nộp thì lại nộp bằng tiền mặt.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang phải chịu chi nhiều loại phí không chính thức và thu ngân sách không đạt được vì các nguồn lợi bị chia chác quá nhiều, dẫn tới việc chúng ta cố tình chưa minh bạch trong khai thác khoáng sản?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng, một trong những nguyên nhân khiến chúng ta chậm tham gia công ước minh bạch trong khai thác khoáng sản là có “lợi ích nhóm”. Chính vì vậy, nguồn lợi tài nguyên khoáng sản đã chảy vào túi một số cá nhân và những cá nhân này đã dùng nguồn lợi đó vào các mối liên hệ nào đấy để làm chậm trễ quá trình gia nhập này.

Tôi muốn lưu ý một điều, theo thống kê của Trung Quốc thì năm 2012, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cao hơn 5,6 tỉ USD so với con số thống kê của Việt Nam và phần lớn là khoáng sản. Mà số xuất lậu này chắc chắn là không có nộp thuế. Vậy số tiền bán tài nguyên đó đã vào túi ai và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? Tại sao số xuất khẩu mà Trung Quốc ghi nhận lại cao hơn số ghi nhận của chúng ta? Đây là số tiền không nhỏ và chúng ta phải xem xét, tại sao số liệu thống kê của ta lại thấp hơn số liệu thống kê của Trung Quốc như vậy.

PV: Vậy chúng ta cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, Quốc hội cần phải có Nghị quyết và Chính phủ cần phải ra Quyết định về việc tham gia sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản. Kinh nghiệm trên thế giới, như là Mông Cổ chẳng hạn. Họ là một nước giàu tài nguyên, họ chẳng có biển nhưng lại tham gia rất sớm và họ đã thu được một nguồn lợi rất lớn. Hiện nay, họ phát triển kinh tế cao hơn chúng ta rất nhiều, GDP tăng lên tới 11,5%, gấp 2 lần chúng ta bây giờ. Đây là điều chúng ta rất cần suy nghĩ và xem xét.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, khai thác khoáng sản. Ở đây, tôi nghĩ chúng ta cần phải bắt đầu từ khâu đánh giá tài nguyên và quản lý, bởi qua nhiều thông tin, tôi được biết có hiện tượng người ta cắt nhỏ các mỏ ra, sau đó người ta bảo đó là quyền theo phân cấp. Chính vì vậy mới có hiện tượng hết sức đáng nghi ngại là có tỉnh đã cấp tới 200 giấy phép khai thác mỏ. Trong khi đó, năng lực quản lý của các cơ quan ấy lại rất thấp, đặc biệt có khi thu ngân sách từ các mỏ đấy lại không đủ để nuôi bộ máy ấy... chứ đừng nói gì đến chuyện đóng góp cho xây dựng hạ tầng xã hội.

Trước tình trạng cân đối ngân sách khó khăn thì tôi nghĩ rằng, đây là một trong những động cơ, thời điểm thích hợp để chúng ta thúc đẩy thực thi minh bạch, công khai trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Thu ngân sách từ ngành khai thác khoáng sản chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư, sản lượng khai thác và tổn thất môi trường. Chính sách quản lý hiện tại cũng chưa khuyến khích để doanh nghiệp khai thác khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở cho việc thất thoát nguồn thu.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII của Việt Nam đã thông qua Luật Khoáng sản năm 2010 để thay thế các quy định không còn phù hợp. Luật Khoáng sản năm 2010 mới ban hành đã có nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ, đã khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong quản lý khoáng sản; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đang chuyển dần sang cơ chế đấu giá rõ ràng và minh bạch hơn; hệ thống cơ quan thực thi pháp luật về khoáng sản dần được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương. Thời gian tới, nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực khoáng sản tiếp tục được ban hành sẽ góp phần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này.

Hà Lê - Hữu Tùng

 

  • el-2024