Chế biến tinh quặng sắt từ bùn đỏ

07:00 | 21/04/2014

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/4, đoàn công tác do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã tới Nhà máy cán thép Thái Hưng (Hải Dương) thị sát việc thử nghiệm ở quy mô công nghiệp công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ. Đề án do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, với chủ trương xã hội hóa bắt đầu từ năm 2012.

Năng lượng Mới số 314

Một hướng đi mới

Chương trình nhiều mục tiêu trên từng được Phó thủ tướng giao nhiệm vụ từ đầu năm 2013 với thời hạn 36 tháng. Tuy nhiên mọi việc đã hoàn thành, cho kết quả sớm và khả quan hơn nhiều so với dự định.

Báo cáo của thường trực đề án cho thấy, sau chế biến 2,4 tấn bùn đỏ khô sẽ thu được 1 tấn tinh quặng sắt 62%. Nếu tính giá 1,9 triệu đồng/tấn, trong khi chi phí khoảng 1,4 triệu đồng/tấn, cộng thêm chi phí bảo vệ môi trường, sáng chế, khấu hao máy móc... thì kết quả trên hứa hẹn một hướng đi nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp alumin - nhôm cũng như xử lý tốt hơn vấn đề môi trường bền vững.

Theo thiết kế Nhà máy Alumin Tân Rai, sản xuất một tấn alumin sẽ tạo ra khoảng một tấn bùn đỏ quy khô. Với công suất 650.000 tấn/năm, khi sản xuất đạt công suất thiết kế, lượng bùn đỏ sinh ra từ nhà máy sẽ khoảng 650.000 tấn quy khô/năm.

Thép ra lò từ bùn đỏ

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Hưng (đơn vị nhận thử nghiệm) cho biết, thời gian qua nhà máy đã tiến hành sản xuất trên quy mô công nghiệp (mẻ từ 40-200 tấn bùn đỏ). Tính toán ban đầu về chi phí cho thấy từ 2,4 tấn bùn đỏ khô sẽ thu được 1 tấn tinh quặng sắt 62%.

Theo báo cáo của các đơn vị thực hiện, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới (như Australia, Hungary…). Cụ thể, hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy Alumin Lâm Đồng dao động 35,8-40% (tính theo Fe) và 51,1-56,3% (tính theo Fe2O3), được coi là tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.

Phó thủ tướng đã xem xét kỹ dây chuyền công nghệ thiêu kết hợp với nghiền và tuyển từ - được đánh giá có hiệu quả kinh tế khi tiêu tốn năng lượng thấp. Tại dây chuyền, bùn đỏ ướt được tách bằng kỹ thuật lọc áp suất cao nhằm tách phần lớn dung dịch ra khỏi bùn đỏ. Phần dung dịch sau khi tách được tái sử dụng trong chu trình bayer. Bùn đỏ khô được nghiền mịn và trộn với than, đôlômit và chuyển lên dây chuyền thiêu kết sử dụng khí hóa than dư của lò cao luyện gang.

Mẫu bùn đỏ sau thiêu kết được nghiền mịn và tuyển từ để thu hồi tinh quặng sắt - nguyên liệu cho sản xuất gang hoặc sắt xốp bằng công nghệ thông thường. Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp này đạt tiêu chuẩn mác thép SD 390 Nhật Bản. Ông Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học (cơ quan thường trực đề án) cho biết, tháng 6 tới sẽ có thể kết thúc đề tài thử nghiệm quy mô công nghiệp để chuyển sang nghiên cứu tiền khả thi triển khai dự án trên thực tế.

Trên cơ sở này, Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị thực hiện tiếp tục hoàn thiện thêm về công nghệ, tiến hành nghiệm thu theo quy định để bước sang giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trên cơ sở dự án được báo cáo, Chính phủ sẽ xem xét các cơ chế hỗ trợ phù hợp để dự án có thể triển khai hiệu quả, phát huy được những lợi ích tổng thể trong ngành khai thác, sản xuất alumin - nhôm, từ việc giảm trừ chi phí xử lý hồ bùn đỏ, chi phí các sản phẩm phụ thu hồi và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường.

Sớm cổ phần hóa dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bùi Quang Chuyện cho hay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành nhằm đề xuất các cơ chế tài chính cho 2 dự án chế biến bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ. Mục tiêu được đặt ra là sớm hoàn vốn để cổ phần hóa hai dự án này.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh mức phí môi trường với quặng bauxite tối đa là 4.000 đồng/tấn bauxite nguyên khai, tương đương 10% giá thành khai thác bauxite. Quy định mức phí bảo vệ môi trường tại Nghị định 74 từ 30.000-50.000 đồng/m3 được Bộ Công Thương cho là không hợp lý, bởi gấp 25-30 lần khai thác đất và gần bằng giá thành khai thác 1 tấn bauxite nguyên khai. Trong khi đó, phí môi trường khai thác than chỉ bằng 1% giá thành khai thác. Bởi vậy, Bộ Công Thương ủng hộ mức phí môi trường với khai thác quặng bauxite như đề xuất của ngành than.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từng đề nghị điều chỉnh việc thu phí môi trường đối với khai thác quặng bauxite theo hướng tối đa 4.000 đồng/tấn quặng bauxite nguyên khai (tương đương 7.000 đồng/m3), bằng khoảng 10% giá thành khai thác quặng bauxite.

“Để sản xuất ra 1 tấn alumin cần 5,5-6 tấn quặng bauxite. Việc sản xuất từ bauxite sang alumin là quá trình chế biến. Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, sản phẩm xuất khẩu nếu là tài nguyên khoáng sản đã được chế biến thành sản phẩm khác thì được áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%, nếu chưa được chế biến thành sản phẩm khác thì thuộc đối tượng không chịu thuế này. Ở đây bauxite đã được chế biến thành alumin nên Bộ Công Thương đề xuất thuế VAT với xuất khẩu alumin là 0%”, ông Chuyện nói.

Hai dự án bauxite có thời gian hoạt động là 30 năm, trong đó dự án bauxite Tân Rai dự kiến lỗ 5 năm và 12 năm sẽ hoàn vốn. Dự án Nhân Cơ cũng có kế hoạch lỗ 7 năm và thời gian hoàn vốn là 13 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, dự án chạy đầy tải là có thể tính tới phương án cổ phần hóa với các chính sách ưu đãi hợp lý như các dự án có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực hoàn toàn mới đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác.

Theo ông Vũ Minh Thành - Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, đến nay hầu hết các hạng mục của dự án đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Nhà máy Alumin đã sản xuất được gần 220 ngàn tấn alumin, đã tiêu thụ 216 ngàn tấn với các đối tác Thụy Sĩ, Hongkong, Hàn Quốc, Singapore. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản) với khối lượng 300 ngàn tấn/năm và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) với khối lượng 150 ngàn tấn/năm.

Tùng Lê