Trung Quốc phạt tập đoàn dược phẩm lớn nhất nước Anh

07:05 | 21/09/2014

849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 20/9, một tòa án ở tỉnh Hồ Nam vừa tuyên án đối với Tập đoàn Dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) cùng 4 quan chức của GSK với số tiền 490 triệu USD cùng những bản án tù treo khác nhau.

Đây là số tiền phạt kỷ lục ở Trung Quốc đối với một doanh nghiệp nước ngoài sau khi GSK bị buộc tội đã hối lộ bác sĩ và bệnh viện để quảng cáo bất hợp pháp các sản phẩm của họ. Ngoài số tiền phạt kể trên, cựu trưởng đại diện GSK ở Trung Quốc Mark Reilly đã bị toà tuyên án 3 năm tù treo và sẽ bị trục xuất khỏi nước này.

Giám đốc điều hành của hãng SGK Sir Andrew Witty tuyên bố, họ phải học thêm các bài học từ vụ việc thế này, cho dù GSK (Tập đoàn dược phẩm lớn nhất nước Anh) đã kinh doanh ở Trung Quốc gần 100 năm. Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh cho biết, họ chưa có thông tin về việc ông Mark Reilly có thể bị trục xuất và từ chối bình luận về phiên tòa này. Theo giới truyền thông, để đưa ra phán quyết kể trên, giới chức Trung Quốc đã điều tra hơn 1 năm trước (tháng 7/2013) trong vụ hối lộ lớn nhất của GSK - bị cáo buộc đã thu lợi bất hợp pháp khoảng 150 triệu USD từ các hoạt động quảng cáo trá hình.

Trung Quốc phạt tập đoàn dược phẩm lớn nhất nước Anh

GSK vừa bị áp án phạt kỷ lục với một doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc.

GSK còn bị cáo buộc sử dụng các đại lý du lịch và hãng tư vấn để hối lộ 3 tỷ NDT (khoảng 490 triệu USD) cho quan chức bệnh viện từ năm 2007. Có tin nói rằng, chi nhánh GSK ở Trung Quốc từng mở lớp huấn luyện đặc biệt cho nhân viên bán hàng về cách thức hối lộ bác sĩ. Theo đó, tiền hối lộ được gọi là “chi phí tập huấn” và bác sĩ thường được hưởng 10-20 NDT cho một lần kê đơn thuốc. Công an Trung Quốc cho rằng, từ 7% đến 10% doanh số của chi nhánh GSK ở Trung Quốc được chuyển vào túi của bác sĩ kê đơn thuốc.

2 tháng trước (21/7), ông Abbas Hussain, người quản lý hoạt động của GSK tại các thị trường mới nổi cho biết, một số giám đốc chi nhánh của GSK ở Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc khi tìm mọi cách để nâng giá thuốc tiêu thụ tại thị trường này. Được biết, cuối tháng 5, Cơ quan phòng chống gian lận nghiêm trọng (SFO) của Anh đã chính thức mở cuộc điều tra quy trình bán thuốc của GSK, sau khi nhận được cáo buộc từ một số quốc gia.

Trước đó, GSK cũng thừa nhận đã hối lộ hàng loạt bác sĩ có ảnh hưởng ở Trung Quốc để họ kê đơn giúp tập đoàn này bán thuốc tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Mọi việc vỡ lở sau khi GSK nhận được đơn tố cáo (tháng 1/2013) của một người nặc danh về hành vi phạm pháp và nhân viên điều tra độc lập Peter Humphrey được cử đi thu thập chứng cứ. Và đây được coi là cách xử lý khéo léo của GSK, khiến người tiêu dùng không thể chỉ trích tập đoàn, chỉ quy sai phạm cho lãnh đạo chi nhánh GSK ở Trung Quốc.

Không những dính bê bối ở Trung Quốc, Iraq, Jordan, Lebanon, Ba Lan, GSK còn phải đối mặt với bê bối mới sau khi một bức thư điện tử nặc danh gửi tới Giám đốc điều hành GSK Andrew Witty và Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Judy Lewent - tố cáo GSK đã hối lộ các nhà phân phối ở Syria để tăng doanh số bán hàng của tập đoàn ở nước này. Ngoài ra, bức thư còn cáo buộc GSK hối lộ quan chức Bộ Y tế Syria để giành một số loại vaccine bán bất hợp pháp tại nước này. Tuy tuyên bố mở cuộc điều tra triệt để đối với cáo buộc trong bức thư và cam kết kỷ luật nặng đối với những cá nhân liên quan, nếu phát hiện có vi phạm, nhưng cho tới nay vẫn chưa có phản hồi từ GSK. Khoảng 2 năm trước, GSK từng bị giới chức Mỹ phạt 3 tỷ USD sau khi tập đoàn này thừa nhận hối lộ bác sỹ để khuyến khích họ kê đơn những loại thuốc chống suy nhược không phù hợp cho trẻ em.

GSK không phải là tập đoàn dược nước ngoài đầu tiên và cuối cùng bị cáo buộc hối lộ bác sĩ tại Trung Quốc. Hơn 1 năm trước (tháng 8/2013), hãng dược Pháp Sanofi từng bị cáo buộc hối lộ hơn 500 bác sĩ ở 79 bệnh viện với khoản tiền 288.000 USD. Trong năm 2013, theo kết quả điều tra của chính quyền Trung Quốc, hơn 90% nhân viên y tế của thành phố Trương Châu, tỉnh Phúc Kiến liên quan đến các vụ tham nhũng và bán thuốc. 4 năm trước (2010), lần đầu tiên giới chức Trung Quốc phanh phui vụ nhận hối lộ để bán thuốc và khi đó, 9 lãnh đạo quản lý dược của các bệnh viện công ở thành phố Châu Hải, Phúc Kiến đã bị kết tội nhận hối lộ và có người phải nhận mức án chung thân.

Đông Ngàn - Bắc Ninh