Tại sao Trung Quốc bổ nhiệm nữ phát ngôn trong quân đội?

08:26 | 03/09/2014

1,659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự xuất hiện của nữ phát ngôn trong quân đội Trung Quốc lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn. Bởi trước đó quân đội Trung Quốc chỉ có ông Cảnh Nhạn Sinh là người phát ngôn, nay Đại tá Hình Quảng Mai được bổ nhiệm và là người phát ngôn của lực lượng hải quân.

Đương nhiên, người được bổ nhiệm làm nhiệm vụ này là “đối tượng khám phá” của mọi người. Theo giới chuyên môn, họ có ấn tượng mạnh trước sự thông minh, khả năng ứng phó nhanh, rõ ràng với những tình huống không mong đợi, cũng như gặp những câu hỏi, vấn đề khó, cùng hình thức của bà Hình Quảng Mai.

Bà Hình Quảng Mai

Tại cuộc họp báo đầu tiên hôm 26/8 (kỷ niệm 120 năm chiến tranh Trung-Nhật), bà Hình Quảng Mai đã tạo được ấn tượng khá tốt. Trước đó (tháng 11/2013), Đại tá Hình Quảng Mai là một trong hai người phụ trách vấn đề truyền thông của quân đội Trung Quốc, nhưng khi đó bà ít xuất hiện.

Ngoài hàm Đại tá, bà Hình Quảng Mai còn là Tiến sĩ luật tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc; là Phó Tổng thư ký phụ trách Quân sự Quốc tế của Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc; là thành viên của Hiệp hội Luật Quốc tế Trung Quốc, Hội Luật Biển Trung Quốc và Hội Luật quân sự Trung Quốc; là Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Hải quân thế giới của Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, và từng là giảng viên về an toàn hàng hải, chiến lược quân sự hải quân tại Đại học quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Được biết, Đại tá Hình Quảng Mai đã nhiều lần đại diện cho Trung Quốc tham dự các hội nghị và diễn đàn về vấn đề hàng hải và an ninh, đã cho xuất bản hơn 40 báo cáo nghiên cứu và hoàn thành hơn 100 dự án tư vấn chiến lược hải quân.

Việc bổ nhiệm kể trên chứng tỏ Trung Quốc đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại và tuyên truyền của hải quân trong thời gian tới. Giới chuyên môn cho rằng, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “dư luận hiểu về âm mưu độc bá Biển Đông”, cũng như tranh chấp lãnh thổ với các nước hữu quan.

Ngày 1/9, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, cùng với việc hạ thủy, biên chế một loạt tàu khu trục nội địa, khả năng hoạt động tầm xa của hải quân Trung Quốc đã được cải thiện nhanh. Nhưng tàu tiếp tế tổng hợp biển xa (Type 903A) do Trung Quốc tự sản xuất vẫn nằm trong giai đoạn lắp ghép, sắp hạ thủy. Điều này chứng tỏ quân đội Trung Quốc không thể duy trì một lượng lớn tàu chiến ở vùng biển xa. Đến năm 2013, Bắc Kinh mới có 4 tàu tiếp tế Type 903 và con tàu thứ 5 đang lắp ráp và so với Washington thì khả năng tiếp tế biển xa của hải quân Trung Quốc vẫn thua kém xa. Mỹ hiện sở hữu 4 tàu tiếp tế tổng hợp tốc độ cao cỡ lớn lớp Sacramento 53.000 tấn, 4 tàu tiếp tế tổng hợp 49.000 tấn và hơn 10 tàu tiếp tế đạn dược tổng hợp thế hệ mới lớp T-AKE  41.000 tấn.

Tờ Jane's Defense Weekly cho rằng, Bắc Kinh đã triển khai máy bay trực thăng Z-18F phiên bản săn ngầm, nhưng hải quân Trung Quốc chưa có tàu khu trục hoặc tàu hộ vệ có thể hỗ trợ cho Z-18F, nên chỉ có thể cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh hoặc 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071. Ngày 28/8, tờ Shanghai Morning Post cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh có thể chở 4 trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J (AEW), 6 trực thăng chống tàu ngầm Z-18F, 2 trực thăng cứu hộ Z-9C và  24 chiến đấu cơ J-15.

Chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược Washington cho rằng, việc chiến đấu cơ J-11 áp sát máy bay tuần tra của Mỹ trên Biển Đông là một tiêu chí rõ ràng - không chấp nhận bị động trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời khẳng định “đã có khả năng tác chiến trên không ở Biển Đông”. Dư luận cũng quan tâm tới “tuyến đường sinh mệnh trên biển” tại Ấn Độ Dương bởi có khoảng 80% dầu mỏ vận chuyển phải đi qua đây, và hơn 50% số hàng này được chuyển tới Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngày 30/8, khi trả lời phỏng vấn tờ El Mercurio của Chile, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo Đô đốc Harry Harris, căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông hiện lên cao chưa từng thấy và không hiểu vì sao Trung Quốc lại do thám cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). El Mercurio cho rằng, trong 5 năm tới, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tại Thái Bình dương.

Ngày 29/8, tờ Fuji Sankei Business cho rằng, Ấn Độ đang gấp rút tăng cường và đổi mới quân bị để đối phó với nguy cơ bành trướng của Trung Quốc như triển khai tên lửa đất đối không mới ở khu vực miền Bắc, gần biên giới với Trung Quốc. Trong năm 2014, Ấn Độ sẽ triển khai 5 tàu chiến và 10 năm tới, có kế hoạch chế tạo 42 tàu chiến, trong đó có 3 tàu săn ngầm. Trung Quốc hiện sở hữu 52 tàu ngầm (gấp 3 lần Ấn Độ) và chỉ trong 2 năm qua Bắc Kinh đã chế tạo 20 tàu săn ngầm. 

Ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro đã chủ trì lễ bàn giao tàu tên lửa tấn công nhanh (KCR-60) thứ 2 mang tên Tombak-629 cho hải quân. Và chiếc KCR thứ ba sẽ hoàn tất trong tháng 9. Dự kiến, Indonesia sẽ đóng thêm 48 tàu tên lửa tấn công nhanh, trong đó có 16 chiếc KCR-60, 16 chiếc KCR-40, và 16 tàu tuần tra cao tốc. Ông Purnomo Yusgiantoro cho rằng, việc đưa vào biên chế tàu tên lửa tấn công nhanh KCR ​​sẽ nâng tầm của hải quân Indonesia trong phòng thủ và bảo vệ các vùng lãnh thổ của nước này.

Australia sẽ mua một hạm đội tàu ngầm tàng hình (tàu ngầm lớp Soryu) của Nhật Bản và thương vụ chưa có tiền lệ này đang được giới chuyên môn quan tâm. Australia muốn thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins cũ bằng 12 tàu ngầm lớp Soryu mới (500 triệu USD/chiếc, giúp Australia tiết kiệm chi phí sau khi Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston quan ngại về khoản chi phí lên tới 37,3 tỷ USD đối với phương án tương tự) vào những năm 2030. Nếu thương vụ được tiến hành sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ cuối Thế chiến II, Nhật Bản bán vũ khí hoàn chỉnh cho nước ngoài. Nhưng khi được hỏi, người phát ngôn Bộ quốc phòng Nhật Bản Hirofumi Takeda đã từ chối bình luận về thông tin kể trên.

Tân Hồng - Tiên Du