Giáo dục Trung Quốc:

Một nền giáo dục không dành cho tất cả!

10:30 | 22/09/2014

1,332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để con cái được vào các trường Đại học hàng đầu và trung học "điểm", ở Trung Quốc, phụ huynh phải chi một khoản tiền "lót tay" lên tới hàng chục ngàn đôla!

Có thể nói sự bất bình đẳng trong giáo dục Trung Quốc thể hiện mọi nơi, trên nhiều phương diện. Chi phí hàng năm cho một học sinh trung học tại Bắc Kinh năm 2010 lên đến 20.023 tệ, hơn sáu lần so với tỉnh nghèo Quý Châu. Năm 2012, học sinh tại Hồ Bắc thậm chí phải khuân theo bàn học khi đến trường. Tỉ lệ bỏ học tại vùng sâu vùng xa ngày càng tăng. Năm 1997, Trung Quốc có 630.000 trường tiểu học; năm 2011, còn 254.000. Dù trên nguyên tắc mọi học sinh đều có thể thụ hưởng giáo dục miễn phí từ tiểu học đến trung học cơ sở, phụ huynh tại các tỉnh thành vùng xa thường rất vất vả, nếu không nói là vô cùng khốn đốn, khi xoay sở “mua cái chữ” cho con em họ.

Hiện có khoảng 60 triệu trẻ em vùng quê Trung Quốc thậm chí còn không đủ điều kiện đến trường

Nghèo mạt không thể mơ đến việc nuôi con ăn học. Theo khảo sát của Dương Đông Bình, chuyên gia giáo dục thuộc Viện kỹ thuật Bắc Kinh và giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, phụ huynh miền quê phải chi trung bình 2.000 tệ/năm cho chi phí giáo dục, chưa kể nhiều khoản phí ngoài luồng chẳng hạn 300 tệ/tháng để con em được xếp ngồi các dãy bàn trên cùng. Cũng theo họ Dương, hiện có đến 900.000 em từ 6-8 tuổi ở các vùng quê nghỉ học mỗi năm…

Không bằng chứng nào rõ rệt về sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc bằng chính sách hộ khẩu. Ít nhất 20 triệu trẻ thuộc các gia đình nhập cư tại những thành phố lớn phải học trường tư, nơi học phí luôn đắt đỏ và chất lượng luôn phập phồng; rồi chúng lại buộc phải trở về nơi có đăng ký hộ khẩu vào mỗi mùa thi.

Ngay cả với phụ huynh tại các thành phố lớn cũng phải chạy chọt, với những khoản hối lộ biến động tùy theo từng năm, để con em họ “được” học tại “trường điểm” trái tuyến. Vấn đề hộ khẩu và những nghịch lý éo le đến mức quái đản của nó thật sự đã và tiếp tục tạo ra vô số bi kịch. Nó là một trong những rào cản lớn nhất trong việc xây dựng một nền giáo dục thật sự vững mạnh đối với Trung Quốc.

Biếm họa về cuộc chạy đua vì sự nghiệp học hành của con của phụ huynh Trung Quốc

Cuối năm 2012, một chuyện liên quan giáo dục và hộ khẩu đã làm xôn xao dư luận nước này. Cùng gia đình rời quê nhà Giang Tây năm 1994, đầu tiên đến Chu Hải rồi cuối cùng lên Thượng Hải năm 2002, Chiêm Hải Đặc đã bị từ chối khi đến tuổi vào trung học. Phẫn nộ, Chiêm phản ứng gay gắt. Ngày 8/12/2012, gia đình Chiêm cùng một số phụ huynh nhập cư đồng cảnh ngộ tổ chức biểu tình tại quảng trường Nhân Dân ở Thượng Hải. Kết quả: bố Chiêm bị bắt và người chủ nhà trọ cũng cắt hợp đồng đuổi cả nhà Chiêm…

Cần nói thêm, Thượng Hải hiện có gần 10 triệu người đang sống không mang hộ khẩu địa phương, tức 40% dân số; và khắp Trung Quốc, như đánh giá OECD, đến năm 2030, sẽ có thêm 300 triệu người rời vùng quê lên đô thị để cùng sống với 600 triệu người nhập cư hiện tại, những người mà dân đô thị thường gọi một cách khinh thị là “bọn châu chấu”! Nếu chính sách hộ khẩu không thay đổi, giáo dục và tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục còn bị ảnh hưởng…

Cần biết, tỉ lệ sinh viên tại Đại học Bắc Kinh (được xếp thứ 41 trong bảng xếp hạng 100 đại học tốt nhất thế giới 2014 của Times Higher Education) đã giảm xuống còn khoảng 10% trong một thập niên qua so với 30% thập niên 1990. Những đại học “hạng sang” như Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh là nơi không dành cho sinh viên tỉnh xa.

Vấn đề không hẳn là dân tỉnh không có tiền để lên Bắc Kinh học mà bởi chính sách thi cử trong đó “dân có hộ khẩu ở đâu thì thi ở đó”. Các đại học tinh hoa lại phân bổ quota tuyển sinh ưu tiên cho các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Một nghiên cứu cho biết, một thí sinh gốc Bắc Kinh sẽ có lợi thế gấp 41 lần để vào Đại học Bắc Kinh so với sinh viên tỉnh nghèo An Huy. Chính sách này đã tạo ra “cơ chế” cho tham nhũng. Phụ huynh muốn “xí chỗ” cho con em vào các trường lớn phải tình nguyện “góp sổ vàng” hàng chục ngàn đôla. Với các trường trung học hàng đầu, “phí” lót tay có thể lên đến 130.000 USD!

Đại học Bắc Kinh – nơi gần như không dành cho sinh viên các tỉnh nghèo

Sự bát nháo bởi tham nhũng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc thể hiện mọi nơi, từ đại học xuống tận mẫu giáo. Gần như chẳng có mức học phí cụ thể làm chuẩn nào cả trong hệ thống trường mẫu giáo Bắc Kinh bởi “phí ủng hộ” nhà trường được tính mỗi nơi mỗi khác.

“Nếu con tôi được nhận vào trường điểm gần nhà, tôi phải đóng khoảng 80.000 tệ (11.713 USD) cho “phí ủng hộ”. Như thế là quá đắt khi lo cho một đứa trẻ vào mẫu giáo so với một sinh viên đại học” – phụ huynh Ding Yan tâm sự.

Christian Science Monitor cho biết, mức học phí trung bình đối với một trường tên tuổi tại Bắc Kinh hiện gần 1.000 tệ/tháng (so với khoảng 700 tệ đối với mức phí cho sinh viên Đại học Bắc Kinh).

Bé Jin Shilin 4 tuổi rưỡi đã bắt đầu quen với chương trình thời khóa biểu nghiêm nhặt từ khi mới 18 tháng. Ngoài lớp song ngữ tại trường mẫu giáo, Jin còn học “ngoại khóa” nhạc và học vẽ với cô giáo tiếng Anh. Vào những ngày cuối tuần, Jin còn bận hơn cả ông bố chủ ngân hàng và bà mẹ giám đốc công ty PR của em, bởi em phải học thêm vài môn nữa trong đó có… nghệ thuật giao tiếp phương Tây! Trong lớp, Jin được điểm danh là “Stephen” – cái tên tiếng Anh “giúp nó sau này dễ hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa” – như lời ông bố James Jin. Ở nhà, Jin được gọi là “Jin Beibei” - cậu bé vàng.

Bắc Kinh đang có nhiều cậu bé vàng tương tự, những đứa trẻ may mắn sinh trong gia đình giàu có được tiếp cận đủ phương pháp giáo dục tiên tiến bằng giáo trình song ngữ, từ Montessori, Olaf đến Froebel, với mức học phí ít nhất 2.000 tệ (khoảng 300 USD)/tháng (chưa kể “tiền ủng hộ thiện tâm” từ 30.000-100.000 tệ/năm). Jin và những đứa bạn may mắn của nó cũng là hình ảnh tương phản với những em sinh trong gia đình lao động nhập cư nghèo nàn. Chúng không có cơm đủ ăn huống hồ “có phước” được đi mẫu giáo (mà thậm chí khi bố mẹ xoay sở đủ tiền thì chúng cũng khó được học ở thành thị bởi không có hộ khẩu!)….

Tất cả những chuyện như vậy đang diễn ra ở một nước mà giáo dục được qui định miễn phí từ mẫu giáo cho đến cấp trung học cơ sở và việc chọn trường bị cấm từ năm 2005!

Cao Minh