Vụ bê bối của cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang:

Âm phù, dương trợ, nhưng…

07:00 | 19/08/2014

4,505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11-8, tờ Nhân Dân nhật báo tiết lộ đời tư của ông Chu Vĩnh Khang sau khi phóng viên tạp chí Nhân vật Hoàn cầu về quê của cựu Bộ trưởng Công an ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Ông Chu Vĩnh Khang sinh ra (năm 1942, là con trai cả của ông Chu Nghĩa Sinh và bà Chu Tú Kim) tại một ngôi làng nhỏ với hơn 100 hộ dân ở thôn Tây Tiền Đầu, khu Hanh Kiều, Vô Tích.

(Tiếp theo kỳ trước)

Khi đó con trai đầu lòng của họ được đặt tên là Chu Nguyên Căn. Năm 7 tuổi, Chu Nguyên Căn vào tiểu học, và do trùng tên với bạn nên đổi thành Chu Vĩnh Khang. Năm 1961, Chu Vĩnh Khang làm rạng danh thôn Tây Tiền Đầu khi đỗ vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh, một trong tám trường lớn nhất Trung Quốc (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc). Sau khi được kết nạp vào đảng (khi 22 tuổi) và từng tốt nghiệp Học viện dầu khí Bắc Kinh, nên ông Chu Vĩnh Khang từng được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Dầu khí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ trưởng Công an. Quyền lực của ông Chu Vĩnh Khang bao trùm từ cơ quan giám sát cơ quan tư pháp, công an đến các cơ quan an ninh quốc gia.

Chu Vĩnh Khang thời còn làm lãnh đạo công an 

Từng có tờ báo đưa tin, cuối thập niên 1990, cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị đã mời một thày tướng giúp sửa sang phần mộ của gia đình và từ đó con đường công danh của ông Chu Vĩnh Khang rộng mở. Nhưng mùa thu năm 2009, mộ tổ nhà ông Chu Vĩnh Khang bị đào trộm và cho đến nay vụ án này vẫn chưa tìm ra hung thủ. Có người nói rằng, tuy xếp cuối cùng trong danh sách 9 uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng trên thực tế ông Chu Vĩnh Khang là nhân vật số 2, chỉ sau Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bởi cựu Chủ tịch Ủy ban Chính pháp, Bộ trưởng Công an là người thực quyền khi nắm khoản ngân sách lên đến gần 111 tỉ USD (năm 2012), hơn ngân sách của Bộ Quốc phòng.

Theo tờ Đông Phương nhật báo, Viện kiểm sát 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh,  Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang) đã ra lệnh khám xét 3 đợt đối với 29 khu bất động sản của gia đình họ Chu. Theo đó, ông Chu Vĩnh Khang cùng vợ con, anh em sở hữu tổng cộng 326 căn nhà với tổng trị giá khoảng 1,7 tỉ NDT ở 12 thành phố như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Yên Đài, Thành Đô, Nam Kinh, Vô Tích, Tô Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến. Ngoài ra, họ còn thu giữ hơn 47 kg vàng và số tiền mặt trị giá gần 3 triệu USD, hơn 660.000 euro, 110.000 bảng Anh, 550.000 franc Thụy Sĩ… cùng 27 khẩu súng các loại như K76, K96, K99 và hơn 11 ngàn viên đạn khác nhau. Cơ quan chức năng còn phong tỏa 947 tài khoản nội tệ và 117 tài khoản ngoại tệ ở 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỉ NDT; cùng cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỉ NDT và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu NDT.

Sau khi có tin ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra, nhiều người đã đổ tới đây chiêm ngưỡng khu biệt thự của anh em cựu Bộ trưởng Công an - kín cổng cao tường, phong cách kiêu sa, xung quanh lắp camera. Được biết, có khoảng 400 người trong thôn Tây Tiền Đầu mang họ Chu và họ được coi là hậu duệ của nhà triết học nổi tiếng thời Bắc Tống Chu Đôn Di. Dân làng cho biết, ông Chu Vĩnh Khang ít khi về quê và do 2 người em Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh không chịu chăm sóc mẹ già Chu Tú Kim nên bà phải đến Liêu Ninh ở với người con cả. Nhưng sau khi đến Liêu Ninh sống với ông Chu Vĩnh Khang một thời gian, bà Chu Tú Kim đã treo cổ tự vẫn.

Chu Nguyên Thanh tuy chỉ là quan chức nhỏ ở địa phương, nhưng nhờ “vía” của anh trai nên rất có thế lực và bị nghi tham nhũng, lợi dụng chức quyền, đặc biệt trong các vụ giải tỏa, thu hồi đất. Chu Nguyên Thanh chỉ biết sợ vợ (Chu Linh Anh, con gái của một chính trị gia địa phương và cũng là nữ doanh nhân nổi tiếng). Có tin nói rằng, Chu Nguyên Thanh đã tự sát trong quá trình phục vụ điều tra. Trong khi đó không ai biết làm thế nào mà Chu Nguyên Hưng, vốn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, lại có thể leo lên vị trí quyền lực và trở nên giàu có. Và 2 người em của ông Chu Vĩnh Khang đều chết một cách bất thường sau khi cựu Bộ trưởng Công an bị bắt.

Dư luận nói rằng, Tần Thành (được xây dựng năm 1958 với sự hỗ trợ của Liên Xô) là nhà tù duy nhất thuộc Bộ Công an bởi các nhà tù còn lại do Bộ Tư pháp quản lý sẽ là nơi đón tiếp tù nhân Chu Vĩnh Khang sau khi cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị bị kết án. Sở dĩ nói như vậy bởi trong hơn nửa thế kỷ qua, nhà tù Tần Thành luôn là nơi giam giữ các nhân vật chính trị cao cấp bị "ngã ngựa" ở Trung Quốc như “bè lũ 4 tên”, cựu Bí thư thành uỷ Bắc Kinh Trần Hy Đồng, cựu Bí thư thành uỷ Thượng Hải Trần Lương Vũ….

Ngày 14-8, ông Hoàng Hải Đào, Phó giám đốc kênh truyền hình CCTV-8, đã bị các công tố viên bắt và là một trong khoảng 20 quan chức của CCTV bị bắt để phục vụ công tác điều tra chống tham nhũng trong mấy tháng qua.

Tháng trước, phát thanh viên tên tuổi trong lĩnh vực tài chính kinh tế của CCTV Nhuế Thành Cương cùng Phó giám đốc kênh tin tức tài chính của CCTV Lý Dũng đã bị bắt vì tham nhũng. Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng cường truy nã quan tham trốn ra nước ngoài, tịch thu số tài sản phi pháp của những kẻ trốn chạy và ngăn không cho nghi phạm rời khỏi đất nước.

Tờ China Daily dẫn lời Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Tào Kiến Minh cho biết, Bắc Kinh sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan pháp luật ở nước ngoài nhằm mở rộng các kênh và tăng cường biện pháp để truy tìm những đối tượng bỏ trốn, lấy lại số tài sản phi pháp và khi có đủ bằng chứng, sẽ sung công theo luật pháp.

Tân Hồng - Tiên Du

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps