Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ cuối)

08:00 | 06/02/2019

1,455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm Tân Mão niên hiệu Vạn Lịch, ngoài Lư Môn có một gia đình bố mẹ, con cái ở chung với nhau. Người con trai đi buôn xa nhà, vợ anh ta ở nhà thờ bố mẹ chồng rất mực hiền thảo, hiếu kính. Nhưng mẹ chồng lại ngờ rằng bố chồng có qua lại với con dâu, cho nên, đêm đến mới lấy áo quần, mũ giày của chồng, lén vào buồng ôm ghì lấy con dâu.

Chuyện 46 - Tính hồ đồ

1. Lý Nguyên Hưu Thứ sử Cân Châu tức giận với Tư công Hoằng Thừa Minh, định đánh, lệnh cho ra ngoài sảnh cởi áo để vào chịu đòn. Thừa Minh gian trá, gặp ngay lúc bác sĩ Lưu Tông Tiến vào, liền nói dối bác sĩ:

- Thứ sử đang nổi giận vì sao anh đến chậm lệnh cho cởi áo mới được vào

Tông Tiến không ngờ vực gì, cởi áo đi vào. Nguyên Hưu thấy người cởi trần trở vào, bèn lệnh đánh mười trượng. Tông Tiến bị đánh xong, đứng dậy, thưa:

- Đội ơn quan lớn cho đánh. Nhưng xin hỏi tiểu nhân tội gì?

Nguyên Hưu biết là nhầm rồi nhưng vẫn trả lời:

- Vừa rồi Thừa Minh đã bán cho anh chứ còn gì nữa!

Rồi cũng không tra xét thêm.

2. Thời Đường, Trương Lợi nghiệp ngủ ngày, bỗng giật mình tỉnh dậy, vội vàng chạy vào công đường, khấu đầu tạ tội trước Thứ sử Đặng Huy, rằng:

- Nghe nói ngài trách phạt, tội thật đáng chết.

Đặng Huy đáp:

- Không, ta có trách phạt gì ngươi đâu?

Lợi Thiệp thưa:

- Tư Công Mỗ Giáp nói thế!

Đặng Huy tức giận cho gọi Mỗ Giáp tới để đánh đòn. Mỗ Giáp khổ sở kêu oan rằng không nói gì cả. Lợi Thiệp nhớ lại, mới từ từ tiến lên thưa:

- Xin ngài xá tội. Lợi Thiệp nghe những lời này trong giấc mơ thì phải.

3. Vương Hạo tự Quý Cao, từ nhỏ đã nổi tiếng, tính tình khoan hòa, từng theo Tề Văn Tuyên Bắc phạt. Thường cưỡi một con ngựa màu đỏ. Buổi sáng, sương xuống dày đặc, họ Vương không nhận ra ngựa của mình ở đâu, la toáng lên. Mọi người đổ xô đi tìm, không thấy.

Một hồi sau, mặt trời lên, sương phủ trên mình ngựa cũng hết. Ngựa hiện ra ngay trước mặt. Vương hét tướng:

- Ngựa của ta vẫn còn!

4. Lý Văn Lễ tính tình chậm chạp, thuở còn làm Tư mã Dương Châu, có một viên lại từ kinh thành trở về, đem theo thư của gia đình Trưởng sử, nói rằng em gái qua đời. Lý nghe xong thổn thức mãi không thôi. Viên lại nói:

- Đây là em gái của Trưởng sử?

Họ Lý mới sực hiểu ra:

- Ta làm gì có em gái. Thật là kỳ quái.

Tử Do bàn: Thế thì không phải là tính tình chậm chạp mà là nhanh nhảu mới đúng. Không có em gái mà còn khóc, huống hồ có em gái. Họ Lý là người giàu tình cảm vậy.

Chuyện 47 - Thần thái thường

1. Hình bộ Lang trung Dương Mỗ người Triết Giang, tự là Văn Khanh. Họ và hiệu trùng với Dương Văn Khanh người Sơn Tây, làm Hộ bộ Lang trung. Một hôm, họ Dương người Triết Giang mời Trần Sư Chiêu tới nhà uống rượu. Nhưng Sư Chiêu lầm người nọ sang người kia, lại tìm đến nhà họ Dương người Sơn Tây.

Lúc này họ Dương người Sơn Tây vẫn còn đương nằm ngủ, thấy Sư Chiêu tới, vội vàng chạy ra đón khách. Ngồi mãi, Sư Chiêu chẳng thấy cơm rượu đâu cả, đành phỉ chất tiếng hỏi:

- Chỉ cần vài chén rượu, vài miếng đậu, miếng thịt là được rồi. Xin đừng bày vẽ.

Họ Dương người Sơn Tây ngạc nhiên, nhưng cũng ậm à đáp:

- Xin vâng!

Rồi vào nhà trong lệnh cho người nhà phải dọn cơm rượu tươm tất. Hồi lâu, người nhà họ Dương người Triết Giang tìm đến thưa:

- Chủ nhân đợi khách từ lâu.

Sư Chiêu mới chợt nhận ra:

- Chủ ngươi mời ta sao? Ta nhầm rồi!

Sư Chiêu cười rồi bước ra cửa.

2. Trần Sư Chiêu ngồi lục đống giấy tờ cũ, thấy một cái thiếp của bạn mời đi uống rượu. Chẳng nhớ rằng cất cái thiếp này lúc nào, nên họ Trần cứ đúng ngày giờ hẹn trong thiếp tìm đến nhà bạn. Qua mấy tuần trà, họ Trần vẫn chưa chịu về, chủ nhà đánh ướm hỏi, họ Trần nói thẳng:

- Tới bác uống rượu mà!

Chủ nhà ngạc nhiên, nhưng không từ chối. Cơm rượu xong xuôi, họ Trần mới nhớ ra ngày chủ nhân mời uống ghi trong thiếp là từ năm trước.

Từ nay về sau, có mời loại khách như thế này thì tốt nhất là mời bằng lời, đừng có giấy thiếp gì cả!

3. Trần Âm đi dự khảo khóa quan chức, nhưng lại đi nhầm vào công đường của bộ Hộ. Thấy người ta đang nhận tiền thuế các nơi về bằng bạc nén, họ Trần kinh ngạc:

- Hối lộ ngang nhiên đến như thế này là cùng.

4. Trần Sư Chiêu thường hay mời khách đến nhà mình ăn uống rồi ngủ lại qua đêm. Nhưng sáng ngày hôm sau, họ Trần chẳng còn nhớ gì đến người khách tối qua ngủ ở nhà mình nữa. Chủ khách ngồi chơi "song lục" với nhau, trời đã sắp trưa, chủ không dọn cơm rượu, khách thì nghĩ rằng phải được ăn bữa trưa. Hồi lâu, người nhà của Sư Chiêu lên xin dọn giường chiếu. Sư Chiêu chưa kịp nhìn kỹ, ngờ rằng có người nào mời chủ nhân đi ăn tiệc nơi khác, liền giận dữ nói với người nhà này:

- Mày đến mời chủ nhân đi, thế còn ta thì sao đây?

5. Trần Âm không để ý đến chuyện ăn mặc, đầu tóc, tự thấy thoải mái là bằng lòng. Chức quan của họ Trần thuộc hàng Tứ phẩm. Phu nhân mua được một cái áo bào màu hồng, có thêu hình sư tử bằng chỉ vàng rất đẹp, nhưng lại không hiểu đó là trang phục của quan võ. Họ Trần cũng chẳng để ý, cứ thế mặc vào cho thợ vẽ một bức chân dung hẳn hoi. Lý Tây Nhai trông thấy, đề ngay lên mấy câu:

"Trông đầu tóc lôi thôi thì đúng

Nhìn đến cẩm bào thì lại không

Người như thế này

Nửa dở nửa hay

Để đầu để tóc

Chỉ áo thay

Ô hô

Lão nông tri điền".

6. Trần Sư Chiêu vào chầu, nhưng cái giải mũ lại để ra phía sau lưng. Đến khi thấy đồng liêu đều có giải mũ rủ phía trước, mới cúi xuống nhìn người mình, lấy làm lạ sao lại không có? Một đồng liêu mới nâng những giải từ phái sau sang trước cho:

- Ngài vẫn có những giải mũ, chỉ không có mắt đằng sau mà thôi.

Bởi vậy, Tây Nhai làm thơ tặng họ Trần rằng:

"Mười năm làm quan, đội mũ mà vẫn không biết cái giải mũ".

7. Trần Âm, tự là Sư Chiêu, người ở Bồ Điền, có tài văn chương nhưng chẳng bao giờ ghi nhớ được một điều gì. Từ buổi chầu trở về, họ Trần nói với người đầy tớ đi theo:

- Hôm nay, ta tới thăm quan Mỗ!

Người đầy tớ không nghe ra, nên vẫn đánh xe về nhà. Sư Chiêu vào tới nhà rồi, nhìn bốn xung quanh, ngạc nhiên:

- Sao giống như nhà ta vậy.

Nhìn bức tranh treo trên tường, Sư Chiêu hỏi:

- Tranh nhà ta cớ sao lại treo ở đây?

Đến khi thằng nhỏ trong nhà đi ra, Sư Chiêu càng ngạc nhiên:

- Mày có việc gì mà cũng đến đây?

Thằng nhỏ thưa:

- Đây là nhà ta mà!

Lúc này Sư Chiêu mới tỉnh ra.

Chuyện 48 - Nỗi oan của bầy ngựa

Từ xưa trong dân gian đã có múa ngựa rồi, An Lộc Sơn nhiều lần được thấy, rất thích, cho nên mới mua mấy chục con, đem về Phạm Dương. Sau đó những con ngựa này vào tay của Điền Thừa Tự. Nhưng họ đều không biết những con ngựa này vốn ở trong đội ngựa múa, vì vậy nuôi lẫn với bầy ngựa chiến.

Bỗng hôn ấy có việc khao thưởng lớn, trong quân nổi nhạc rộn ràng, lũ ngựa này nghe nhạc, cứ thế nhảy múa mà không sao dừng chúng lại được. Bọn người nuôi ngựa cho rằng những con ngựa này bị quỷ ám, đánh đập chúng rất tàn nhẫn, mong đuổi được quỷ đi.

Lũ ngựa lại nghĩ rằng nhảy không đúng nhịp điều nên bị đánh càng nhảy cuống cuồng hơn. Bọn lính nuôi ngựa trình lên với chủ tướng, được lệnh đánh cho kỳ chết, nếu chúng vẫn điên loạn như vậy.

Chuyện 49 - Mẹ chồng lòng thòng với nàng dâu

Năm Tân Mão niên hiệu Vạn Lịch, ngoài Lư Môn có một gia đình bố mẹ, con cái ở chung với nhau. Người con trai đi buôn xa nhà, vợ anh ta ở nhà thờ bố mẹ chồng rất mực hiền thảo, hiếu kính. Nhưng mẹ chồng lại ngờ rằng bố chồng có qua lại với con dâu, cho nên, đêm đến mới lấy áo quần, mũ giày của chồng, lén vào buồng ôm ghì lấy con dâu.

Con dâu không giẫy ra được, bèn cào cấu chí tử vào mặt mẹ chồng. Mẹ chồng đau quá, bỏ chạy khỏi buồng. Ngày hôm sau, thác ốm, không chịu ra khỏi giường. Cô con dâu bỏ về nhà cha mẹ đẻ, kể lể nguồn cơn. Bố đẻ mới sang nhà thông gia xem tình thế ra sao. Nhưng thấy mặt bố chồng vẫn nguyên lành, quay về chửi mắng con gái mình nói không đúng sự thực. Cô gái oan ức không biết nói cùng ai, liền thắt cổ tự tử.

Ông bố kiện lên quan, bố chồng cũng không có cách nào thanh minh cho mình. Hàng xóm có người tố cáo thấy mặt mẹ chồng bị thương. Quan lập tức bắt mẹ chồng thẩm vấn. Mọi chuyện mới rõ ràng.

Người vùng Ngô Trung truyền nhau thành chuyện "Bà gian tức".

Chuyện 50 - Kê thiệt hương

Tây Tồn giữ chức Thị trung thời Hoàn Đế, tuổi già trở chứng hôi miệng. Nhà vua lệnh ban cho kê thiệt hương để ngậm. Khổ nỗi, kê thiệt hương rất nhỏ, khiến Tây Tồn không dám nuốt nước bọt nữa, trông mặt lúc nào cũng vêu ra, như bị côn trùng độc hại cắn vậy. Cho nên về đến nhà, lại không nói năng gì, mặt mày như đưa đám, người nhà trông bộ dạng thế, cả nhà khóc lóc, không biết có tai họa gì. Đến khi Tây Tồn nhả kê thiệt hương ra, nói rõ nguyên do. Cả nhà cười thỏa thích.

Chuyện 51 - Ăn nhầm

Vương Đôn trước khi vào phòng phu nhân thì vào nhà vệ sinh, thấy một cái hộp bằng sơn dầu đựng đầy những quả táo khô, để sẵn ở đó dùng để bịt mũi. Nhưng Vương Đôn nghĩ, dùng để ăn trong khi ngồi nhà vệ sinh nên cố ăn kỳ hết. Bọn hầu gái ra bưng chậu lưu ly đựng nước đợi sẵn để Vương Đôn rửa tay biết chuyện, che miệng nín cười với nhau.

Chuyện 52 - Lầm nên hưởng phúc

1. Tấ Sĩ An giữ chức Tể tướng, có người con rể là Hoàng Phủ Bí, càn rỡ ngang ngược, bao nhiêu lần bố vợ răn dạy nhưng con rể không nghe. Sĩ An định bụng sẽ tâu lên nhà vua. Một lần, Sĩ An vừa tâu:

- Con rể của thần là Hoàng Phủ Bí…

Thì bên ngoài viên quan trực điện đã lên tiếng trình việc khẩn cấp gì đó, thành ra Sĩ An không nói được. Mấy ngày sau, Sĩ An lại tâu thì nhà vua lắc đầu phán ngay rằng:

- Chuyện này nhà ngươi đã trình, trẫm cũng đã rõ rồi!

Lập tức giáng chỉ thăng cho Hoàng Phủ Bí một cấp. Tất Sĩ An không còn dám tâu thêm gì nữa.

2. Lý Cát Phủ rất ghét Ngô Vũ Lăng, tìm mọi cách cản trở đường tiến thân của Vũ Lăng. Tri cống cử của khoa thi Tiến sĩ năm ấy đem bảng đậu đến trình Lý Cát Phủ trước khi treo. Chưa xem bảng Lý Cát Phủ đã hỏi:

- Ngô Vũ Lăng có đậu không?

Tri cống chưa kịp thưa thì bỗng quan Trung sứ đem sắc chỉ nhà vua tới. Nhân đó, Tri cống cử vội lấy ngay bút điền thêm tên Ngô Vũ Lăng vào, những tưởng sẽ làm Tể tướng Lý Cát Phủ vừa lòng và không biết chuyện trước đó không có tên Ngô Vũ Lăng. Quan Trung sứ đi rồi, đưa trình họ Lý. Họ Lý hỏi:

- Người thô lỗ như Ngô Vũ Lăng mà cũng đậu sao?

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.