Trung Hoa… lẩm cẩm(?) (Kỳ 9)

15:00 | 05/02/2019

1,588 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thương Quý Tử rất cuồng tín chuyện tu tiên luyện đan, bỏ hết gia sản vào việc ngao du bốn phương, cuối cùng gặp được một đạo sĩ gian tham, đạo sĩ thấy tay nải của học trò có vẻ nặng, mới tìm cách chiếm đoạt.

Chuyện 41 - Cha xuẩn, con ngu

1. Thị lang Từ Kiểm Am ở Tô Châu, khi về già mà vẫn chưa có con. Một năm, cả hai người thiếp của họ Từ đều có mang. Hai người thiếp đánh nhau, một người bị xảy thai, còn một người đau đẻ sắp sinh. Họ Từ trước đã nhờ thầy tướng số chọn ngày sinh tốt rồi, nay ngày tốt vẫn còn chưa tới, nên bắt sản phụ chờ. Không thể chịu được, cả mẹ cùng con đều chết.

2. Theo "Bại sử": Họ Ngô có đứa con đần độn, tuổi đã ba mươi rồi, còn họ Ngô thì năm mươi.

Một thầy tướng số đoán rằng họ Ngô có thể thọ tám mươi. Còn thằng con thì chỉ sống được tới sáu mươi hai tuổi thôi. Nghe vậy, thằng con khóc nói:

- Cha thọ chỉ tám mươi thì từ sáu mươi trở đi, còn những hai năm nữa, ai nuôi con?

3. Sách "Hàn Phi tử" chép: Nhà láng giềng phía Đông mẹ chết, con khóc rất hờ hững. Con nhà láng giềng phía Tây nói với mẹ:

- Mẹ không mau chết đi, con nhất định sẽ khóc thống thiết hơn cho mà xem!

Tử Do chú rằng: Chuyện này của người nước Tề, vùng này con gọi mẹ là xã.

Chuyện 42 - Anh lính ngớ ngẩn

Thời Võ Tắc Thiên có lệnh cấm sát sinh rất ngặt. Ngự sử Lâu Sư Đức đi công cán vùng Thiểm Tây. Nhà bếp dâng thịt lên. Quan ngự sử hỏi:

- Tại sao lại có thịt?

Anh lính hầu thưa:

- Sói cắn chết dê.

Hồi sau lại thấy đưa gỏi cá ra. Sư Đức hỏi tiếp:

- Cá đâu ra?

Anh lính thưa:

- Sói cắn chết cá!

Sư Đức quát:

- Đồ ngu! Phải nói là rái cá chứ!

Chuyện 43 - Chủ bạ chậm hiểu

Huyện Đức Thanh có viên Chủ bạ họ Mã, vốn con nhà giàu có trong vùng nhưng tính tình chậm chạp, không hiểu công việc.

Nửa đêm, họ Mã gõ cửa dinh quan huyện rất gấp, Huyện lệnh lồm cồm ra khỏi giường, nhất định không hỏa hoạn cũng trộm cướp lớn. Mở cửa, Chủ bạ vào, thưa:

- Tiểu nhân nghĩ rằng tháng tư công việc nhà nông bận rộn, vì vừa làm ruộng lại vừa phải lo tằm tang. Sao bọn thị dân không chuyển công việc tằm tang sang tháng mười có phải tốt hơn không?

Huyện lệnh hỏi:

- Tháng mười lấy đâu ra lá dâu mà nuôi tằm?

Chủ bạ họ Mã không biết trả lời ra sao, đành đứng lên:

- Khuya rồi, xin để ngài đi ngủ thôi!

Từ đó, mỗi khi đêm khuya định đi đâu, người vợ dọa:

- Bọn giặc Nhật đang đầy ngoài đường ấy.

Thế là Chủ bạ sợ, đành ngồi nhà. Gặp ngay tết, chiều tối, vợ nói:

- Có thể đi chúc tết được đấy!

Chủ bạn Mã xua tay:

- Từ từ, bọn giặc Nhật đang ở bên ngoài.

Chuyện 44 - Thương Quý Tử ngộ đạo

Thương Quý Tử rất cuồng tín chuyện tu tiên luyện đan, bỏ hết gia sản vào việc ngao du bốn phương, cuối cùng gặp được một đạo sĩ gian tham, đạo sĩ thấy tay nải của học trò có vẻ nặng, mới tìm cách chiếm đoạt.

Đến một bến sông, thầy bảo đệ tử:

- Đạo ở chỗ kia kìa!

- Chỗ nào?

- Trên chiếc thuyền đậu ngay cạnh bãi cát. Cứ lên được thuyền là cầu được!

Học trò bỏ tay nải lại, men theo giòng nước ra thuyền, thầy đứng trên bờ, hô:

- Bay! Bay!

Nhưng Quý Tử không thể nào bay lên được.

Đến lúc này, thầy cuỗm hết rồi chuồn.

Lên được bờ, người xem mách:

- Thằng giảo hoạt! Lấy tất cả chạy trốn rồi!

Quý Tử xua tay:

- Không, không! Thầy tôi đó mà! Thầy tôi đó mà! Ông ta cũng đã dạy được cho tôi một bài học rồi còn gì!

Chuyện 45 - Ngựa chạy nhanh không tốt

Lý Đông Dương được một con ngựa tốt, đem biếu Trần Sư Chiêu cưỡi để vào chầu hằng ngày. Trở về sau buổi chầu, họ Trần xem lại thơ làm trên lưng ngựa, thấy được hai chương, trả lại ngựa cho Lý Đông Dương, nói:

- Ta cưỡi con ngựa cũ, mỗi lần đi chầu trở về, ít ra cũng được sáu bài thơ. Nay cưỡi con ngựa này, chỉ được mỗi hai bài. Như thế rõ ràng ngựa không tốt rồi.

Lý Đông Dương cười:

- Ngựa tốt hay không phải là đi nhanh hoặc đi chậm chứ!

Sư Chiêu nghĩ ngợi hồi lâu, rồi lại cưỡi con ngựa mới.

(Còn tiếp)

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.