Tập Cận Bình kêu gọi phát triển vũ khí tối tân

19:00 | 06/12/2014

3,163 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kêu gọi phát triển nhanh hơn các loại thiết bị quân sự tiên tiến để xây dựng một quân đội hùng mạnh. Việc Trung Quốc xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng khiến cả thế giới lo ngại.

Tập Cận Bình kêu gọi phát triển vũ khí tối tân

Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc

Theo Tân Hoa Xã, ngày 5/12, phát biểu tại một hội nghị kéo dài hai ngày của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Tập nói rằng cải cách quân sự cần được "hướng dẫn bởi mục tiêu xây dựng một quân đội hùng mạnh".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng vũ khí tiên tiến là hiện thân của một quân đội hiện đại và là sự hỗ trợ trọng yếu cho an ninh quốc gia. Ông nói tiếp: "Những hệ thống thiết bị hiện đại đang ở thời điểm quan trọng để phát triển mau chóng".

Hiện Trung Quốc đang xúc tiến tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang gồm 2,3 triệu binh lính trong khi nước này phô bày sức mạnh trên những vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông.

Trung Quốc đã phát triển công nghệ chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và hiện có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động, trong khi chi tiêu quốc phòng năm nay dự kiến sẽ tăng lên tới 131,3 tỉ USD, một con số mà giới phân tích nói không đại diện cho chi tiêu quốc phòng thực sự của nước này.

Trong một diễn biến khác, ngày 5/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) báo cáo rằng năm nay GDP của Trung Quốc là 17,600 tỷ USD, vượt qua Mỹ với 17,400 tỷ, để trở thành cường quốc số một thế giới.

Ðây là lần đầu tiên kể từ thời Ulysses S. Grant, Tổng thống thứ 18 (1869-1877), Mỹ không là cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới.

Hai năm trước, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để lên hạng nhì, đến nay tiến lên hàng đầu, nhanh hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế là năm 2017.

Đừng nên quên rằng trải qua lịch sử, quyền lực chính trị và quân sự luôn luôn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế. Anh là nước sản xuất công nghệ đúng đầu thế giới trước khi trở thành cường quốc bá chủ đại dương. Kinh tế xuống dốc đưa tới sự suy yếu và sụp đổ của đế quốc Anh. Pháp và Tây Ban Nha cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Biến chuyển không xảy ra ngay một sớm một chiều, nhưng về lâu về dài tất cả mọi việc đều thay đổi, Mỹ đã đứng đầu thế giới về kinh tế từ sau Thế chiến thứ hai hay đúng hơn trên nhiều mặt là từ thế kỷ 19. Trong 200 năm từ trận Waterloo 1815 (Napoleon bị đánh bại), Anh và Mỹ khống chế thế giới. Nhưng sắp tới có thể sẽ khác.

Nh.Thạch

tổng hợp