Trung Quốc gia tăng chống tham nhũng: Già néo đứt dây?

Quyết truy bắt quan tham bỏ trốn (Kỳ III)

14:51 | 01/11/2014

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới truyền thông và dư luận đang cho rằng, Trung Quốc chuẩn bị “động thủ” đối với gia tộc họ Lệnh và cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân uỷ trung ương Hồ Cẩm Đào im lặng trước cuộc điều tra nhằm vào người nhà cựu trợ lý Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, hiện là Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, việc bắt giữ ông Lệnh Hoàn Thành (em út trong số 5 anh chị em họ Lệnh, đã trở lại Trung Quốc sau khi tới Mỹ) sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý ông Lệnh Kế Hoạch, người bị điều tra sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 4 khóa 18 hôm 23-10. Nếu ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, đây sẽ là vụ án lớn sau khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang lọt vào tầm ngắm.

Trước đó, ông Vương Kiện Khang, nguyên Phó chủ tịch thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, anh rể ông Lệnh Kế Hoạch đã bị giam 10 ngày vì liên đới một vụ điều tra tham nhũng. Vợ ông Vương Kiện Khang (chị gái ông Lệnh Kế Hoạch), bà Lệnh Phương Châm, cũng bị tạm giam. Ngày 19-6-2014, ông Lệnh Chính Sách, anh ruột ông Lệnh Kế Hoạch bị cách chức Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây vì bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Nghe nói, cơ quan điều tra đã lập danh sách những người thân cận với ông Lệnh Kế Hoạch và gia đình họ Lệnh và đang kiểm tra tình hình tài chính của họ.

Sự nghiệp của Lệnh Kế Hoạch tàn lụi vì vụ tai nạn xe Ferrari của con trai

Ngày 26-5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra đối với Hạ Cẩm Đào (bị quản thúc tại gia), con trai cả của ông Hạ Quốc Cường, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Ông Vương Kỳ Sơn đã khuyên ông Hạ Quốc Cường, người tiền nhiệm của mình thuyết phục con trai hợp tác với điều tra viên. Nghe nói, các con ông Hạ Quốc Cường đã đưa vợ con cùng tài sản sang Mỹ từ trung tuần tháng 2, nhưng không rõ con trai út là Hạ Cẩm Lôi có bị điều tra hay không. Hiện họ đang ở San Francisco, bang California và đầu tư vào quán ăn, bất động sản địa phương.

Quyết truy bắt quan tham bỏ trốn (Kỳ III)

Ông Vương Kỳ Sơn

Tạp chí “Tham khảo nước ngoài” của Hongkong từng dẫn nguồn tin cho rằng, gia đình ông Lệnh Kế Hoạch và gia đình cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai giành quyền kiểm soát mỏ than ở tỉnh Sơn Tây vì đem lại nguồn lợi khoảng 40 tỉ NDT/năm. Và cuộc điều tra đối với Hạ Cẩm Đào bắt nguồn từ mối quan hệ với Tống Lâm, nguyên Chủ tịch doanh nghiệp nhà nước China Resources, người bị tố cáo về những hành vi sai trái, ngoại tình và tham nhũng trong thương vụ mua mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản nhà nước. Sau khi Tống Lâm bị cách chức và bắt giữ hồi tháng 4, người ta bắt đầu sờ tới Hạ Cẩm Đào, người bị cáo buộc lợi dụng quyền lực của bố để tham nhũng, nhận tiền “mua quan, bán chức”.

Đầu tháng 8-2014, Bắc Kinh thông báo có hơn 150 “kẻ đào tẩu dính án kinh tế”, trong đó có quan tham đang trốn ở Mỹ và Interpol đã ra lệnh bắt 69 người Trung Quốc có hành vi tham ô, gian lận, hối lộ. Ngày 12-8, Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đang truy bắt Liêu Vinh Na, tỷ phú sở hữu Tập đoàn Chính Lăng với tội danh lừa đảo. Liêu Vinh Na bị nghi ngờ chiếm đoạt các khoản vay và đầu tư trị giá hàng tỷ NDT từ các nhà đầu tư tiềm năng. Được biết, một chiến dịch điều tra và phong tỏa khoảng 10 tỷ USD tài sản phi pháp mà các quan tham Trung Quốc mang theo khi trốn ra nước ngoài trong thập niên qua đang được tiến hành và trọng điểm đầu tiên là Australia. Trong số các cựu quan chức đang chạy trốn, đáng chú ý có cựu Bí thư tỉnh Vân Nam Cao Nghiêm, nguyên Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn Lam Phủ, cựu Cục trưởng Cục quản lý đường bộ tỉnh Hồ Nam Đồng Ngôn Bạch.

Quyết truy bắt quan tham bỏ trốn (Kỳ III)

Cao Nghiêm, cựu bí thư Vân Nam, đang ẩn trốn ở Australia

Giới truyền thông cho rằng, tình trạng tham nhũng tại Trung Quốc đang khiến các ngân hàng phương Tây hoạt động ở nước này phải giật mình lo sợ. Một số ngân hàng như BNP Paribas, HSBC và Standard Chartered, vừa là bên bảo lãnh vừa là chủ nợ của công ty bất động sản Agile Property Trung Quốc đã rất hoảng loạn sau khi nhận được thông báo: Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này vừa bị các cơ quan chức trách bắt giữ.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, khoảng 16.000-18.000 quan chức tham nhũng từ các doanh nghiệp nhà nước đã chạy trốn thành công ra nước ngoài với số tài sản mang theo khoảng 129 tỷ USD trong năm 2011. Theo tổ chức Global Financial Integrity có trụ sở tại Washington, Mỹ, trong giai đoạn năm 2005-2011, có 2.830 tỷ USD “tiền bẩn” đến từ Trung Quốc vào Mỹ. Mỹ, Canada, Australia là điểm đến lý tưởng của các tội phạm kinh tế Trung Quốc bởi 3 nước này và Bắc Kinh chưa có hiệp ước dẫn độ.

Người ta từng thống kê có 7 hình thức tham nhũng phổ biến hiện nay, đó là tập thể hóa; chức vụ cao; khoản tiền tham nhũng lớn; gia tăng giao dịch tiền-quyền; quán triệt quy tắc ngầm; quốc tế hóa và tăng lĩnh vực tham nhũng như ngân hàng, tiền tệ, bảo hiểm, ủy thác, tín dụng, bán đấu giá… Giới chuyên môn cho rằng, cơ chế chống tham nhũng của Trung Quốc hiện tồn tại 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, cơ chế quá nhiều trong khi tính chặt chẽ trong nội bộ cơ chế và giữa các cơ chế với nhau quá ít. Thứ hai, biện pháp thực hiện cơ chế chưa triệt để. 

Cụm từ “quan chức trần trụi” xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2008 và là cụm từ dùng để chỉ những cán bộ lãnh đạo có vợ, con di cư ra nước ngoài sinh sống. Quan chức đầu tiên bị xử phạt vì “trần trụi” là Phó Bí thư thành ủy Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông Ký Phương Toàn - về hưu non vì vi phạm quy định thân nhân không được định cư tại nước ngoài. Tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị triển khai quy định không cho phép những người có vợ hoặc chồng hoặc con cái sống ở nước ngoài giữ vị trí quan trọng trong chính quyền. Đây được coi là biện pháp chống tham nhũng.

Được biết, tỉnh Quảng Đông đã buộc thôi việc 850 quan chức có gia đình ở nước ngoài. Theo thống kê, trong giai đoạn 1995-2005, Trung Quốc có 1,18 triệu quan chức có vợ, con định cư ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2000-2003 có 5.115 người bị bắt với số tiền tham ô 22 tỷ NDT; giai đoạn 2003-2008 có 4.547 người cùng số tiền 24,5 tỷ NDT; giai đoạn 2008-2012 là 6.220 người và 55,3 tỷ NDT, còn năm 2013 là 762 người và 10,1 tỷ NDT.

 

Tuấn Quỳnh