Mao Trạch Đông và những chiếc ôtô

07:07 | 19/09/2014

2,067 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1-10-1949), Chủ tịch Mao Trạch Đông chưa hề sử dụng bất cứ một chiếc ôtô chuyên dụng nào, cho dù ngay từ thời kỳ ở Diên An (kháng chiến đang ở giai đoạn căng thẳng, khó khăn và quyết liệt nhất), Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã được Trần Gia Canh, một Hoa kiều yêu nước tặng 2 chiếc Ford của Mỹ làm phương tiện đi lại.

Khi đó Trung ương đảng đã dự tính để một chiếc cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, chiếc còn lại mọi người dùng chung. Nhưng ngay sau khi biết chuyện, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cương quyết từ chối và kiến nghị: để một chiếc cho Tổng chỉ huy quân đội Chu Đức và một chiếc để 5 nguyên lão: Lâm Bá Cừ, Tạ Giác Tai, Đổng Tất Vũ, Ngô Ngọc Chương và Từ Đặc Lập sử dụng. Đương nhiên, mỗi khi có việc quan trọng, Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn sử dụng một trong hai chiếc xe kể trên bởi khi đó cả Diên An chỉ có 2 chiếc xe này làm phương tiện đi lại của Bộ chỉ huy và Trung ương đảng.

Đến tháng 3-1949, người ta thấy Chủ tịch Mao Trạch Đông đi chiếc xe Jeep của Mỹ, chiến lợi phẩm thu được từ Quốc Dân đảng và nó cũng được dùng để duyệt đội quân giải phóng tại sân bay Tây Uyển. Sau khi nhìn thấy những bức ảnh Mao Trạch Đông đi trên chiếc xe Jeep, Stalin đã chỉ thị cho các bộ phận chức năng chuyển ngay mấy chiếc ôtô đời mới nhất của Liên Xô để tặng Chủ tịch sử dụng. Và những chiếc xe này đã trở thành chuyên xa của một số lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc lúc bấy giờ như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Uỷ viên trưởng Chu Đức...

Chiếc xe chống đạn thời đầu thập niên 1950 mà Mao Trạch Đông sử dụng là quà tặng của Stalin khi Chủ tịch thăm Liên Xô (tháng 2-1950). Một trong những đặc tính của chiếc xe này là ăn rất nhiều xăng và không có điều hoà nhiệt độ. Do đó, để làm dịu bớt không khí trong xe mỗi khi mùa hè tới, người ta phải đặt một thùng đựng đá để giữa hai dãy ghế. Sở dĩ phải làm như vậy vì Chủ tịch Mao Trạch Đông rất hay ra mồ hôi, trong khi cửa sổ ôtô không thể mở vì lý do an ninh. Tuy nhiên đây cũng là chuyên xa được Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng lâu nhất bởi khi đó Trung Quốc không mua bất cứ ôtô chuyên dùng nào của nước ngoài.

Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đứng ở sau một chiếc Hongqi khi đi duyệt đội Hồng vệ binh vào những năm 1967.

Mãi tới khi Trung Quốc tự sản xuất được ôtô, người ta mới yêu cầu Chủ tịch Mao Trạch Đông thay chiếc xe kể trên. Ngày 5-5-1958, chiếc ôtô đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã xuất xưởng, nó thuộc loại Đông Phong 71 gồm 6 chỗ ngồi, đạt vận tốc tối đa 128 km/giờ với mức tiêu thụ nhiên liệu 9 lít xăng/100 km. Chủ tịch Mao Trạch Đông là người được mời thử chiếc xe này đầu tiên. Khi đó Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng Lâm Bá Cừ và một số lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cùng ngồi thử chiếc Đông Phong 71 tại vườn hoa đằng sau Trung Nam Hải.

Sau sự kiện kể trên, vào một ngày tháng 7-1958, chiếc xe Hồng kỳ cao cấp đầu tiên loại CA72 đã được các nhà chế tạo Trung Quốc sản xuất thành công. Để giúp các nhà chuyên môn, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tặng họ chiếc xe mà hãng Ronno của Pháp tặng trước đó làm mẫu thiết kế. Uỷ viên trưởng Chu Đức đã gửi chiếc xe mà chính phủ Tiệp Khắc tặng, còn Phó Thủ tướng Trần Nghị cũng gửi chiếc Mercedes 600 để các nhà chuyên môn có thêm tài liệu nghiên cứu.

Ngay khi đó, giới chuyên môn đã xếp Hồng kỳ là loại xe có tên tuổi trên thế giới giống như Mercedes. Năm 1962, Hồng kỳ chính thức được sử dụng để đón khách quốc tế và kể từ năm 1964, nó được coi là chuyên xa dùng cho quốc lễ. Tổng thống Mỹ Nixon là một trong những nguyên thủ quốc gia được đưa đón bằng Hồng kỳ. Năm 1965, theo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, các nhà thiết kế đã cải tiến loại CA72 thành CA770: có 3 hàng ghế đủ chỗ cho cả phiên dịch và vệ sỹ. Đến cuối thập niên 1960, chiếc Đại Hồng kỳ CA722 có khả năng chống đạn đầu tiên đã xuất xưởng.

Được biết, chỉ có Ủy viên thường vụ Bộ chính trị mới được sử dụng Đại Hồng kỳ CA722. Nghe nói, Lâm Bưu rất thích chiếc xe này nên ông là người đầu tiên sử dụng Đại Hồng kỳ CA722. Chính chiếc xe này đã đưa Lâm Bưu đến sân bay Sơn Hải Quan để chạy trốn. Mãi tới năm 1972, Chủ tịch Mao Trạch Đông mới sử dụng Đại Hồng kỳ CA722 và người ta chỉ sản xuất tổng cộng có 12 chiếc. Theo thống kê, kể từ khi chiếc Hồng kỳ đầu tiên chào đời đến năm 1966, Trung Quốc đã sản xuất tất cả 202 chiếc.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từng chỉ thị, Trung Quốc phải sản xuất loại xe Hồng kỳ có 3 cửa và dài nhất có thể, nhưng khi chiếc xe này xuất xưởng thì ông đã qua đời (1976). Chính vì vậy các nhà sản xuất đã gọi chiếc Hồng kỳ này là "Châu Á đệ nhất xa" bởi đó là chiếc xe duy nhất và tại thời điểm đó châu Á chưa có nước nào sản xuất được loại ôtô có chiều dài tới 10 mét cùng nội thất hiện đại và đầy đủ như điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, vô tuyến, giường nằm.

Hiện chiếc "Châu Á đệ nhất xa" thuộc sở hữu của ông Lạc Văn Hữu, cư dân sống tại thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, một người nổi tiếng trong giới sưu tầm các loại xe cổ. Được biết, một tỷ phú người Hongkong đã điện yêu cầu ông Lạc Văn Hữu đổi chiếc "Châu Á đệ nhất xa" lấy 5 chiếc Mercedes 600 loại cao cấp nhất, nhưng đã bị từ chối. Còn một ông chủ ở Nam Phương đã bỏ ra 2,6 triệu NDT để mua chiếc "Châu Á đệ nhất xa", song bất thành. Theo giới chuyên môn, chiếc "Châu Á đệ nhất xa" vẫn được giới chuyên môn và giới sử gia đánh giá là quốc bảo của Trung Quốc.

 

Tân Hồng - Tiên Du