Vì sao Triều Tiên xích lại gần Nga?

07:00 | 23/11/2014

2,400 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyến thăm Nga của nhân vật quyền lực thứ hai Triều Tiên đã làm sáng tỏ nhiều điều trong chính sách ngoại giao mới của Bình Nhưỡng. Với nước Nga, việc có thêm đồng minh thân thiết vào lúc này rất cần cho cuộc đối đầu với phương Tây.

Năng lượng Mới số 376

Ngày 17/11, Choe Ryong Hae, đặc phái viên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, bắt đầu chuyến thăm Nga kéo dài một tuần. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, mục đích chuyến thăm này là thảo luận về gia tăng mức độ đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế song phương.

Tại Moskva, ông Choe Ryong Hae đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chuyển một thông điệp từ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hiện chưa rõ nội dung thông điệp mà ông Choe Ryong Hae chuyển cho Tổng thống Putin là gì. Theo các chuyên gia, hai bên sẽ thảo luận và chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sự xích lại gần nhau giữa Triều Tiên và Nga bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của hai nước. Trước hết đối với Bình Nhưỡng, chuyến thăm Nga lần này là sự tiếp nối một đường lối ngoại giao mới: tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập và phụ thuộc về ngoại giao và kinh tế.

Choe Ryong Hae (phải), đặc phái viên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đang ở thăm Nga

Trong suốt 20 năm qua, đối tác ngoại giao chính của Triều Tiên là ba quốc gia: Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. Chính thức mà nói thì Hàn Quốc và Mỹ bị coi là kẻ thù, còn Trung Quốc là đồng minh. Chính sách của Bình Những đối với cả ba nước trên đều phục vụ những nhiệm vụ giống nhau. Thứ nhất, đảm bảo an ninh của đất nước; thứ hai, tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, gần đây ngoại giao Triều Tiên đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng với cả ba quốc gia này.

Triều Tiên tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, và bất kể những lời lẽ thù địch trên báo chí trong nước, Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì liên hệ phi chính thức với Washington. Tuy nhiên, thực tế hầu như không có cơ may nào là Mỹ sẽ thay đổi thái độ hết sức tiêu cực đối với Triều Tiên. Lập trường của Washington rất dứt khoát: điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với Triều Tiên phải là sự từ chối của Bình Nhưỡng với chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được với Bình Nhưỡng.

Quan hệ với Hàn Quốc đã xấu đi ngay từ năm 2008, sau khi chính quyền Seoul thuộc về lực lượng cánh hữu bảo thủ do Tổng thống Lee Myung-bak đứng đầu. Đã từng có hy vọng rằng đến thời Tổng thống Park Geun-hye thì quan hệ giữa hai nước sẽ bình thường, nhưng có vẻ những mong đợi ấy không được đáp ứng. Bình Nhưỡng hoặc là không muốn, hoặc là không thể thiết lập liên hệ kinh tế tích cực với Hàn Quốc.

Quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc gần đây đã trở nên kém thân thiện so với trước. Sự kiện đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên, đã đến Seoul chứ không thăm Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh đó, điều hoàn toàn tự nhiên khi Bình Nhưỡng cố gắng tìm kiếm những đối tác và nhà tài trợ mới. Tháng trước, Bình Nhưỡng quyết định xây dựng cây cầu nối tới các nước châu Âu bằng chuyến thăm của Kang Sok Ju, Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, chuyên trách các vấn đề đối ngoại, tới các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Ý và Đức.

Chuyến thăm Nga của ông Choe Ryong Hae là sự tiếp nối hợp lý về việc nâng cao tiến độ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên. Quan hệ Nga - Triều dưới thời Liên Xô cũ nồng ấm hơn bây giờ, sau đó có phần lơi lỏng sau khi Liên Xô tan rã. Sự ấm lên đã bắt đầu từ tháng 7/2013 và được thúc đẩy khi Moskva đối đầu với phương Tây từ giữa năm nay. Trong năm 2014 đã có hàng chục chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo Nga và Triều Tiên, trong đó đáng chú ý nhất là sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Sochi, các chuyến thăm Nga của Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Triều Tiên, hay chuyến thăm Bình Nhưỡng của Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Alexander Galushki.

Về quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước gần đây đã có những bứt phá mạnh mẽ. Khoản tiền Triều Tiên nợ Liên Xô trước đây, vật cản trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước đã được phía Nga xóa bỏ. Khắc phục những trở ngại lớn về chính trị và kỹ thuật, Tập đoàn Đường sắt Nga đã xây dựng tuyến đường sắt hiện đại từ nhà ga Hassan của Nga đến cảng Rajin của Triều Tiên. Tập đoàn này cũng đã tái thiết một trong những cầu tàu của cảng đóng băng nước sâu, nhờ đó mà các công ty Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến cảng này. Công ty Nga Mostovik đã khai trương dự án đầy tham vọng tái thiết các tuyến đường sắt Triều Tiên, còn dự án khôi phục một trong những nhà máy nhiệt điện ở Bình Nhưỡng cũng đang được thực hiện. Quan trọng hơn, Bình Nhưỡng đã đồng ý thanh toán cho các dự án tốn kém về tái thiết cơ sở hạ tầng và năng lượng bằng những tài nguyên thiên nhiên có giá trị mà họ có rất nhiều, nhưng trước đây chưa bao giờ chia sẻ.

Theo chuyên gia, Nga và Triều Tiên có tiềm năng hợp tác rất lớn, kể cả trong việc sử dụng lao động từ Triều Tiên. Nếu như trước đây lao động Triều Tiên chủ yếu làm việc ở vùng Viễn Đông, thì bây giờ họ được mời đến các vùng ngoại ô Moskva, khu vực Volga và các khu vực khác của Nga. Chủ lao động đánh giá cao tính chuyên nghiệp, tính trách nhiệm và tinh thần kỷ luật của công nhân Triều Tiên.

Với nước Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy Nga về phía Đông, khiến Nga trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là nhẽ tất nhiên. Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Moskva và Bình Nhưỡng đang cùng phải chịu các trừng phạt của Mỹ đương nhiên sẽ xích lại gần nhau. Bằng việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên và các nước châu Á khác, Nga chứng tỏ rằng phương Tây sẽ không thể dọa nạt bằng các lệnh trừng phạt.

Hiện thời khó có thể đánh giá được những cố gắng của Bình Nhưỡng sẽ thành công đến đâu và quan hệ Moskva - Bình Nhưỡng thời gian tới sẽ ấm cỡ nào. Cần phải lưu ý rằng do cuộc khủng hoảng ở Ukraina và quan hệ Nga - phương Tây xấu đi, nên Moskva khó lòng dành quan tâm đầy đủ cho Triều Tiên. Nhưng không cần biết kết quả cụ thể sẽ ra sao, có thể xem bản thân nỗ lực của Triều Tiên để tích cực hóa mối tương tác của họ với thế giới bên ngoài như là một động lực mới trong tiến trình làm lành mạnh tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.

S.Phương (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc