Ukraina trước nguy cơ nội chiến

06:56 | 19/04/2014

1,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khủng hoảng Ukraina đang bước vào giai đoạn mới đầy nguy hiểm khi Chính phủ Kiev dùng xe bọc thép hạng nặng đàn áp người biểu tình thân Nga.

Năng lượng Mới số 314

Ngày 15/4, 20 xe bọc thép cùng các loại xe tải quân sự khác của quân đội Kiev đã tiến về bao vây thành phố Slavyansk ở miền Đông Ukraina, nơi những người biểu tình thân Nga đang cố thủ bất chấp tối hậu thư của Tổng thống tạm quyền Ukraina.

Cùng ngày, quân đội Ukraina cũng đã tấn công và chiếm lại sân bay Kramatorsk từ tay lực lượng an ninh địa phương. Đã có 11 dân quân tự vệ thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Trước đó ngày 13/4, các lực lượng đặc biệt của Ukraina và lực lượng dân quân thân Nga cũng đã chạm súng trong thành phố Slovyansk, khiến ít nhất 2 người tử vong và 9 người khác bị thương cho cả 2 bên.

Như vậy là chưa đầy 12 giờ sau khi tối hậu thư kêu gọi người biểu tình buông vũ khí của Tổng thống Oleksandr Turchynov được đưa ra, xung đột quân sự đã chính thức diễn ra tại các tỉnh miền Đông Ukraina trong khuổn khổ một chiến dịch mà chính quyền Kiev gọi là “tiêu diệt khủng bố”.

Binh lính Ukaina bao vây thành phố Slavyansk

Trước đó, Nga đã cảnh báo chính quyền Ukraina không được đàn áp người biểu tình, đa phần là dân Nga. Tuy nhiên, lằn ranh đỏ Nga vạch ra đã bị Kiev vượt qua. Ngày 15/4, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa kêu gọi sử dụng tối đa mọi khả năng mà Washington đang có để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu ở Ukraina.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin và người đồng nhiệm Mỹ Obama đã thảo luận tình hình ở các khu vực phía đông nam của Ukraina. Tổng thống Nga nhấn mạnh, các cuộc biểu tình ở Donetsk, Lugansk, Slavyansk và các thành phố khác ở đông nam Ukraina là do ban lãnh đạo Kiev không mong muốn và không có khả năng tính đến các lợi ích của dân Nga và người nói tiếng Nga.

Ngày 9/4, Tổng thống Putin đã cảnh cáo chính quyền lâm thời tại Kiev không nên phạm sai lầm, dùng vũ lực trấn áp người biểu tình thân Nga tại phía đông Ukraina. Ông Putin nhấn mạnh, đây sẽ là những hành động không thể tha thứ được. Tuy nhiên, Kiev đã làm lơ trước những lời cảnh báo này. Và dư luận quốc tế đang chờ xem Nga sẽ đáp trả như thế nào.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitaly Churkin, cảnh báo phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc nội chiến ở Ukraina. Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 13/4, ông Vitaly Churkin đã kêu gọi các đồng nghiệp phương Tây hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về trách nhiệm mà họ đang nhận lấy và cảnh báo Kiev về sự leo thang bạo lực. Ông nói: “Ngày hôm nay, các nước phương Tây là bên quyết định nội chiến có xảy ra ở Ukraina hay không. Chính quyền Kiev hiện nay không tiến hành bất cứ động thái nghiêm trọng nào mà không có sự chấp thuận của các nhà bảo trợ ở Mỹ và EU. Với sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây - tài chính và chính trị - họ đã chiếm được chính quyền và kiểm soát đất nước. Bây giờ, họ phái quân chống những người Ukraina đang đòi hỏi tôn trọng luật pháp quốc gia và các quyền dân sự của cư dân”.

Nga cho rằng phương Tây cần buộc chính quyền Kiev hiện nay ngay lập tức tham gia cuộc đối thoại quốc gia chân chính với sự tham gia bình đẳng của tất cả các vùng trong thời gian sớm nhất để cải cách hiến pháp một cách triệt để.

Một vài tháng trước, phương Tây nhất trí kêu gọi Tổng thống Viktor Yanukovych từ bỏ mọi biện pháp an ninh để khôi phục trật tự tại Kiev. Khi đó, những người biểu tình đang chuẩn bị tấn công dinh tổng thống. Ngày 21/2/2014, đại diện chính quyền và phe đối lập Ukraina với sự hiện diện của đại diện Pháp, Đức và Ba Lan đã ký thỏa thuận về giải quyết tình hình. Ngày hôm sau, trong nước xảy ra cuộc thay đổi chính quyền bằng vũ trang: Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và các vị trí chủ chốt của chính phủ rơi vào tay các đại diện đối lập vũ trang được phương Tây ủng hộ.

Việc phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước cuộc lật đổ Tổng thống Yanukovych đã khiến họ không thể làm gì khi vùng Crưm sáp nhập vào Nga. Bây giờ họ tiếp tục dung túng cho việc chính quyền Kiev đàn áp người biểu tình thân Nga ở các tỉnh miền đông Ukraina. Người ta đang chờ đợi bước đi tiếp theo của Tổng thống Putin trước các động thái mới của chính quyền Kiev.

Nga cảnh báo rằng, nếu Kiev không được phương Tây ra lệnh kiềm chế và rút quân thì xung đột leo thang là điều không thể tránh khỏi. Và khi đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện. Chiến sự, các thành phố bị phá hủy, hàng triệu người tị nạn, tất cả những cái đó không chỉ sẽ xảy ra ở Ukraina, mà toàn bộ châu Âu cũng sẽ phải cảm nhận.

Roger Mcdermott, nhà nghiên cứu cao cấp Á - Âu của Quỹ Jamestown và là nhà quan sát quân sự Nga từ nhiều năm nay. Keir Giles, một chuyên gia phân tích lâu năm về quân sự Nga của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Toàn cầu (CSRC). Cả hai chuyên gia này đều cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraina đã bước sang giai đoạn mới và có lẽ là giai đoạn trọng yếu. Theo họ, những hành động đàn áp người biểu tình là một tính toán sai lầm nữa của chính quyền Kiev. Nếu quân đội và an ninh Ukraina ra tay thì tình hình sẽ leo thang, dẫn đến việc Nga sẽ phải sử dụng quân đội chính quy, gồm cả không quân và bộ binh.

Ông Giles nói rằng ông “lo lắng nhưng không ngạc nhiên” về các sự kiện căng thẳng leo thang gần đây. Theo chuyên gia này, việc Nga đưa quân vào Ukraina không chỉ phù hợp với kịch bản lâu nay về việc bảo đảm quyền và cuộc sống của công dân Nga ở nước ngoài, mà còn phù hợp với nhu cầu bảo đảm an ninh và ổn định ở các vùng xung quanh biên giới Nga.

Giới quân sự quốc tế đang đưa ra 3 khả năng Nga dùng sức mạnh quân sự để can thiệp vào Ukraina. Thứ nhất, quân Nga tại miền Đông Nam sẽ ngầm can thiệp để gây rối loạn tại khu vực biên giới tạo cớ cho cuộc hành quân nhằm lập ra một khu vực hành lang, nối liền bán đảo Crưm phía nam với vùng Donetsk ở phía đông. Kịch bản thứ hai là toàn bộ khu vực Nam và Đông Ukraina bị Nga chiếm đóng. Còn theo kịch bản cuối cùng, cuộc tấn công của Nga sẽ đến từ phía tây (vùng Transnistria nói tiếng Nga thuộc Moldova).

S.Phương (tổng hợp)