Ukraina: Khi nào thì đánh?

13:21 | 21/11/2014

6,413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quân đội chính phủ Kiev và phe ly khai ở Ukraina đã dàn quân sẵn sàng cho một trận đánh lớn nhưng trên mặt trận ngoại giao mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Thực tế này sẽ kéo dài bao lâu?

Ukraina: Khi nào thì đánh?

Mỹ sẽ chuyển giao đợt xe quân sự Humvee lần đầu tiên cho Ukraina

Thủ tướng Ukraina Yatsenyuk ngày 19/11 đã loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai nhằm chấm dứt 6 tháng xung đột ở miền Đông nước này. Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Ukraina Yatsenyuk nói: “Chúng tôi sẽ không đàm phán trực tiếp với lực lượng ly khai. Nếu muốn đảm bảo hòa bình, chúng ta cần tuân thủ thỏa thuận Minsk được ký tại Belarus hồi tháng 9 vừa qua".

Tuyên bố của Thủ tướng Ukraina được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nhà lãnh đạo Kiev đàm phán trực tiếp với lực lượng ly khai ở miền đông và không nên coi Moskva là một bên của cuộc xung đột này. Ông Lavrov cho hay Nga đang kêu gọi tổ chức các cuộc tiếp xúc đáng tin cậy giữa các đại diện của Kiev và Donbass nhằm đạt được các thỏa thuận đôi bên cùng chấp nhận. Ngoại trưởng Nga nói: "Chúng ta sẽ cố gắng cứu vãn thỏa thuận Minsk vì đó là cơ sở để giải quyết xung đột tại Ukraina. Cần phải tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Kiev và đại diện của Donetsk và Luhansk bởi vì họ chính là những bên ký vào thỏa thuận Minsk".

Như vậy có thể nói cánh cửa ngoại giao giữa chính quyền Kiev và phe ly khai đã bị khóa chặt.

Trên bình diện quốc tế, các cuộc thương lượng giữa Nga với Mỹ và châu Âu vẫn bế tắc. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Đức hôm 19/11, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Moskva khuyến khích các mối quan hệ ổn định giữa đại diện Kiev và Donbass như là động thái đầu tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina. Đồng thời, phương Tây cũng cần phải khuyến khích đối thoại này, chứ không phải hỗ trợ tất cả những ai thích chiến tranh ở Kiev, không được nhắm mắt làm ngơ trước các vi phạm trắng trợn quyền con người, sự coi thường luật pháp và tội ác chiến tranh. Theo ông Lvarov, không thể có phương án nào khác thay thế cho thỏa thuận Minsk.

Cùng ngày, phát biểu tại buổi lễ nhận quốc thư của tân Đại sứ Mỹ John Tefft diễn ra tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh Moskva và Washington có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì an ninh và ổn định quốc tế, đối phó với những thách thức và đe dọa toàn cầu. Tổng thống Putin nêu rõ các điều khoản cơ bản từ phía Nga nhằm xây dựng một mối quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp hơn. Đó là phải dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lợi ích của nhau, các quyền lợi bình đẳng và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Trước đó, ông Putin nói rằng Mỹ muốn Nga phải khuất phục, nhưng sẽ không bao giờ có ai làm được điều đó. Ngoài ra, Điện Kremlin đã đòi phải có bảo đảm là Ukraina không dự tính gia nhập NATO. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Đức ARD mới đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định Moskva sẽ không cho phép chính quyền Kiev tiêu diệt các đối thủ chính trị, tức phe ly khai.

Về phía Mỹ, trước chuyến thăm Ukraina, Phó Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng Kiev có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ. Với tuyên bố này, Washington để ngỏ khả năng hỗ trợ Kiev tấn công phe ly khai. Ngày 20/11, phát biểu trong phiên điều trần ở Thượng viện nhân dịp được bổ nhiệm vào cương vị mới, Anthony Blinken, thứ trưởng tương lai của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Theo Blinken, nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Ukraina bằng việc cung cấp vũ khí sẽ buộc Nga phải từ bỏ những hành động kế tiếp, vốn được cho là vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận Minsk. Phản ứng trước tuyên bố này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina của Mỹ vi phạm trực tiếp thỏa thuận Geneva. Ông Lukashevich nhắc lại rằng trong Tuyên bố Geneva ngày 17-4-2014, ngoài vấn đề bắt đầu đối thoại quốc gia ở Ukraina, một lần nữa các bên đã khẳng định vấn đề sớm kết thúc chiến sự.

Như vậy, cuộc khủng hoảng Ukraina đang khiến cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng gia tăng căng thẳng và theo các chuyên gia còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Bởi lẽ các bên liên quan trong vấn đề Ukraina chưa toàn tâm toàn ý mong muốn giải quyết vấn đề. Hiện tất cả các bên đều đang sử dụng thỏa thuận Minsk như một tấm bình phong để hoãn binh. Mỹ còn bận chuyện chính trị nội bộ, châu Âu thì bất nhất trong chính sách với Ukraina và chính sách cấm vận Nga. Khi các nhà bảo trợ còn hẫm hờ, chính quyền Kiev chẳng dại gì phá bỏ lệnh ngừng bắn. Chiến lược của họ bây giờ, có thể được phương Tây tư vấn, là cứ tiếp tục cầm cự đến chừng nào có thể. Về phía phe ly khai, họ cũng chẳng được lợi gì từ việc tuyên bố hủy kèo thỏa thuận Minsk vì thực tế lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ. Nếu tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Minsk, phe ly khai sẽ bị lên án, phương Tây sẽ mượn cớ tố cáo và như thế sẽ khiến Nga thêm khó xử. Điều khó đoán là chiến thuật câu giờ của các bên không biết đến giới hạn nào.

Trong lúc này, không khí chiến tranh tại Ukraina đang nóng lên từng giờ. Ngày 20/11, đại diện thường trực của Nga tại OSCE, Andrei Kelin, cho rằng quân Ukraina đang gia tăng sự hiện diện của họ trên giới tuyến ngăn cách với lực lượng ly khai ở đông nam đất nước, với lý do là để chuẩn bị cho các đợt tấn công của phe ly khai. Theo ông Kelin, các quan sát viên OSCE ở Ukraina trong ba trường hợp đã nhìn thấy sự di chuyển của đoàn thiết bị lạc hậu không có biển mác rõ ràng, tuy nhiên, phe ly khai ở vùng Donbass ngay lập tức thừa nhận là thiết bị của mình và thông báo rằng họ chỉ đơn giản là thay đổi vị trí. Trước diễn biến này, chính phủ Kiev đã đưa quân tới sát vùng giáp ranh hai tỉnh Donetsk và Lugansk để chuẩn bị nghênh đón các đợt tấn công của phe ly khai.

Kể từ sau cuộc bầu cử ngày 2/11 tại Donetsk và Lugansk đến nay, chính phủ Kiev và phe ly khai đã gia tăng đối đầu quân sự. Các bên đều đã dàn quân sẵn sàng cho một trận đánh lớn nhưng chưa rõ khi nào thì diễn ra.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc