Ukraina giá bao nhiêu?

08:48 | 27/08/2014

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đức vừa tuyên bố tài trợ 500 triệu Euro cho Ukraina tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy. Tuy nhiên, để lôi kéo được Ukraina về phía mình, cái giá mà Liên minh châu Âu sẽ phải trả cao hơn nhiều con số trên.

Tổng thống Petro Porochenko tiếp đón Thủ tướng Đức Angela tại Kiev ngày 23/8

Trong chuyến thăm Kiev hôm 23/8 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa trợ giúp Kiev 500 triệu Euro để tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở miền đông Ukraina. Việc làm này của Đức đang đẩy ngành ngoại giao châu Âu vào thế khó. Kể từ giờ, Đức có ý định gánh vác trách nhiệm trên chính trường quốc tế mà không cần phải núp sau vỏ bọc châu Âu. Đây không phải là lần đầu tiên Berlin có động thái kiểu này. Bà Angela Merkel đã từng đến Bắc Kinh vào tháng 8/2012 nhằm trấn an các doanh nghiệp Trung Quốc về cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro.

Qua món tài trợ 500 triệu Euro, Đức muốn chứng tỏ với cộng đồng người Nga tại đông Ukraina rằng họ cũng có thể trông chờ vào sự giúp đỡ tài chính từ châu Âu. Một cử chỉ mang đậm tính biểu tượng trước các hành động cứu trợ nhân đạo của Nga.

Thế nhưng, định mệnh của Ukraina vượt quá khuôn khổ của món quà 500 triệu Euro. Bởi vì cuộc chiến tại phía đông đã làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Trên bình diện chính trị, mặc dù Ukraina đã thành công trong việc bầu chọn một vị tổng thống hợp pháp, nhưng quốc hội lại do thân tín của cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch chiếm đa số và đóng vai trò cản trở. Để đổi mới lại quốc hội thì phải tổ chức bầu cử. Muốn bầu cử được công bằng, phải sửa đổi lại luật bầu cử. Mà việc sửa đổi luật bầu cử phải được quốc hội thông qua. Đây là một việc làm khó có thể đạt được.

Trong khi đó nền kinh tế của Ukraina đang trên đà suy sụp. Nợ quốc gia và nợ được Chính phủ bảo lãnh của Ukraina tính đến ngày 30/6 đã tăng lên 821,8 tỷ grivna (hiện 1 USD tương đương khoảng 13 grivna), từ 683 tỷ grivna hồi cuối tháng 2. GDP của Ukraina trong năm 2013 đứng ở mức 0%, còn trong 6 tháng đầu năm nay giảm 4,7%. Theo dự báo, GDP của Ukraina năm nay sẽ ở mức âm 6%-7%. Trong khi đó, lạm phát từ mức 0,5% năm ngoái đã tăng vọt lên 12% chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2014, và dự kiến sẽ tăng lên mức 19%-20% trong năm nay. Chính phủ Ukraina cũng đã phải tăng mức thâm hụt ngân sách lên 5% trong năm nay, cao hơn dự báo ban đầu (4,5%).

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, giá cả cũng không ngừng leo thang. Trong vòng 1 năm, giá vé tàu đã tăng 3 lần, mỗi lần tăng 10%. Giá khí đốt, điện, nước và các nông sản cũng tăng gấp nhiều lần. Ngoài ra, còn chưa kể đến những thiệt hại từ cuộc xung đột vũ trang ở miền đông, hiện theo ước tính sơ bộ đã lên tới gần khoảng 615 triệu USD.

Trước tình hình trên, tại cuộc họp cấp cao Nga-Ukraina hôm 28/8 với sự góp mặt của đại diện châu Âu, Tổng thống Ukraina, Viktor Porochenko, dù được Liên minh châu Âu chống lưng, vẫn ở thế yếu. Đây là cuộc gặp thứ hai giữa hai ông Putin và Porochenko. Lần trước là vào tháng 6/2014 tại Normandie, Pháp.

Tuy nhiên, không ai chờ đợi kết quả gì nhiều, vì cả hai ông Putin và Porochenko đều phải chú trọng đến phản ứng của dư luận, cho nên không thể nhượng bộ gì nhiều. Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo các lãnh đạo phương Tây rằng không nên chờ đợi giải pháp chỉ đến từ phía Nga, mà phải thúc đẩy Kiev thừa nhận trách nhiêm của mình trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Bên cạnh đó, phía Nga cũng sẵn sàng có "một cuộc đối thoại thẳng thắn" về giải pháp cho cuộc khủng hoảng và cả vấn đề khí đốt. Như vậy, hy vọng chấm dứt chiến tranh rất mong manh. Có thể nói hiện Nga đã mất Ukraina, nhưng nếu EU có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt.

 

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc