Biểu tình tại Hongkong:

Trung Quốc “đánh liều” với chiến thuật mới

12:02 | 02/10/2014

4,682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trước sự chống đối ngày càng dữ dội hơn của các nhóm biểu tình vào ngày mùng 1/10 - Quốc khánh Trung Quốc, giới chức Hongkong, đứng đầu là Trưởng đặc khu Hongkong Lương Chấn Anh, cùng với sự giúp đỡ từ chính quyền Bắc Kinh đã ra chiến lược mới mà theo họ là tốt nhất hiện nay đó là chờ đợi và hy vọng phong trào “Chiếm Trung tâm” sẽ tự tan rã.

Bước đi mới...

Lãnh đạo Hongkong đã quyết định sẽ không sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình cũng như không đối thoại chính thức với các lãnh đạo phong trào. Như vậy sẽ đồng nghĩa với việc không có cuộc tranh luận nào xung quanh vấn đề từ chức của ông Lương Chấn Anh.

Lãnh đạo phong trào tái kêu gọi cải cách hình thức bầu cử

Sau khi có một vài trao đổi không chính thức với những người ủng hộ dân chủ, lãnh đạo Hongkong nhận thấy rằng, sẽ là vô ích trong việc đàm phán với những người chống đối. Cũng trong ngày mùng 1/10, chính quyền Trung ương và Hongkong đã có cuộc đối thoại bàn chi tiết về cách thức bầu cử trưởng đặc khu cho nhiệm kỳ tới vào năm 2017.

“Chính quyền có thể nhượng bộ cho việc phong tỏa 4 đến 5 khu vực và tiếp tục theo dõi diễn biến cuộc biểu tình. Chính vì vậy, để đạt được mục đích thì những người chống đối sẽ phải mở rộng các địa điểm phong tỏa hơn, và dần dần, cuối cùng họ sẽ thấy mệt mỏi và rút lui...hay cũng có thể họ sẽ trở nên hung hăng hơn,” theo lời một trong những lãnh đạo cấp cao của chính quyền Hongkong. Ông này cũng thêm rằng: “Người biểu tình có thể trở nên hung hăng hơn nhưng cũng sẽ không thể mãi như vậy. Điều này thì có lẽ họ hiểu rõ hơn chúng tôi”.

Theo ý kiến của một cố vấn chính phủ, giờ là lúc ông Lương Chấn Anh cần chờ cơ hội và kiên nhẫn tìm cách giải quyết khủng hoảng. Điều này tuy không dễ nhưng cần phải cố gắng hết sức để mọi chuyện được giải quyết trong hòa bình.

...không dễ dàng

Bước đi này là cú đánh “5 ăn - 5 thua” cả chính quyền khu vực lẫn chính quyền trung ương. Bởi nếu nhượng bộ vào lúc này cũng sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho đám đông biểu tình lấn tới. Mà nếu để chống đối kéo dài cũng sẽ là nguy cơ gây ra những mâu thuẫn tại đại lục, mặc cho chính quyền nơi đây đã ra sức ngăn chặn việc phát tán thông tin và hình ảnh cuộc biểu tình cũng như các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này. Ngoài ra, biểu tình kéo dài đã và đang làm gián đoạn nền kinh tế, khiến Hongkong trong con mắt các nhà đầu tư sẽ trở thành một trung tâm tài chính đang dần mất ổn định.

Ông Trần Kiện Dân -  người đồng sáng lập một trong các nhóm biểu tình nói tại một cuộc họp vào ngày mùng 1/10 rằng ông Lương Chấn Anh sẽ không “tồn tại” lâu hơn nhóm biểu tình.

 “Nếu ông ấy nghĩ rằng chỉ cần im lặng trước những gì người dân yêu cầu và rồi chúng tôi sẽ tự rút lui thì ông ấy đã nhầm. Những người biểu tình tại đây, nếu họ đã không sợ hơi cay thì việc bị chính quyền ngồi đó giám sát cũng sẽ không tạo ra thay đổi gì”, tiếp lời ông Trần.

Nếu như mục đích cuối cùng và “bất di, bất dịch” của người biểu tình là một cuộc bầu cử “mở” và ông Lương Chấn Anh phải từ chức, thì những người lãnh đạo biểu tình sẽ rất khó chấp nhận bất kỳ biện pháp nào mà chính quyền đưa ra - bởi chắc chắn sẽ không có sự nhượng bộ nào là tuyệt đối. Mà kể cả họ có chấp nhận đi chăng nữa thì việc thuyết phục toàn bộ những người biểu tình rút lui gần như là điều không thể.

Người biểu tình ăn, nghỉ, chơi trên đường phố để lấy sức tiếp tục biểu tình

Chiến lược mới này của Hongkong dường như có sự hỗ trợ từ các ông lớn tại đây. Mặc cho cuộc biểu tình diễn ra gây gián đoạn các hoạt động kinh doanh, du lịch và sản xuất, nhưng những nhà tài phiệt này vẫn thu được về một khoản lớn từ việc cho thuê bất động sản, mà Hongkong thì vốn nổi tiếng là nơi đắt đỏ bậc nhất châu Á.

Chính quyền Hongkong và Bắc Kinh, vào lúc này đang hy vọng rằng sức ép từ nền kinh tế sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu – những người dễ bị tác động nhất bởi sự gián đoạn kinh tế, sẽ quay ra chống lại phong trào. Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn mọi người nhận ra rằng việc chống đối chỉ làm hại những người khác. “Họ cho rằng họ đang làm đúng và phong trào “Chiếm Trung tâm” sẽ khiến chính quyền phải nhượng bộ,” theo lời một quan chức cấp cao.

Trong cuộc gặp mặt vừa diễn ra vào ngày mùng 1/10 tại Washington giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry nói rằng phía Mỹ rất hy vọng các nhà lãnh đạo Hongkong sẽ cố gắng kiềm chế và tôn trọng quyền của những người biểu tình, giải quyết vấn đề trong hòa bình”.

Về phía những người biểu tình, lãnh đạo phong trào luôn khẳng định rằng họ sẽ theo đuổi tiêu chí “bất tuân dân sự, bất bạo động” bởi bạo lực đều không có lợi cho cả 2 bên. Bằng chứng là bên cạnh việc phong tỏa các con phố lớn, họ vẫn  cố gắng giảm thiểu tối đa những hỗn loạn ở khu trung tâm.

Trong lễ thượng cờ nhân dịp Quốc khánh, nhiều người tình nguyện đã đứng giữ thanh chắn tránh cho đám đông va chạm với cảnh sát. Họ cũng đã ra dấu hiệu bằng tay tỏ ý xin lỗi vì làm phiền với những người qua đường.

Câu hỏi mấu chốt hiện giờ là sự kiên nhẫn của Bắc Kinh sẽ còn kéo dài được bao lâu?

Vào ngày mùng 1/10, trên tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đã kêu gọi chính quyền Hongkong cần “hỗ trợ lực lượng cảnh sát thi hành pháp luật để lập lại trật tự xã hội sớm nhất có thể”.

Việc phải đối mặt với hàng ngàn người biểu tình mỗi năm khiến Bắc Kinh đã quá quen với việc để chính quyền địa phương phá bỏ nhiều cam kết với người dân.

Hà My

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc