Trung Quốc đang thách thức phương Tây về tài chính?

08:53 | 10/07/2014

1,253 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông vừa thông báo các cường quốc mới nổi về kinh tế (BRICS) đã đồng thuận thành lập một ngân hàng chung của khối. Đây sẽ là một thách thức lớn cho sự thống trị các hệ thống tài chính của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Trung Quốc thách thức sự thống trị về tài chính của phương Tây

Hí họa của China Daily về Ngân hàng phát triển BRICS

Ngày 15 và 16/7 tới đây, lãnh đạo các quốc gia thuộc khối BRICS (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) sẽ nhóm họp tại hai thành phố Fortaleza và Brasilia (ở Brazil) nhằm tìm sự đồng thuận về địa điểm đặt trụ sở của ngân hàng phát triển tương lai như dự kiến. Nhiều khả năng thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sẽ được chọn.

Theo thỏa thuận, mỗi quốc gia thành viên góp vốn đồng đều cho dự án này, ước tính tổng trị giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, khối này sẽ phải đồng tình về việc nâng vốn khẩn cấp cho định chế này lên 100 tỷ USD nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính. Và Trung Quốc cũng sẽ là người góp vốn nhiều nhất với mức hùn là 41 tỷ USD. Từ lẽ ngồi trên một đống tiền lớn như vậy thì đương nhiên Trung Quốc có quyền đặt ra những yêu sách có lợi hơn cho mình.

Đó là trên bình diện thế giới, trong khu vực Trung Quốc đang cho triển khai một dự án khác: Ngân hàng đầu tư châu Á trong lĩnh vực hạ tầng. Dự báo, ngân hàng này sẽ ra đời sớm hơn Ngân hàng của khối BRICS.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hai định chế tài chính trên có một điểm chung được xem như là một hệ thống thay thế cho những định chế tài chính thế giới hiện nay do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị. Nga và Brazil cho rằng ngân hàng BRICS có thể “thách thức được sự thống trị về tài chính Mỹ” hay cho phép “theo đuổi các nỗ lực cải cách hệ thống tài chính quốc tế, đang bị tổn hại do sự mất cân đối đáng kể theo hướng có lợi cho phương Tây”.

Về phần mình, Trung Quốc khôn khéo không cho là mình đang cạnh tranh nhưng chỉ nói rằng dự án Ngân hàng Đầu tư châu Á sẽ trợ sức cho Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật Bản thống lĩnh và Ngân hàng Thế giới.

Bắc Kinh không hề nói rõ là hai định chế tài chính do Nhật và phương Tây thống lĩnh đó ưu tiên tài trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo, trong khi Ngân hàng đầu tư do Trung Quốc thành lập là để chi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà châu Á đang rất cần.

Đó là chưa kể đến “phần thưởng” khi vay tại ngân hàng của Trung Quốc: điều kiện vay không bao gồm các điều kiện chính trị chiểu theo chính sách không can thiệp nội bộ của Bắc Kinh, cũng như những đòi hỏi về nhân quyền.

Duy Hưng (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc