Trung Quốc “dằn mặt” các công ty nước ngoài

11:00 | 21/08/2014

1,405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
14 hãng xe hơi quốc tế tại Trung Quốc vừa bị Bắc Kinh phạt nặng. Đây là đòn mới nhất trong chiến dịch trấn áp quy mô lớn các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực, từ dược phẩm, sữa bột trẻ em, cho đến công nghệ cao cấp.

Trung Quốc “dằn mặt” các công ty nước ngoài

Một cơ sở của Hãng Sumitomo Electric Nhật Bản tại Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh ngày 20/8, chính thức thông báo quyết định phạt 10 hãng sản xuất linh kiện xe hơi Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc hơn 200 triệu USD. Lý do là các công ty này, trong vòng 10 năm qua, đã lợi dụng vị thế độc quyền để áp đặt giá cả.

Đây là mức phạt lớn nhất từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng luật chống độc quyền kể từ năm 2008 đến nay.

Trong số các cộng ty Nhật bị trừng phạt lần này, chịu mức cao nhất là Hãng Sumitomo Electric với 290,4 triệu nhân dân tệ. Riêng hai công ty khác là Hitachi và Nachi, cũng bị buộc tội, nhưng được miễn phạt vì đã chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng Trung Quốc và cung cấp bằng chứng về các thỏa thuận độc quyền.

Ngoài 12 hãng Nhật Bản kể trên, còn có 2 tập đoàn xe hơi Audi và Chrysler cũng nằm trong đợt xử lý lần này của chính quyền Trung Quốc.

Từ năm 2008, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch trấn áp trên quy mô rộng lớn nhắm vào một loạt các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực, từ dược phẩm, sữa bột trẻ em, cho đến công nghệ cao cấp. Tháng 7/2014, Bắc Kinh đã bố ráp văn phòng của Microsoft tại Trung Quốc, bị cáo buộc độ quyền trong lĩnh vực phần mềm. Theo các nguồn tin báo chí, sắp tới đến lượt nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ sẽ bị điều tra về thế độc quyền trong lĩnh vực chip dùng cho điện thoại di động. Một thám tử tư của tập đoàn dược phẩm GSK (GlaxoSmithKline) trụ sở tại Trung Quốc gần đây đã bị kết án 2 năm rưỡi tù vì cáo buộc làm gián điệp... Theo báo chí Trung Quốc, 1.000 công ty nước ngoài sẽ bị Bắc Kinh điều tra về hành vi độc quyền.

Một chuyên gia Trung Quốc giải thích, từ lâu một số công ty nước ngoài thao túng giá cả, nhưng chính quyền Bắc Kinh không có biện pháp để bài trừ. Từ khi luật chống độc quyền ra đời năm 2008, chính quyền đã biết nên tiến hành điều tra như thế nào. Mục đích của Trung Quốc không phải để phá ngầm các công ty ngoại quốc mà để thiết lập các quy tắc thị trường bền vững.

Tuy nhiên, lời giãi bày này không thuyết phục được giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Ở hậu trường, các công ty này lên án hành vi của Bắc Kinh là dọa nạt. Stefan Sacks, phó Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nói: “Trong một đất nước pháp quyền, bị cáo được phép bào chữa. Các nhà điều tra đã khuyên một số thành viên của chúng tôi không nên mang luật sư theo”.

Theo giới quan sát, cuộc tấn công nhắm vào các tập đoàn nước ngoài bắt đầu từ mùa hè năm ngoái khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đắc cử. Một số đưa ra giả thuyết, đây là chiến dịch chính trị nhằm thiết lập quyền lực mới bằng biện pháp ái quốc. Việc Bắc Kinh đưa các công ty này vào khuôn phép được tiến hành cùng lúc với chiến dịch bài trừ tham nhũng để được lòng dân.

Trên thực tế, làn sóng tấn công vào các công ty nước ngoài diễn ra trong chiến lược kinh tế Trung Quốc nhằm chấm dứt thời kỳ hoàng kim của các tập đoàn này. Chiến dịch này đáp ứng được mục tiêu của Bắc Kinh là kích thích năng suất của các công ty nội địa, đồng thời cải thiện sức mua của các tầng lớp trung lưu mới, bảo đảm ổn định cho xã hội.

Đại diện một tập đoàn dược phẩm châu Âu nhận định: “Các cuộc điều tra này là một đòn cảnh cáo để nói rằng: chúng tôi sẽ tôn vinh các công ty nội địa”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn thấy, Bắc Kinh sẽ không động đến những lĩnh vực mà công nghệ phương Tây vượt bậc, hiện bỏ xa Trung Quốc như ngành hàng không.

Tất cả những diễn biến trên đã khiến cho giới đầu tư nước ngoài lo ngại. Các công ty quốc tế hiện đã dè dặt hơn khi đầu tư vào Trung Quốc. Một số đang đầu tư tại Trung Quốc thì có ý định ra đi. Trong tháng 7/2014, lượng đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể.

Nh.Thạch

tổng hợp