Tổng thống Nga liệu có quá tự tin?

12:08 | 22/12/2014

4,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên bờ vực khủng hoảng do giá dầu giảm mạnh và đồng Rúp rơi tự do, Tổng thống Nga Putin vẫn luôn tự tin rằng Moscow có thể vượt qua “cơn bão” kinh tế này bằng nguồn lực quốc gia với 400 tỉ USD dự trữ. Thế nhưng, liệu những lời nói tự tin đó có là hơi quá không khi việc trông cậy vào nguồn lực cứu cánh đó không hề mấy lạc quan.

Tổng thống Nga liệu có quá tự tin?

Phát biểu trên truyền hình ngày 18/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã trấn an người dân đồng thời khẳng định đất nước có đủ tiền dự trữ để hoàn thành các mục tiêu kinh tế, sản xuất đã đề ra.

Theo Bloomberg, diễn biến kinh tế này đã nằm trong dự đoán của ông Putin. Hồi đầu năm, Tổng thống Nga đã tham vấn các trợ lý rằng liệu nước Nga có thể chịu được cú sốc kinh tế nếu can thiệp vào Ukraine không, và câu trả lời ông nhận được là “Có”.

Tổng thống Putin cho biết hiện Nga có khoảng 400 tỉ USD dự trữ và từng đó sẽ giúp kinh tế Nga đứng vững.

Nhưng tiền tệ không nên chỉ đong đếm bằng số lượng ít nhiều như thế nào mà quan trọng hơn là tính thanh khoản của nó trong trường hợp cần thiết. Hơn nữa, số tiền Nga có cũng không phải lớn đối với một cường quốc.

Dưới đây là bảng miêu tả tính thanh khoản lượng dự trữ ngoại hối của Nga năm 2014 mà Tạp chí kinh tế The Economist thống kê từ số liệu Ngân hàng Trung Nga:

Tổng thống Nga liệu có quá tự tin?

(1) Tính không thanh khoản; (2) Tính thanh khoản trung bình; (3) Tính thanh khoản cao

Theo đó, Moscow hiện chỉ có gần 200 tỉ USD có tính thanh khoản cao. Số tiền còn lại, trong đó khoảng 170 tỉ USD đang nằm trong 2 quỹ lớn, bao gồm 89 tỉ USD từ Quỹ Dự trữ và 82 tỉ USD từ Quỹ Thịnh vượng Quốc gia. Nhưng hầu như số tiền này đều được chứng minh là không thể sử dụng đối với những nhu cầu tài chính ngắn hạn. Hay nói cách khác, tính thanh khoản của phần lớn số tiền đó không cao. Chính phủ không thể rút chúng ra như rút tiền khỏi máy ATM được.

Theo Bloomberg, “Ngân hàng Nga có thể chi thêm 70 tỉ USD để bảo vệ đồng Rúp”. Như vậy thì Nga chỉ còn trên 100 tỉ USD có tính thanh khoản cao. Hôm 17/12, chính phủ nước này cho biết sẽ dùng 7 tỉ USD để ngăn đà giảm của đồng Rúp nhằm làm dịu thị trường.

Để cứu đồng Rúp, bên cạnh việc chi thêm ngoại tệ dự trữ, ngân hàng Nga còn tăng lãi suất nhằm ngăn các dòng vốn bị rút ra khỏi nền kinh tế. Ngày 16/12, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%.

Những gì Nga đang làm khiến chúng ta nhớ tới Indonesia trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1999. Vào thời kì đó, ngân hàng Indonesia đã tăng lãi suất kỷ lục lên tới 70% nhưng cũng không thể ngăn đồng Rupiah trượt giá một nửa so với giá trị ban đầu. Có thể, kịch bản cũ sẽ được lặp lại ở Nga.

Hà My (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc