Trung Quốc mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng cho giới đầu tư tư nhân

11:26 | 31/07/2012

1,431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vị trí thứ 2 thế giới về ngân sách quốc phòng dường như chưa làm thỏa mãn lãnh đạo Bắc Kinh khi mà mới đây họ quyết định mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng cho giới đầu tư tư nhân.
Chưa hài lòng với sức mạnh quân sự hiện tại, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi giới đầu tư tư nhân nước này đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng

 

Các nhà đầu tư tư nhân của Trung Quốc sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn trong hoạt động đầu tư ngành công nghiệp quốc phòng đất nước. Tờ Thời báo Trung Quốc đưa tin này, đề cập đến quyết định của Uỷ ban Khoa học, kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng và Tổng cục trang bị vũ khí Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Không thể nói rằng, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đang đứng trước những khó khăn nào đó về tài chính. Trong những năm gần đây, hàng năm ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng đều đặn hơn 10%. Năm 2012, chỉ số này của Trung Quốc là 11%, đạt 110 tỷ USD, nhanh hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế GDP. Tiếp tục hành động theo mục tiêu ưu tiên tiềm năng quân sự, bất chấp nguy cơ có thể một làn sóng thứ hai của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cho thấy họ không những không tiết kiệm mà còn tìm kiếm nguồn kinh phí mới cho các chương trình quốc phòng. Xét từ quan điểm này, khá hợp lý việc cân bằng quyền lợi kinh doanh của các nhà đầu tư tư nhân so với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Giờ đây, các công ty tư nhân sẽ có cơ hội tham gia việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí, cũng như hoạt động tái cơ cấu các xí nghiệp quốc phòng nhà nước. Tiến tới, Trung Quốc hoạch định lập danh sách hạng mục vũ trang mà các nguồn vốn tư nhân có thể tham gia đầu tư thiết kế, sản xuất. Đồng thời, tài liệu nghị quyết quy định rằng, chỉ các nhà đầu tư thuộc Trung Hoa đại lục mới có thể tiếp cận lĩnh vực này. Cho đến nay, doanh nghiệp tư hữu chỉ được phép cung cấp các phụ tùng và một số vật liệu cho ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng không tham gia vào các dự án lớn.

Trung Quốc đang thực hiện loạt đề án lớn liên quan đến chế tạo máy bay chiến đấu mới, đóng tàu sân bay và chiến hạm, phát triển các chương trình không gian, tăng cường tiềm năng quân đội trong chiến tranh thông tin hiện đại bằng các công cụ vi tính. Theo đánh giá cảu các chuyên gia, việc thu hút vốn tư nhân vào công nghiệp quốc phòng sẽ đem lại cho Quân đội giải phóng Trung Quốc những cơ hội mới về hiện đại hóa trang bị. “Rõ ràng rằng, trong giai đoạn phát triển mới, Trung Quốc dự định mở cổng để nguồn vốn tư nhân có thể tiếp cận giải quyết những vấn đề quốc phòng quan trọng của quốc gia. Đặc biệt nên lưu ý rằng, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đang tích cực phát triển trong tất cả các phân đoạn”- chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc công ty phân tích Mỹ IHS Jane’s, trong vòng 5 năm tới ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi. Đánh giá này được thực hiện không tính tới vốn đầu tư tư nhân mà chỉ dựa trên những chi phí quốc phòng do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc phê duyệt. Chi phí quốc phòng Trung Quốc phát triển cùng với hoạt động nghiên cứu nâng cấp các máy bay quân sự và thiết bị. Theo giới chuyên gia, hoạt động này liên quan tới mật độ tích cực quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều mà như Trung Quốc nhận định, đe dọa các lợi ích chiến lược của đất nước.

“Bất kỳ sự gia tăng nào trong ngân sách quân sự của Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á"- D. S. Rajan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Chennai, Ấn Độ.

Việc gia tăng ngân sách quân sự của Trung Quốc khiến khu vực và toàn thế giới lo ngại. Theo hãng tin Bloomberg, việc Trung Quốc liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng là đáng chú ý trong bối cảnh quốc gia khổng lồ này đang mở rộng các cam kết toàn cầu và đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, nhất là với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Với mức ngân sách như vài năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Geoff Raby, Đại sứ Australia tại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có nhiều thứ đòi hỏi nhà nước phải có sức mạnh quân sự. Trung Quốc sống trong một môi trường láng giềng ở đó không có các đồng minh tự nhiên hoặc bè bạn. Với nhiều năm liên tục gia tăng, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ năm 2006. Trong bản báo cáo năm 2011, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng, nếu cứ giữ đà gia tăng này, trong vòng 10-15 năm nữa, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung quốc sẽ ngang bằng với Mỹ.

 Theo mạng tin ctv.ca (Canada), Bắc Kinh liên tục củng cố sức mạnh quốc phòng suốt hai thập kỷ qua và đã trở thành một thế lực lớn mạnh trong khu vực. Sự vươn lên về quân sự này, dù được cho là chủ yếu nhằm vào Mỹ, nhưng vẫn mang lại những mỗi quan ngại sâu sắc cho các đối thủ ở châu Á như Ấn Độ và các láng giềng có tranh chấp lãnh hải như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.  Sarah McDowall, chuyên gia phân tích cấp cao tại IHS Jane’s cho biết việc tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là một phần trong tiến trình hiện đại hóa quân sự lâu dài của quốc gia này, bên cạnh đó còn bị thúc đẩy bởi những điểm nhấn chính sách mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Ông nói: “Điều cần lưu ý là quan điểm của Bắc Kinh khi phản ứng với các chính sách ngày càng quyết đoán của các nước khác và đã nhiều lần nói rằng không muốn kích động sự đối đầu quân sự”.

Arthur Ding, chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Chính trị Đài Bắc bình luận với AFP rằng: “Trung Quốc phải giải thích và cố gắng thuyết phục các nước trong vùng về những lý do cần phải phát triển bộ máy quân sự như vậy. Bởi vì các nước trong vùng có thể nêu lý do này để cố gắng củng cố quan hệ với Mỹ”.

Trước những diễn biến tiêu cực này, dư luận thế giới đang được chứng kiến một hình thức chạy đua vũ trang mới tại châu Á, hoặc ít nhất là chạy đuổi, với mục tiêu đầu tiên là ứng phó với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nếu tất cả các nước đang trỗi dậy đều quyết định dành một phần ngân sách ngày càng tăng để đầu tư cho các khả năng quân sự thì tại châu Á - với những vận động diễn ra xung quanh sức mạnh gia tăng của Trung Quốc - đang tồn tại một động lực gây bất ổn tiềm tàng và đáng lo ngại cho toàn cầu.

 

Các nước có chi phí quân sự lớn

Mỹ: 739,3 tỷ USD

Trung Quốc: 110 tỷ USD

Anh: 63,7 tỷ USD

Nga: 52,7 tỷ USD

Ấn Độ: 31,9 tỷ USD

Th.Long (Theo AFP)