Trung Quốc đe dọa, Nhật Bản vẫn bắt người

09:16 | 16/08/2012

3,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất chấp lời đe dọa sẽ điều tàu chiến đến can thiệp nếu như hải quân Nhật Bản ngăn chặn các nhà hoạt động từ HongKong, Macau và Thâm Quyến, những người có kế hoạch lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư câu cá trong ngày 15/8 nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Nhật. Tuy nhiên, cảnh sát Nhật Bản vẫn bắt giữ 14 người Trung Quốc sau khi họ đến quần đảo này.

 

Tàu tuần tra Nhật so kè cùng tàu Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư

Tờ Thời báo Hoàn cầu-một ấn bản của Nhân dân Nhật báo-Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 15/8 đã đăng một bài viết trong đó nói rằng Trung Quốc sẽ buộc phải điều các tàu chiến đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku nếu như Nhật Bản ngăn chặn các nhà hoạt động HongKong khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo này.

Các nhà hoạt động đi trên một tàu câu cá có tên là “Kai Fung số 2”, dự kiến tiếp cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào 11h trưa 15/8 – để kỷ niệm 67 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trước đó, các nhà hoạt động HongKong, những người đã bị rơi mất hầu hết số thực phẩm mang theo-đã quyết định không cập cảng Cơ Long (Keelung) ở Đài Loan vào tối 14/8 để nhận tiếp tế thực phẩm. Họ đã liên lạc với nhà chức trách cảng Đài Chung, nhưng chính quyền địa phương chỉ cung cấp cho họ nước uống và kêu gọi họ đến cảng Cơ Long để tránh một cơn bão đang ập đến.

Trần Dụ Nam, người đã lên kế hoạch tổ chức chuyến đi nhưng hiện vẫn ở HongKong, nói rằng quyết định không cập cảng Cơ Long tránh bão được đưa ra sau khi nhà chức trách Đài Loan đe dọa bắt giữ tàu của họ, vì con tàu này vốn không được làm thủ tục đăng ký để cập cảng Cơ Long. Theo ông Trần Dụ Nam, cơn bão đang tiến về phía đảo Luzon của Philippines sẽ có tác động hạn chế đến chuyến đi của các nhà hoạt động HongKong. Các nhà hoạt động này hiện ở trên con tàu cùng với 2 phóng viên và 4 thủy thủ. Nhà hoạt động này tuyên bố: “Chúng tôi sẽ là những người duy nhất đương đầu với người Nhật Bản do chính quyền Đài Loan không cho phép các nhà hoạt động của họ cùng tham gia với chúng tôi”.

 Ngày 14/8, một con tàu Đài Loan lẽ ra đã nhổ neo rời cảng Kengfeng ở phía Đông Bắc hòn đảo này, nhưng chuyến đi đã bị hủy bỏ vào phút chót do “sức ép của chính quyền”. Trả lời phỏng vấn báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng", Hsie Meng-lin, người đứng đầu nhóm 6 nhà hoạt động Đài Loan cho biết: “Ngay sau khi chúng tôi chuyển nước và các vật dụng cần thiết lên tàu và chúng tôi đã sẵn sàng khởi hành, thuyền trưởng con tàu nói với chúng tôi vào phút chót, rằng ông ấy không thể ra khơi”. Ông Hsie Meng-lin nói tiếp: “Chúng tôi hi vọng các nhà hoạt động HongKong lưu ý sự thay đổi điều kiện thời tiết và chú ý đến sự an toàn trong khi khẳng định chủ quyền của đất nước chúng ta”.

Trong khi đó, chính quyền Đài Bắc một lần nữa nhắc lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Một người phát ngôn phủ Tổng thống Đài Loan nêu rõ: “Tổng thống Mã Anh Cửu đã tuyên bố rõ ràng rằng chính quyền nước Cộng hòa Trung Hoa (tên chính thức do Đài Loan tự nhận) quyết không nhượng bộ… cho dù chỉ một centimet”.

Tại Đặc khu Hành chính HongKong, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh thì nói rằng ông hi vọng các nhà hoạt động HongKong sẽ trở về nhà an toàn, nhưng lảng tránh câu hỏi của phóng viên về việc ông có ủng hộ các nhà hoạt động này phản đối Nhật Bản bằng chuyến đi trên hay không.

Tuy nhiên, bất chấp lời đe dọa từ phía Trung Quốc, vào lúc 5h31 chiều 15/8, 7 nhà hoạt động HongKong đã tới hòn đảo nhỏ Uotsuri nằm trong quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và đụng độ 30 thành viên của lực lượng phòng vệ bờ biển, cảnh sát và nhân viên cơ quan nhập cư Nhật Bản. 2 trong số 7 người trở về tàu trong khi 5 người khác bị các nhân viên nhập cư thẩm vấn và bắt giữ vì tình nghi xâm nhập trái phép.

Ít giờ sau đó, thêm 9 nhà hoạt động có mặt trên tàu, gồm các thành viên cơ quan truyền thông Hong Kong cũng bị bắt giữ với lý do tương tự, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cho biết.

Các nhà hoạt động người Trung Quốc sẽ được đưa tới đảo Okinawa để thẩm vấn kỹ hơn. Sau đó, cảnh sát Nhật sẽ quyết định giao họ cho các công tố viên hay cơ quan nhập cư để trục xuất.

Theo Tân hoa xã, hiện chính phủ Trung Quốc đang “sắp xếp” cách thức phản đối Nhật Bản. Vụ việc xảy ra giữa lúc chính quyền thành phố Tokyo lên kế hoạch mua lại một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp bao gồm cả đảo nhỏ Uotsuri từ một doanh nhân Nhật. Kế hoạch này do Thị trưởng Shintaro Ishihara khởi xướng.

Th.Long (Theo APF, BBC)